Dow Jones mất 1.000 điểm: 'Tăm tối' bao trùm chứng khoán Mỹ

Ngày 5/8 đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với rất nhiều thị trường chứng khoán trên toàn thế giới, khi những bảng điện tử đỏ rực khiến các nhà đầu tư từ châu Á tới Mỹ phải khóc ròng.

Chứng khoán Mỹ lao đao

Trong phiên giao dịch ngày 5/8 tại thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã ghi nhận ngày tồi tệ nhất trong gần 2 năm khi giảm 1.033,99 điểm, tương đương 2,6%, đóng cửa ở mức 38.703,27 điểm.

Chỉ số Nasdaq Composite cũng không khá hơn khi kết phiên giảm 3,43% và đóng cửa ở mức 16.200,08, trong khi S&P 500 giảm 3% và đóng cửa ở mức 5.186,33 điểm.

Cả chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều ghi nhận mức lỗ hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 9/2022, trong khi Nasdaq và S&P 500 đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5.

Động thái này theo sau một ngày "kinh hoàng" tại cả thị trường châu Á lẫn châu Âu, khi thị trường chứng khoán Nhật Bản mất tới 4.400 điểm và xác nhận thị trường giá xuống, làm gia tăng lo ngại về tình trạng hỗn loạn trên thị trường toàn cầu.

Nỗi lo về suy thoái kinh tế tại Mỹ là thủ phạm chính gây ra sự sụp đổ của thị trường toàn cầu sau báo cáo việc làm đáng thất vọng vào tháng 7 vào cuối tuần trước. Các nhà đầu tư cũng lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang đang chậm trễ trong việc cắt giảm lãi suất để thúc đẩy sự suy thoái kinh tế, thay vào đó, ngân hàng trung ương đã chọn giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất trong hai thập kỷ vào tuần trước.

Vào chiều ngày 5/8, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm còn 3,765%, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2023. Trong khi đó, trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 2 năm cao hơn một chút ở mức 3,875%.

Cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn mất gần 1.000 tỷ USD thị giá
Cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn mất gần 1.000 tỷ USD thị giá

Khi thị trường Mỹ mở cửa giao dịch phiên 5/8, các công ty công nghệ vốn hóa lớn đã mất gần 1.000 tỷ USD vốn hoá.

Trong đó, chỉ riêng "gã khổng lồ" Nvidia đã mất hơn 300 tỷ đô la vốn hóa thị trường khi mở cửa, mặc dù đã nhanh chóng phục hồi được khoảng một nửa khoản lỗ. Cổ phiếu của nhà sản xuất chip này đóng cửa giảm 6,4% với mức lỗ 168 tỷ USD.

Apple và Amazon ghi nhận giá trị giảm mạnh lần lượt 224 tỷ USD và 109 tỷ USD khi thị trường mở cửa. Apple kết thúc phiên giao dịch với mức giảm 4,8%, tương ứng với mất 162 tỷ USD vốn hóa thị trường. Amazon giảm 4,1% khi đóng cửa, tương ứng với 72 tỷ USD.

Những tên tuổi khác trong "bộ bảy diệu kỳ" gồm Meta, Microsoft, Alphabet hay Tesla cũng ghi nhận mức lỗ trong ngày. Tổng cộng, 7 công ty công nghệ có vốn hoá hàng đầu đã mất tới 995 tỷ USD trong những phút đầu phiên, trước khi thu hẹp mức lỗ.

Dầu thô giảm xuống thấp nhất 6 tháng

Giá dầu thô tương lai của Mỹ cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng khi thị trường chứng khoán bán tháo vì lo ngại nền kinh tế có thể đang bên bờ vực suy thoái.

Theo đó, giá dầu thô của Mỹ đóng cửa ở mức dưới 73 USD một thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 5/2.

“Trong thời kỳ khủng hoảng, tất cả các tài sản đều có mối tương quan”, Matt Smith, nhà phân tích dầu mỏ hàng đầu của Châu Mỹ tại Kpler, cho biết về dầu sau khi thị trường chứng khoán giảm.

Những căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và việc cắt giảm sản lượng đang diễn ra của OPEC đang tạo ra một mức sàn cho giá dầu thô, ông Smith cho biết.

Giá dầu WTI hợp đồng tháng 9 là 72,94 USD/thùng, giảm 0,79%. Dầu Brent tháng 10 giá là 76,3 USD/thùng, giảm 0,66%. Xăng RBOB hợp đồng tháng 9 tăng 0,69% lên 2.33 USD/gallon. Trong khi khí tự nhiên hợp đồng tháng 9 giảm 1,27% xuống 1,94 USD cho 1.000 feet khối.

Linh Anh

Theo VietnamFinance