Dòng tiền tỷ USD đưa bộ đôi VIC - VHM về thời hoàng kim

Dù vậy, xét về biên độ tăng giá, bộ đôi nhà Vin vẫn chưa thể đuổi kịp cổ phiếu LDG. Tím trần phiên thứ 10 liên tiếp, mã này là cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HoSE tuần qua.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có một tuần giao dịch sôi động, khi dòng tiền lớn với giá trị trung bình 1 tỷ USD mỗi phiên lan tỏa mạnh mẽ trên nhiều nhóm cổ phiếu. Chỉ số VN-Index tiến sát ngưỡng 1.460 điểm, trong khi chỉ số VN30 đã có thời điểm chạm mốc 1.600 điểm – mức cao nhất kể từ khi thành lập.

Dòng tiền tiếp tục ưu ái nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là các cổ phiếu trong rổ VN30. Tuy nhiên, bất ngờ lớn nhất lại đến từ nhóm penny, nơi một số mã ghi nhận mức tăng vượt trội.

Thị trường chứng khoán vừa có một tuần giao dịch sôi động nhất kể từ đầu năm
Thị trường chứng khoán vừa có một tuần giao dịch sôi động nhất kể từ đầu năm

HoSE: Tím trần phiên thứ 10 liên tiếp, LDG vượt mặt VIC - VHM trong cuộc đua tăng giá

Trên sàn HoSE, cổ phiếu LDG của Công ty Cổ phần Đầu tư LDG là mã tăng mạnh nhất tuần khi có thêm 39,08%. Tăng trần cả tuần, cổ phiếu này nối dài đã có 10 phiên liên tục giữ sắc tím.

Giải trình về đà tăng mạnh của cổ phiếu Đầu tư LDG cho hay, đây là kết quả từ diễn biến cung - cầu khách quan trên thị trường chứng khoán, phản ánh tâm lý lạc quan của nhà đầu tư. Doanh nghiệp cũng cho rằng các nội dung quan trọng được đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 thông qua đã được thị trường đón nhận tích cực, qua đó góp phần hỗ trợ giao dịch và diễn biến giá cổ phiếu.

Hiện tại, cổ phiếu LDG đã tăng lên 5.160 đồng/cp. Tính theo mức giá này, vốn hoá của Đầu tư LDG đã vượt 1.300 tỷ đồng.

Theo sau LDG trong danh sách cổ phiếu tăng mạnh lần lượt là DRH (+29,86%), PLP (+29,76%), ADG (+25,70%), TCD (+21,18%), VIC (+17,52%), BCG (+16,22%), VNE (+16,19%), VHM (+15,66%), ABS (+15,17%).

Trong đó, bộ đôi "nhà" Vin là tâm điểm của sự chú ý. Tuần qua, dòng tiền cá mập đã đẩy 2 cổ phiếu này vượt cản, qua đó tiến về vùng đỉnh lịch sử 2021.

Trong đó, VIC đóng cửa phiên 11/7 tại mức 108.000 đồng/cp – mức giá cao nhất trong vòng bốn năm. Vốn hóa Vingroup theo đó vượt 412.000 tỷ đồng, củng cố vị trí doanh nghiệp tư nhân lớn nhất thị trường.

Không chỉ giúp gia tăng mạnh mẽ quy mô thị trường của Vingroup, đà tăng của VIC còn đưa tổng tài sản của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng lên mức 11,5 tỷ USD, theo thống kê của Forbes.

Ở chiều ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất trong tuần qua gồm: GDT (−8,89%), SFC (−6,67%), SSC (−6,45%), ANV (−5,65%), HRC (−5,63%), SFI (−5,15%), NO1 (−5,08%), ITC (−5,05%), NAF (−4,80%), SVC (−4,76%).

