Dòng tiền đổ dồn vào nhóm bất động sản bất chấp TTCK rung lắc trong phiên 25/1
Thị trường chứng khoán tiếp tục rung lắc giằng co trước sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu trụ cột. Các cổ phiếu bất động sản vẫn hút được dòng tiền tốt, thậm chí nhiều mã còn đua nhau tăng trần.
Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên đầu tuần 25/1 tiếp tục diễn biến theo chiều hướng giằng co rung lắc khó chịu. Tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng đáng kể và giao dịch rất thận trong do đây là thời điểm lượng hàng giá rẻ bắt đáy hôm 20/1 về tài khoản nhà đầu tư.
Tuy nhiên, bất chấp sự rung lắc giằng do diễn ra rất mạnh trên thị trường, nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục gây bất ngờ khi đón nhận được dòng tiền rất tốt, trong đó, rất nhiều cổ phiếu thanh khoản cao thậm chí còn được kéo lên mức giá trần như NRC, BII, FLC, DXG, LDG, NTL, KBC, ASM… Đáng chú ý, đây cũng là phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp của cổ phiếu DXG và KBC.
Bên cạnh đó, IDJ tăng 5,5% lên 19.100 đồng/cp, KDH tăng 4,6% lên 35.500 đồng/cp, TDH tăng 4,1% lên 8.840 đồng/cp, NLG tăng 3,7% lên 35.200 đồng/cp, DRH tăng 2,9% lên 10.750 đồng/cp, VRE cũng tăng đến 2,4% lên 37.800 đồng/cp. Ngoài ra, VHM cũng tăng nhẹ 0,2% lên 99.500 đồng/cp, NVL tăng 1,3% lên 80.000 đồng/cp.
Ở chiều ngược lại, THD giảm 7,6% xuống 159.000 đồng/cp và cùng với SHB là 2 nhân tố chủ chốt khiến HNX-Index giảm sâu. Trong khi đó, không nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao giảm sâu trong phiên 25/1. FIT là cái tên gây chú ý nhất khi giảm sàn xuống 18.850 đồng/cp trong tình trạng thanh khoản kém trong khi dư bán giá sàn vẫn ở mức gần 5 triệu cổ phiếu. Bên cạnh đó, HQC cũng giảm 2,1% xuống 2.800 đồng/cp.
Quay trở lại với diễn biến của các chỉ số thị trường, cả VN-Index, HNX-Index và UPCoM-Index đều giảm điểm. Trong đó, SHB giảm đến 4% xuống 16.700 đồng/cp và tác động rất mạnh về mặt tiêu cực đến HNX-Index. Các cổ phiếu ngân hàng khác như STB, CTG, ACB, HDB… đều chìm trong sắc đỏ và tạo áp lực lớn lên VN-Index. STB giảm 3%, CTG giảm 2,1%, HDB giảm 1,7%.
Ở hướng ngược lại, MSN, MWG, PNJ, GVR… là các cổ phiếu lớn giữ được sắc xanh tốt và giúp nâng đỡ thị trường chung. MSN tăng 4% lên 97.000 đồng/cp và khớp lệnh gần 3,9 triệu cổ phiếu, MWG tăng 3,8% lên 132.000 đồng/cp, PNJ cũng tăng 3,6% lên 87.000 đồng/cp.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 0,73 điểm (-0,06%) xuống 1.166,05 điểm; toàn sàn có 236 mã tăng, 219 mã giảm và 50 mã đứng giá. HNX-Index giảm 8,28 điểm (-3,45%) xuống 231,84 điểm; toàn sàn có 107 mã tăng, 93 mã giảm và 54 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,18 điểm (-0,23%) xuống 77,42 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn HoSE và HNX giảm so với phiên trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 17.930 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 859 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.177 tỷ đồng. Ba cổ phiếu bất động sản là FLC, HQC và ITA nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường, trong đó, FLC đứng đầu với 33,4 triệu cổ phiếu. HQC và ITA khớp lệnh lần lượt 25 triệu cổ phiếu và 14,8 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại giao dịch vẫn theo chiều hướng tiêu cực khi bán ròng 263 tỷ đồng, trong đó, VRE và VIC nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại phiên 25/1. Trong khi đó, KBC, DXG và NVL là các mã bất động sản được khối ngoại mua ròng mạnh, trong đó, KBC được mua ròng 28 tỷ đồng, DXG và NVL được mua ròng lần lượt 27 tỷ đồng và 14 tỷ đồng.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), áp lực điều chỉnh của thị trường có thể vẫn còn tiếp diễn trong một vài phiên kế tiếp. Tuy nhiên, VN-Index có thể sẽ sớm hồi phục tăng điểm trở lại trong những phiên cuối tuần. Về tổng thể, thị trường có thể sẽ hình thành nhịp dao động tích lũy để tạo nền giá mới ở dưới vùng 1.200 điểm trong ngắn hạn. Các nhóm cổ phiếu sẽ có sự phân hoá rõ nét hơn theo kết quả kinh doanh quý IV/2020 của các doanh nghiệp niêm yết. Bên cạnh đó, hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số VN30, VNFINLEAD… sẽ tạo ra ảnh hưởng rõ nét hơn đến diễn biến thị trường trong tuần cuối tháng 1. Hoạt động này cũng sẽ khiến các cổ phiếu thành phần của các rổ chỉ số có biến động mạnh.