Động lực nào giúp lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm tăng trưởng trong năm 2021?

Năm 2021, phần lớn các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) có lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng đều phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh chính là bảo hiểm và hoạt động đầu tư tài chính.

Số liệu của Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2021, tổng tài sản của các doanh nghiệp Bảo hiểm (DNBH) ước đạt 710.002 tỷ đồng, tăng 23,86% so với năm 2020. Trong đó, các DNBH phi nhân thọ ước đạt 104.653 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước đạt 605.349 tỷ đồng. 

Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 152.484 tỷ đồng, tăng 19,34% so với năm 2020. Trong đó, các DNBH phi nhân thọ ước đạt 35.963 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước đạt 116.521 tỷ đồng. 

Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 214.958 tỷ đồng, tăng 15,59% so với năm 2020, trong đó doanh thu phí bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 57.609 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 157.349 tỷ đồng.

Các DNBH đã chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 49.561 tỷ đồng, tăng 1,68% so với năm 2020. Trong đó, các DNBH phi nhân thọ ước đạt 18.891 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước đạt 30.670 tỷ đồng.

Theo thống kê từ Báo cáo của các DNBH, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong năm 2021 của 11 doanh nghiệp bảo hiểm trên cả 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM đạt 60.784 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2020.

Động lực nào giúp lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm tăng trưởng trong năm 2021? - Ảnh 1
Nguồn: Tổng hợp từ BCTC tại các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, lợi nhuận từ hoạt động tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng tăng 3% so với năm 2020, lên mức 9.760 tỷ đồng. Do đó, tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn tăng 21%, đạt 4.340 tỷ đồng.

Động lực nào giúp lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm tăng trưởng trong năm 2021? - Ảnh 2

Nhiều DN bảo hiểm bội thu nhờ hoạt động kinh doanh chính và tài chính

Điển hình tại Tổng CTCP Bảo Minh (BMI), theo giải trình của BMI, nguyên nhân chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng lợi nhuận quý 4/2021 đến từ hoạt động tài chính.

Cụ thể, do diễn biến thuận lợi của thị trường chứng khoán và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp mà BMI đầu tư, nắm giữ cổ phiếu, doanh thu từ mua bán cổ phiếu và thu lãi cổ tức trong giai đoạn này hơn 62 tỷ đồng, tăng gần 61 tỷ đồng so cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2021, BMI đạt gần 251 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng 28% so cùng kỳ, chủ yếu do hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tài chính có lợi nhuận gộp lần lượt tăng 20% (187 tỷ đồng) và 24% (239 tỷ đồng).

Lợi nhuận tăng mạnh nhất trong năm qua phải kể tới Bảo hiểm Petrolimex (PGI). Lãi ròng quý 4/2021 của PGI gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước, lên gần 92 tỷ đồng chủ yếu do lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm tăng 57%, đạt gần 230 tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2021, lợi nhuận ròng của PGI gấp 2,1 lần so với cùng kỳ, đạt hơn 352 tỷ đồng với lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tài chính lần lượt tăng 40% (hơn 800 tỷ đồng) và 19% (573 tỷ đồng).

Năm 2021, PGI đặt mục tiêu đạt 202 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 7% so với thực hiện năm 2020. Như vậy, doanh nghiệp bảo hiểm này đã vượt 116% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Động lực nào giúp lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm tăng trưởng trong năm 2021? - Ảnh 3
Lợi nhuận sau thuế năm 2021 của 11 doanh nghiệp bảo hiểm.

Tương tự tại Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC), với lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm tăng 25% trong năm 2021, đạt gần 650 tỷ đồng và lợi nhuận hoạt động tài chính tăng 15%, gần 321 tỷ đồng đã giúp BIC ghi nhận lợi nhuận ròng hơn 387 tỷ đồng, tăng 32% so năm trước.

Bảo hiểm Quân Đội (MIG) cũng vậy, năm 2021 đạt gần 494 tỷ đồng lợi nhuận từ kinh doanh bảo hiểm (tăng 13%) và hơn 230 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động tài chính (tăng 6%) nên lợi nhuận ròng đạt hơn 224 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý tại ông lớn Bảo Việt (BVH), lỗ gộp kinh doanh bảo hiểm trong quý 4/2021 nhưng vẫn ghi nhận lãi ròng gần 525 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ nhờ hoạt động tài chính tăng 5% so cùng kỳ, lên gần 1.980 tỷ đồng, chủ yếu do lãi đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng từ 31 tỷ đồng lên hơn 161 tỷ đồng.

Cả năm 2021, lợi nhuận ròng của BVH đạt hơn 1.882 tỷ đồng, tăng 18% so cùng kỳ, chủ yếu nhờ hoạt động kinh doanh bảo hiểm có lợi nhuận gộp gần 612 tỷ đồng, tăng 88% so cùng kỳ.

... và DN bảo hiểm lợi nhuận đi lùi vì gánh nặng chi phí

Chỉ có 2 doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn có lợi nhuận sau thuế giảm so với năm 2020 đó là Bảo hiểm Agribank (ABI) và Tổng CTCP Tái bảo hiểm PVI (PRE).

Trong quý 4/2021, gánh nặng chi phí quản lý và kinh doanh bảo hiểm là nguyên nhân chính khiến ABI lỗ ròng gần 16 tỷ đồng. Tính chung cả năm 2021, lợi nhuận ròng của ABI đạt hơn 273 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận gộp kinh doanh bảo hiểm giảm 4% còn 685 tỷ đồng và lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm 9%, còn gần 125 tỷ đồng.

Năm 2021, ABI đặt mục tiêu đạt 2.058 tỷ đồng phí bảo hiểm gốc, tăng 8% so với thực hiện năm 2020. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 18%, còn 300 tỷ đồng. Như vậy so với kế hoạch đề ra, ABI đã vượt 14% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Trường hợp tại PRE lại khác, quý 4/2021 doanh thu phí nhận tái bảo hiểm giảm 35% nhưng lợi nhuận ròng vẫn tăng 36% so với cùng kỳ năm trước, lên gần 55 tỷ đồng.

Cả năm 2021, lợi nhuận ròng của PRE giảm nhẹ 1%, đạt gần 146 tỷ đồng chủ yếu do lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm chỉ tăng 5% và lợi hoạt động tài chính tăng 3%, trong khi chi phí quản lý tăng đến 13%.

Năm 2021, PRE dự kiến đạt 1.769 tỷ đồng doanh thu và hơn 170 tỷ đồng lãi trước thuế, lần lượt giảm 7% và 6% so với thực hiện năm trước. Như vậy, Công ty đã vượt 7% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Tại báo cáo chiến lược đầu tư 2022 mới đây, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định ngành bảo hiểm vẫn sẽ giữ được tốc độ tăng trưởng 5-10% nhờ sự hồi phục của nhu cầu bảo hiểm cá nhân khi kinh tế phục hồi.

Đồng thời, nhóm nghiên cứu tại BVSC cho rằng, lợi nhuận tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2022 có thể cải thiện so với năm 2021 khi lãi suất sẽ không còn nhiều khả năng có thể giảm thêm, và kỳ vọng gia tăng nhẹ từ nửa cuối năm 2022.

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