Có thể thấy rằng các cổ phiếu trong nhóm giảm mạnh ghi nhận mức độ điều chỉnh không quá lớn, phản ánh cung - cầu của thị trường. Dù mức giảm không quá lớn, tuy nhiên nhà đầu tư cũng cần lưu ý bởi 1 số cổ phiếu đang có tín hiệu tạo đỉnh, chẳng hạn như cổ phiếu ANV.

Dưới góc độ kỹ thuật, ANV đang có dấu hiệu đảo chiều sau khi tạo đỉnh quanh vùng giá 25.000 đồng. Nếu không thu hút được dòng tiền trong tuần tới, cổ phiếu này có thể chiết khấu sâu hơn.

HNX: BDB tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu

Trên sàn HNX, danh sách 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần qua lần lượt ghi nhận sự góp mặt của BDB (+32,04%), MIC (+28,10%), AME (+26,32%), CMS (+21,05%), BBS (+20,88%), KMT (+20,19%), PGS (+20,06%), PGN (+18,97%), NRC (+18,37%) và TTL (+17,07%).

Đây là tuần thứ hai liên tiếp cổ phiếu BDB dẫn đầu bảng xếp hạng tăng giá trên sàn HNX. Tương tự LDG trên HoSE, BDB cũng duy trì sắc tím xuyên suốt nhiều phiên trong tuần. Tuy nhiên, cổ phiếu này gần như không có thanh khoản trong phần lớn thời gian, khiến nhà đầu tư khó có cơ hội giao dịch.

Điểm đáng chú ý là trong phiên 11/7, thanh khoản của BDB bất ngờ tăng vọt với hơn 28.000 cổ phiếu được khớp lệnh. Diễn biến này có thể là tín hiệu sớm về khả năng đảo chiều xu hướng, điều mà nhà đầu tư cần đặc biệt lưu tâm.

Ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất trên sàn HNX trong tuần qua bao gồm: KDM (−13,33%), SGD (−11,90%), SMT (−10,89%), L40 (−10,61%), QST (−9,91%), TJC (−9,64%), ECI (−9,59%), V12 (−9,38%), DNP (−8,88%) và DST (−8,79%). Mức điều chỉnh này phản ánh sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm cổ phiếu trong bối cảnh thị trường có sự chọn lọc dòng tiền ngày càng khắt khe hơn.

UPCoM: MCG và KSQ dẫn đầu thanh khoản, rủi ro đầu cơ vẫn hiện hữu

Trên sàn UPCoM, các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa tiếp tục "phủ sóng" bảng xếp hạng cổ phiếu tăng mạnh MCG (+52,94%), EIN (+43,48%), TNV (+43,48%), BMG (+40,00%), YBC (+36,56%), NAC (+33,33%), VUA (+31,45%), QCC (+30,48%), KSQ (+29,41%) và PHS (+28,00%).

Trong nhóm này, MCG và KSQ là hai cổ phiếu ghi nhận thanh khoản nổi bật nhất. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần thận trọng vì đặc điểm chung của nhóm penny là tính đầu cơ rất cao. Giá cổ phiếu có thể tăng mạnh trong thời gian ngắn, nhưng cũng dễ dàng đảo chiều khiến nhà đầu tư thua lỗ nếu không kịp thoát hàng.

Ở chiều ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm sâu nhất trên sàn UPCoM trong tuần bao gồm: HNP (−40%), HLS (−30,23%), DTC (−26,67%), DSG (−26,00%), QNT (−23,76%), DVC (−16,43%), RBC (−15,94%), ICI (−15,63%), CDH (−15,31%) và VXB (−14,71%).

Đặc điểm dễ nhận thấy ở các mã giảm sâu là thanh khoản rất thấp và thiếu vắng thông tin hỗ trợ. Đây cũng là một trong những đặc điểm nổi bật của sàn UPCoM, nơi giá cổ phiếu có thể tăng gấp đôi hoặc giảm một nửa chỉ trong thời gian ngắn. Vì vậy, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định giải ngân vào các mã thuộc nhóm này.

Hoàng Anh