Dòng tiền trên TTCK Việt Nam tháng 7: Tích cực hơn ở quỹ chủ động

Dòng tiền ETF vào ròng trong tháng thứ 2 liên tiếp, với giá trị 430 tỷ đồng trong tháng 7, nâng tổng giá trị vốn vào ròng trong năm 2023 lên 5,27 ngàn tỷ đồng.

 

Dòng tiền trên TTCK Việt Nam tháng 7: Tích cực hơn ở quỹ chủ động - Ảnh 1

Dòng vốn ETF trên thị trường Việt Nam (triệu USD). Nguồn: SSI Research.

Dòng tiền đầu tư vào các quỹ ETF: Phân hóa

Nhóm quỹ ETF nội đảo chiều vào ròng 200 tỷ đồng trong tháng 7 sau khi bị rút ròng 95 tỷ đồng trong tháng 6. Giao dịch tích cực chủ yếu nhờ sự đóng góp của hai quỹ VFM VN30 (+63 tỷ đồng) và KIM Growth VN30 (+248 tỷ đồng), cả hai quỹ này đều nhận được dòng tiền từ quỹ KIM Kindex Vietnam VN30 khi quỹ này gián tiếp đầu tư thêm 1,27 ngàn tỷ đồng trong tháng 7, bù đắp lại phần vốn bị rút ra của các nhà đầu tư Thái Lan thông qua chứng chỉ lưu ký DR E1VFVN30. Ngược lại, hai quỹ VN Diamond (-69 tỷ đồng) và VNFIN Lead (-46 tỷ đồng) đảo chiều sang rút ròng nhưng giá trị không quá lớn.

Ở nhóm ETF ngoại, dòng vốn cũng phân hóa khá rõ nét. Trong khi hai quỹ Fubon (-176 tỷ đồng) và iShares (-157 tỷ đồng) tiếp tục bị rút ròng, thì dòng tiền vào khá tốt ở các quỹ còn lại như VanEck (+384 tỷ đồng), FTSE Vietnam (+33 tỷ đồng), Global X (+36 tỷ đồng), và đặc biệt là quỹ KIM Kindex Vietnam VN30 (+1,27 ngàn tỷ đồng) đầu tư theo hình thức gián tiếp.

Tỷ suất lợi nhuận một số quỹ ETF tại Việt Nam

Tín hiệu tích cực của dòng vốn ETF trong tháng 8 là sự xuất hiện của quỹ ETF mới từ Singapore với tổng huy động ước tính ban đầu vào khoảng 5 triệu USD (118 tỷ đồng). 

Nhìn chung, xu hướng đầu tư vào các quỹ ETF của Việt Nam trong dài hạn vẫn khá tích cực, đặc biệt là từ các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài. Tuy nhiên cần lưu ý là xu hướng dòng tiền của các quỹ ETF phụ thuộc khá nhiều vào tâm lý của nhà đầu tư cá nhân và trong quá khứ, dòng tiền sẽ chỉ vào mạnh khi: thị trường có nhịp điều chỉnh mạnh hoặc thị trường xác nhận xu hướng tăng rõ rệt. 

Dòng tiền trên TTCK Việt Nam tháng 7: Tích cực hơn ở quỹ chủ động - Ảnh 2

Tỷ suất lợi nhuận một số quỹ ETF tại Việt Nam. Nguồn: SSI Research.

Dòng tiền đầu tư từ các quỹ chủ động: Tích cực hơn kỳ vọng

Diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 7 giúp giao dịch từ các quỹ chủ động tích cực hơn nhiều so với kỳ vọng.

Dòng vốn từ các quỹ chủ động đầu tư vào Việt Nam giao dịch tích cực trong tháng 7 và đảo chiều vào ròng hơn 600 tỷ đồng. Cường độ vào ròng khá đồng đều giữa các quỹ, và nhờ diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua cũng như dư địa tăng trưởng vẫn còn tương đối nhiều trong dài hạn.

Thị trường Việt Nam còn tận dụng được xu hướng phân bổ dòng vốn nhiều hơn vào thị trường cận biên và mới nổi từ các quỹ chủ động có chiến lược đầu tư đa quốc gia và theo ước tính của Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research), các quỹ này đã giải ngân vào khoảng 270 tỷ đồng vào Việt Nam trong tháng 7.

Trái ngược xu hướng, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng hơn 1,9 ngàn tỷ đồng trong tháng 7 (và bán ròng 797 tỷ đồng nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận đột biến từ VNZ). Tuy nhiên, lượng bán ròng chủ yếu đến từ các cá nhân nước ngoài (bán ròng lên tới gần 1,2 ngàn tỷ) trong khi đó tổ chức nước ngoài ghi nhận mua ròng 727 tỷ đồng. 

Một thông tin đáng chú ý cho giai đoạn tháng 8 và tháng 9 tới đây là kỳ xem xét của FTSE vào tháng 9, các động thái từ FTSE đối với Việt Nam sẽ là tín hiệu rõ ràng nhất cho triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam đang nằm trong danh sách theo dõi của FTSE từ 2018 và trong kỳ đánh giá tháng 3 vừa qua, FTSE đã đưa ra sự lo ngại liên quan tới việc thiếu rõ ràng về thời điểm thực hiện cải cách thị trường và cảnh báo việc xem xét lại tư cách thành viên của Việt Nam trong danh sách theo dỗi trong kỳ đánh giá tới. 

Tuy nhiên, tại Đối thoại tháng 7 - Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán ngày 25/7 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ cuộc họp giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các tổ chức xếp hạng quốc tế trong tháng 8 tới đây được kỳ vọng là yếu tố then chốt giúp giải quyết vấn đề trên, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ đưa thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE vào năm 2024 hoặc 2025. 

Nguyễn Như

Theo Chất lượng và cuộc sống