Dồn dập nợ tới hạn, Becamex huy động hàng nghìn tỷ đồng để 'đảo nợ' ngân hàng
Becamex vừa thông báo kế hoạch huy động thêm 1.500 tỷ đồng từ kênh trái phiếu. Doanh nghiệp cũng mới hoàn tất đợt huy động 2.000 tỷ đồng trái phiếu lần 1. Một phần số tiền huy động được sẽ dùng để "đảo" nợ gốc lãi tại ngân hàng.
Becamex đẩy mạnh vay nợ qua phát hành trái phiếu
Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, Mã: BCM) và Tập đoàn Central Retail Vietnam vừa ký kết hợp tác phát triển dự án Trung tâm Thương mại GO!,
Khu trung tâm thương mại này được xây dựng tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương trên diện tích khoảng 3 ha với tổng mức đầu tư 35 triệu USD. Dự án có quy mô ba tầng, là trung tâm kinh doanh thời trang, ăn uống, siêu thị và các dịch vụ vui chơi giải trí.
Dự án gây chú ý với tổng diện tích 3,6 ha và tổng mức đầu tư 540 tỷ đồng, đây là trung tâm thương mại, đại siêu thị lớn nhất của tập đoàn này tại Việt Nam cho đến nay.
Mới đây, Becamex cũng có thông báo triển khai việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp lần 2 năm 2021, với tổng mệnh giá phát hành tối đa 1.500 tỷ đồng và được thực hiện trong nhiều đợt (tối đa 5 đợt).
Đây là trái phiếu phát hành riêng lẻ, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và được bảo đảm bằng tài sản. Trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng, kỳ hạn khoảng 1-5 năm. Thời gian phát hành dự kiến trong quý 2-3/2021.
Với số vốn thu được từ đợt phát hành, Công ty sẽ dùng để thanh toán các chi phí liên quan đến việc thi công, xây dựng cơ sở hạ tầng các KCN, khu dân cư, đồng thời thanh toán khoản phải trả ngắn hạn có giá trị 460 tỷ đồng của CTCP Becamex Bình Định cùng các khoản nợ gốc và lãi khác.
Trước đó, trong quý 1/2021, doanh nghiệp cũng đã huy động thành công đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 1 năm 2021 với tổng giá trị huy động được 2.000 tỷ đồng với mục đích thực hiện các chương trình, dự án đầu tư và tăng quy mô vốn của Công ty. Trái phiếu có ngày đáo hạn vào ngày 25/3/2026. Thời điểm phát hành dự kiến trong quý 1-2/2021.
Lô trái phiếu này được đảm bảo bằng các quyền sử dụng đất tại Bình Dương, tỷ lệ tài sản đảm bảo trên tổng mệnh giá trái phiếu phát hành thành công là 143%.
Theo BCTC hợp nhất quý 1/2021, tính đến 31/3/2021, Becamex đang ghi nhận tổng giá trị trái phiếu là 6.046 tỷ đồng. Sau đợt phát hành trái phiếu lần 2 trên, tổng công ty dự kiến tỷ lệ nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu lên tăng 0,42 lần, trong khi đầu năm chỉ ở mức 0,34 lần.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản thời gian qua đẩy mạnh huy động vốn trái phiếu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, phát triển dự án.
Theo các chuyên gia, lãi suất TPDN đang ở mức khá cao trong bối cảnh nền kinh tế đang có nhiều khó khăn như hiện nay. Các chuyên gia phân tích, khả năng doanh nghiệp có tăng trưởng mạnh để có thể trả lãi cao cho nhà đầu tư như hiện nay là rất khó.
Lợi nhuận khủng, dồn dập nợ tới hạn
Về tình hình kinh doanh, trong quý 1/2021, doanh thu thuần hợp nhất của BCM đạt gần 1.399 tỷ đồng, tăng 14% so với quý 1/2020. Mảng kinh doanh chính của BCM về bất động sản và bất động sản đầu tư đạt gần 1.052 tỷ đồng, tăng hơn 28%. Tuy nhiên, do biên lợi nhuận giảm nên lãi gộp hợp nhất của BCM chỉ tăng 3%, đạt 580 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí bán hàng của BCM giảm 22%, tuy nhiên, chi phí lãi vay và chi phí quản lý lại lần lượt tăng 4% và 18%. Dù vậy, BCM vẫn báo lãi ròng quý 1/2021 tăng 47% so với cùng kỳ, đạt gần 457 tỷ đồng.
Đến cuối quý 1/2021, tổng tài sản của BCM giảm 4% so với đầu năm, ghi nhận hơn 46.000 tỷ đồng.
Nợ phải trả của doanh nghiệp đến cuối quý 1 ghi nhận 29.332 tỷ đồng, giảm nhẹ 6% so với đầu năm. Trong đó, nợ dài hạn giảm từ 9.845 tỷ đồng xuống 9.113 tỷ đồng; nợ ngắn hạn giảm 6%, về mức 20.219 tỷ đồng.
Tính đến 31/3/2021, vay nợ tài chính dài hạn của BCM giảm so với đầu năm nhưng không đáng kể (8.702 tỷ đồng). Trong khi đó, các khoản nợ vay tài chính ngắn hạn giảm đến 13%, về mức gần 5.336 tỷ đồng.
Đặc biệt là trái phiếu thường dài hạn đến hạn trả tại BCM vẫn ở mức gần 629 tỷ đồng. Đến cuối quý 1/2021, tổng nợ trái phiếu thường dài hạn cũng tăng từ 5.788 tỷ đồng lên 6.046 tỷ đồng.
Có thể thấy, nhu cầu vốn để thanh toán nợ vay của Becamex IDC hiện nay còn rất lớn.
Về kế hoạch kinh doanh 2021, BCM chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 15% với tổng doanh thu và tăng 5% với lợi nhuận sau thuế so với kết quả thực hiện trong năm 2020 do lo ngại tình hình dịch bệnh phức tạp.
Trong năm nay, BCM dự kiến sẽ triển khai một số dự án trọng điểm, đồng thời khánh thành đưa vào khai thác sử dụng các dự án tạo lực về công nghiệp – đô thị và dịch vụ.
Đáng chú ý, đầu năm nay, Becamex bị phạt và truy thu tổng số tiền gần 60 tỷ đồng do khai sai thuế. Cụ thể, Cục Thuế tỉnh Bình Dương đã có quyết định xử phạt hành chính đối với Becamex IDC số tiền 12,8 tỷ đồng. Nguyên nhân là do Becamex IDC đã có hành vi khai sai thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm tài chính 2019 và 2020.
Số thuế giá trị gia tăng phải truy thu là hơn 27,8 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp phải truy thu là hơn 16,4 tỷ đồng.
Với hành vi trên, Becamex IDC bị phạt tiền kê khai sai là gần 8,5 tỷ đồng, phải nộp tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng là hơn 2,9 tỷ đồng, tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là hơn 1,4 tỷ đồng.
Theo quyết định của Cục thuế tỉnh Bình Dương, thuế thu nhập doanh nghiệp Becamex tạm nộp năm 2020 là 1,87 tỷ đồng tạm thời chưa xử lý phạt kê khai sai và tiền chậm nộp do đến thời điểm kết luận thanh tra chưa kết thúc thời điểm nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
Như vậy, tổng số tiền phạt và truy thu thuế mà Becamex IDC phải nộp vào ngân sách nhà nước là hơn 57 tỷ đồng.