Dòng tiền đã quay trở lại với lĩnh vực bất động sản

Theo đánh giá, dòng tiền dù chưa chảy mạnh nhưng đã quay trở lại với bất động sản, niềm tin các bên tham gia thị trường đã cải thiện rõ nét.

Chuyên gia cho rằng, tín dụng tăng trở lại với lĩnh vực địa ốc dù chưa phản ánh toàn diện bức tranh chung của thị trường bởi trong đó bao gồm cả những khoản vay nợ mới đáo hạn ngân hàng, nhưng cũng phần nào cho thấy các ngân hàng không còn quá “khắt khe” với bất động sản như trước.

Dòng tiền đã quay trở lại với lĩnh vực bất động sản - Ảnh 1

Thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, tín dụng bất động sản tại TP.HCM tăng trưởng 1,61%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung (1,31%) và chiếm 27% tổng dư nợ tín dụng. Dư nợ cho vay khu công nghiệp - khu chế xuất, kinh doanh bất động sản và chuyển nhượng quyền sử dụng đất có tốc độ tăng trưởng cao hơn các lĩnh vực khác.

Trong đó, cho vay bất động sản với mục đích sử dụng như mua nhà để ở, xây và sửa chữa nhà ở, chuyển quyền sử dụng đất để xây nhà ở… là phân khúc có tỷ trọng cao nhất, chiếm 68% tổng dư nợ bất động sản trên địa bàn.

Ông Hoàng Huy - Giám đốc Phòng Nghiên cứu khách hàng tổ chức, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán Maybank (MBKE) cho hay, việc tín dụng ngân hàng cởi mở hơn đã giúp nhiều dự án khởi động trở lại, lãi suất cho vay ở mức thấp cũng khiến người dân mạnh dạn đi vay mua nhà hơn.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp địa ốc tiếp tục chủ động tái cơ cấu bảng cân đối tài chính bằng việc giảm đòn bẩy nợ vay, bán bớt tài sản, mua lại trái phiếu trước hạn.

Chuyên gia MBKE cho biết, trong 5 tháng đầu năm nay, lượng trái phiếu phát hành tương đương cùng kỳ năm ngoái, thị trường không quá sôi động nhưng có sự hồi phục nhẹ so với giai đoạn từ cuối năm 2022 đến năm 2023 nhờ Nghị định 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ cho phép gia hạn nợ trái phiếu.

“Có khoảng 150.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong 5 tháng qua, bao gồm cả trái phiếu được gia hạn, tương đương 22% tổng lượng trái phiếu lưu hành, giúp giải quyết đáng kể thanh khoản cho các doanh nghiệp bất động sản”, ông Huy đánh giá.

Trên thực tế, thời gian qua, nhiều chủ đầu tư đã đưa ra các chính sách bán hàng hấp dẫn, bao gồm cả việc sử dụng đòn bẩy tài chính đi kèm hỗ trợ lãi suất. Trường hợp không vay mà trả thẳng “một cục”, khách hàng sẽ được chiết khấu từ 13-19% giá trị căn hộ, tùy từng dự án.

Chuyên gia cho hay, thời điểm hiện tại, có khá nhiều người sử dụng vốn tự có để sở hữu bất động sản. Nguyên nhân là do lãi suất tiết kiệm thấp khiến họ đáo hạn sổ tiết kiệm và rót tiền vào các kênh đầu tư khác mang lại lợi tức tốt hơn, trong đó bất động sản được ưu tiên.

TS.Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia đánh giá, việc duy trì bằng lãi suất cho vay ở mức thấp sẽ tác động tích cực tới thị trường địa ốc ở nhiều khía cạnh.

“Mức lãi vay hấp dẫn sẽ giúp thị trường địa ốc hồi phục nhanh và mạnh hơn, bởi các doanh nghiệp ngành này hoạt động chủ yếu dựa trên nguồn vốn tín dụng, trong khi phần lớn người mua nhà cũng phải vay tiền ngân hàng, nên ngành bất động sản sẽ tiếp tục nhận được tác động tích cực ‘kép’ trong thời gian tới”, ông Lực nhấn mạnh.

Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá, năm 2024 là năm các bên tham gia vào thị trường lựa chọn tăng trưởng một cách thực chất hơn. Bởi các quy định mới với thiên hướng siết chặt hoạt động đầu tư phát triển dự án và tăng cường hoạt động giám sát năng lực tài chính của các chủ đầu tư, qua đó giúp các chủ thể liên quan nâng cao năng lực triển khai dự án, tập trung mở bán các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực ở khu vực có hạ tầng phát triển tương xứng.

Từ nay đến cuối năm, nguồn cung tiếp tục chuyển biến theo xu hướng tăng mạnh. Cầu nhà ở thực chất vẫn sẽ duy trì ở mức cao khi tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức 2 con số, quá trình đô thị hóa, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai… đang diễn ra mạnh mẽ.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và cuộc sống