Đánh thuế đất bỏ hoang: Nhiều lợi ích, cân nhắc thực hiện sớm?

Ông Nguyễn Anh Quê - Chủ tịch Tập đoàn G6 cho rằng, Chính phủ đang đứng trước bài toán khó là vừa phải đánh thuế để bình ổn thị trường bất động sản, vừa phải tạo điều kiện thị trường phát triển.

Thuế phải đánh trúng đối tượng đầu cơ bất động sản

Tại cuộc họp với các địa phương sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 18 về quản lý và sử dụng đất mới đây, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Việt Nam cần rà soát chính sách thuế, đặc biệt với đất bỏ hoang, sử dụng không hiệu quả để áp dụng thuế lũy tiến. Tuy nhiên, việc áp thuế cần tránh mâu thuẫn với chủ trương tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp. Thuế phải được đánh trúng đối tượng đầu cơ bất động sản, không áp dụng tràn lan.

Thuế phải được đánh trúng đối tượng đầu cơ bất động sản.
Thuế phải được đánh trúng đối tượng đầu cơ bất động sản.

Thời gian qua, Chính phủ nghiên cứu việc đánh thuế đất hoang hóa, các dự án bất động sản, nhà ở chậm triển khai để ngăn ngừa hành vi đầu cơ, thổi giá đất. Giải pháp này được đưa ra trong bối cảnh thị trường bất động sản còn nhiều hạn chế như thiếu nguồn cung, giá tăng cao so với thu nhập người dân, khả năng tiếp cận nhà ở còn thấp.

Ông Nguyễn Anh Quê - Chủ tịch Tập đoàn G6 cho hay, vừa qua giá nhà, đất tại TP. Hà Nội, TP. HCM và vùng lân cận tăng nóng làm ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của người dân. Do đó, Chính phủ đang giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu việc đánh thuế bất động sản nhằm mục đích bình ổn giá nhà, đất.

Mặt khác, theo ông Quê, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng đạt 2 con số, trong khi việc sản xuất đang nguy cơ bị Mỹ áp thuế cao hơn trước đây, đầu tư công lớn…, vì vậy vai trò của ngành bất động sản làm động lực tăng trưởng nền kinh tế lại càng thể hiện rõ hơn.

“Đứng trước 2 vấn đề nêu trên ta thấy rõ Chính phủ đang đứng trước bài toán hóc búa là vừa phải đánh thuế để bình ổn thị trường bất động sản vừa phải tạo điều kiện thị trường bất động sản phát triển hơn nữa”, ông Quê nói.

Do đó, ông Quê cho rằng, với việc đánh thuế với bất động sản thứ 2 trở đi thì chỉ nên đánh thuế bất động sản là đất ở, nhà ở. Trường hợp người có 2 bất động sản mà 1 bất động sản là do bố mẹ để lại mục đích thờ phụng thì không đánh thuế đối với bất động sản đó. Trường hợp người có 2 bất động sản trở lên mà mục đích mua cho con thì phải thực hiện các thủ tục cho tặng con.

“Nên áp dụng thí điểm trước đối với TP. Hà Nội, TP. HCM. Mức thuế lũy tiến theo số bất động sản hoặc lũy tiến theo giá trị bất động sản”, ông Quê nói.

Với phương án đánh thuế với bất động sản bỏ hoang, ông Quê cho rằng cần xây dựng bộ tiêu chí như thế nào là bất động sản bỏ hoang, đơn vị nào có thẩm quyền đánh giá...

Theo đó, chỉ đánh thuế với bất động sản là nhà ở, đất ở; nên áp dụng thí điểm trước đối với TP. Hà Nội và TP. HCM. Mức thuế lũy tiến theo số bất động sản hoặc lũy tiến theo giá trị bất động sản.

Với phương án đánh thuế theo thời gian chuyển nhượng, ông Quê đề xuất: Dưới 6 tháng 6%, dưới 12 tháng nhưng từ đủ 6 tháng 5%; dưới 18 tháng nhưng từ đủ 12 tháng 4%; dưới 24 tháng nhưng từ đủ 18 tháng 3%, trên 24 tháng 2%.

Cân nhắc đánh thuế bất động sản thứ hai

Theo PGS-TS Phạm Thế Anh (Trường đại học Kinh tế quốc dân), Việt Nam nên cân nhắc đánh thuế căn nhà thứ 2 trở đi bởi nhiều lợi ích mà sắc thuế này có thể đem lại.

Cụ thể, loại thuế này sẽ hạn chế việc đầu cơ và găm giữ bất động sản vốn đang tạo ra các "đô thị ma" và tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường thứ cấp, khiến đẩy giá nhà đất lên cao một cách phi lý, kéo theo chi phí sinh hoạt và sản xuất gia tăng từ đó làm giảm năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Cân nhắc đánh thuế bất động sản thứ hai và đồng bộ về chính sách.
Cân nhắc đánh thuế bất động sản thứ hai và đồng bộ về chính sách.

Ngoài ra, ông Phạm Thế Anh cũng cho rằng, thuế bất động sản sẽ tạo ra nguồn thu ổn định để tái đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng tại địa phương như công viên, đường sá, bệnh viện, trường học, từ đó nâng cao chất lượng sống và dịch vụ công.

Hơn nữa, nguồn thu này cũng mở ra cơ hội để Việt Nam cắt giảm các loại thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân, những sắc thuế hiện đang làm giảm động lực sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.

Đặc biệt, sắc thuế này sẽ giúp dịch chuyển nguồn lực xã hội khỏi các kênh đầu cơ, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất thực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và hạn chế sự gia tăng chênh lệch giàu nghèo trong xã hội.

Song song với việc đánh thuế bất động sản thứ hai, để hạn chế tình trạng đầu cơ, thổi giá, gây lãng phí nguồn lực đất đai, ông Phạm Thế Anh cho rằng cần có nhiều chính sách đồng bộ.

Theo đó, Nhà nước có thể đánh thuế theo thời gian nắm giữ. Khi bất động sản được mua nhanh - bán nhanh, thường là biểu hiện của hoạt động đầu cơ lướt sóng, thì người tham gia phải chịu một mức thuế nhất định cho hành vi đó.

Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng đầu cơ găm giữ, tạo ra các đô thị ma không người ở, hoặc gây tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường thứ cấp, đẩy giá thị trường lên cao thì phải dùng loại thuế khác là thuế bất động sản (property tax).

“Khi mua bất động sản, người mua đồng thời được hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng công cộng của địa phương như công viên, đường sá, bệnh viện, trường học, v.v… nên hầu hết các quốc gia trên thế giới sử dụng thuế bất động sản để có nguồn thu phục vụ cho hệ thống hạ tầng ở địa phương. Bất động sản càng lớn, số người ở càng đông, thì số tiền thuế phải nộp càng nhiều. Thuế suất dựa trên giá thị trường, phổ biến khoảng từ 1% đến 3%. Việt Nam hiện nay chưa có loại thuế này mà chỉ có thuế sử dụng đất phi nông nghiệp với một mức rất nhỏ, không đáng kể, nguồn thu chưa được dùng để xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng ở địa phương nên chưa phải là "thuế bất động sản”, ông Thế Anh phân tích.

Kỳ Thư

Theo Vietnamfinance