'Dòng tiền chảy về Mỹ, USD tăng gây áp lực lớn lên tỷ giá'
Theo PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, USD đang tăng giá quá mạnh nên ngay từ đầu năm 2025, áp lực tỷ giá đã xuất hiện. Thực tế này không giống quy luật như những năm trước.
USD tăng giá quá mạnh, áp lực tỷ giá xuất hiện ngay từ đầu năm
Ngay từ đầu tháng 1/2025, chỉ số USD (DXY) - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt đã tiệm cận mức 110 điểm và đang ở ngưỡng cao nhất trong hơn 2 năm qua, gây áp lực lên tất cả các loại tiền tệ còn lại, trong đó có đồng Việt Nam (VND).
Các chuyên gia dự báo, chỉ số này có thể duy trì ở ngưỡng cao và kéo dài hơn dự kiến trong năm 2025. Tỷ giá USD/VND theo đó cũng có nhiều sự biến động mạnh và trở thành "ẩn số" quan trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước năm 2025.
Theo PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. HCM, đồng USD đang tăng giá quá mạnh nên ngay từ đầu năm nay, áp lực tỷ giá đã xuất hiện. Thực tế này không giống quy luật như những năm trước. Bởi thông thường, tỷ giá sẽ tăng mạnh vào tháng 11, 12 năm trước và hạ nhiệt vào đầu năm sau.
Thêm vào đó, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ thực thi chính sách tiền tệ có phần thận trọng hơn. Điều này thể hiện Fed vẫn ưu tiên kiềm chế lạm phát hơn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Nhận định trên càng làm đồng USD tăng giá cũng như dòng tiền chảy về Mỹ nhiều hơn. Đặc biệt, ở các thị trường mới nổi, việc rút vốn diễn ra rất mạnh mẽ và Việt Nam là một trong số đó, gây áp lực tỷ giá khá lớn trong giai đoạn hiện tại”, ông Huân cho hay.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, chỉ số DXY tăng mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ giá USD/VNĐ. Khi đồng USD tăng giá, VNĐ giảm giá, tạo lợi thế cho xuất khẩu nhưng gây khó khăn cho nhập khẩu nguyên liệu, đẩy giá hàng hóa tăng và tác động đến lạm phát.
Bên cạnh đó, trong năm 2025, tỷ giá có thể sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ các chính sách kinh tế của Tổng thống Donald Trump. Theo đó, chính sách giảm thuế cho người thu nhập cao có thể làm tăng thâm hụt ngân sách, buộc Mỹ phát hành trái phiếu lãi suất cao, dẫn đến lạm phát tăng. FED có thể chuyển từ chính sách tiền tệ nới lỏng sang thắt chặt, tăng lãi suất, khiến USD mạnh lên, gây sức ép giảm giá VNĐ và tăng tỷ giá tại Việt Nam.
Trước áp lực này, ông Hiếu cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể phải điều chỉnh chính sách tiền tệ, bao gồm tăng lãi suất và áp dụng các biện pháp khác để giảm áp lực tỷ giá và kiểm soát lạm phát.
Áp lực tỷ giá sẽ không quá lớn và giảm dần trong năm 2025
Ở góc độ khác, ông Pyon Young Hwan, Giám đốc phụ trách mảng giao dịch ngoại hối và phát sinh, Ngân hàng Shinhan Việt Nam nhìn nhận rằng, dựa trên mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ, áp lực tỷ giá thực tế được dự đoán sẽ không quá lớn, do đó, tác động lên VND có thể sẽ được hạn chế.
Đồng thời, vị chuyên gia này cho rằng, tỷ giá VND/USD sẽ còn giảm nhẹ nhờ nền tảng nội tại vững chắc như cán cân thanh toán ổn định, dòng vốn FDI tích cực,…
Tuy nhiên, đà giảm sẽ hạn chế do khả năng phục hồi kinh tế ở châu Âu và Trung Quốc vẫn còn chậm. Mặc dù Fed cắt giảm lãi suất khiến giá trị của USD giảm, song tốc độ mất giá của USD còn chậm do sự phục hồi của các nền kinh tế khác, đặc biệt là khu vực đồng euro (Eurozone) vẫn còn trì trệ.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Pyon Young Hwan, các yếu tố như căng thẳng địa chính trị, giá cả leo cao do cạnh tranh thương mại, đồng thời tình trạng trì trệ kéo dài của nền kinh tế Trung Quốc là nguyên nhân khiến tỷ giá VND/USD tăng ở ngắn hạn.
Ước tính, tỷ giá tại thời điểm quý I/2025 là 24.850 VND/USD, quý II là 24.740 VND/USD, quý III ở mức 24.670 VND/USD, quý IV là 24.550 VND/USD. Tỷ giá trung bình dự kiến là 24.700 VND/USD.
Theo nhóm chuyên gia của VinaCapital, năm 2025 sẽ chứng kiến một số biến động đối với đồng VND. Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND cuối cùng sẽ kết thúc năm với mức giảm 3% hợp lý so với đồng USD, dựa trên kỳ vọng chỉ số DXY sẽ kết thúc năm gần như không thay đổi.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital chỉ ra rằng, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những đợt sử dụng dự trữ ngoại hối để điều hành tỷ giá. Trong bối cảnh lãi suất khó có thể thấp hơn và tỷ giá còn chịu nhiều áp lực, để hỗ trợ tỷ giá, chính sách tiền tệ sẽ càng ngày càng ít dư địa.
Vấn đề có khả năng lặp lại như giai đoạn năm 2023-2024, đó là chính sách tiền tệ tiếp tục đương đầu với câu chuyện cân bằng giữa tỷ giá và lãi suất, dẫn đến lãi suất trên thị trường tăng lên, dù lãi suất điều hành không tăng.