Dự án đường vành đai 4 với 6 làn xe dài gần 100km: Hà Nội kiến nghị cơ chế đặc thù
Theo UBND TP Hà Nội, nhu cầu đầu tư đường vành đai 4 Vùng Thủ đô hiện tại đã trở nên hết sức cấp bách. Tuy nhiên, dự án có vốn đầu tư quá lớn, TP không đủ nguồn lực để triển khai. Vì vậy, Hà Nội đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành ...
Vốn đầu tư quá lớn, các địa phương không đủ nguồn lực
Tại hội nghị lấy ý kiến góp ý Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) của Hà Nội mới đây, Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn đã đề nghị các đơn vị liên quan rà soát các nội dung liên quan tuyến vành đai 4 liên vùng thủ đô.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 1278/QĐ-TTg ngày 29/7/2011 với quy mô cao tốc 6 làn xe, với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, cụ thể hóa quy hoạch vùng, liên kết các tuyến cao tốc, quốc lộ hướng tâm, kết nối các đô thị vệ tinh
Theo quy hoạch, đường vành đai 4 đi qua địa giới hành chính của 14 quận, huyện, thành phố trực thuộc 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Trong đó qua Hà Nội 56 km; đoạn qua Hưng Yên trên 20 km và đoạn qua Bắc Ninh hơn 21 km.
Yêu cầu được Thủ tướng đặt ra là dự án hoàn thành đầu tư thông tuyến trước năm 2020. Tuy nhiên, 10 năm đã trôi qua kể từ ngày được phê duyệt, tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô dài gần 100km hiện vẫn nằm "trên giấy".
Liên quan đến dự án này, Báo cáo của Bộ GTVT cho biết, qua rà soát tiến độ đầu tư hoàn thành các đoạn tuyến vành đai 4, qua địa bàn thành phố Hà Nội chưa đáp ứng được tiến độ.
Nguyên nhân việc triển khai chậm, theo Bộ GTVT do quy mô quy hoạch các tuyến là khá lớn, trải dài đi qua nhiều địa bàn, trong khi khả năng huy động nguồn lực của các địa phương khó khăn.
Tổng mức đầu tư lớn dẫn đến ngân sách địa phương không đủ khả năng cân đối thực hiện. Việc kêu gọi đầu tư với kinh phí lớn là rất khó khăn, và việc áp dụng hình thức đầu tư PPP vẫn chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư. Điều kiện thủ tục đầu tư các dự án theo hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng phức tạp, không khả thi đối với các địa phương ngoài thủ đô Hà Nội.
Bên cạnh đó, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cũng nhìn nhận các địa phương chủ yếu tập trung hạ tầng thiết yếu cho giao thông nội tỉnh/thành phố, chưa chú trọng đến giao thông kết nối vùng và phối hợp đầu tư giao thông vùng để đảm bảo tính đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư chung của tuyến đường.
Các tuyến vành đai được quy hoạch với vai trò là tuyến giao thông kết nối Vùng nhưng hiện chưa có cơ chế, chính sách đặc thù trong việc triển khai, huy động, ưu tiên nguồn lực đầu tư.
Đề cập về khó khăn trong quá trình triển khai tuyến Vành đai 4 đoạn thuộc địa phận thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho rằng, quy mô quy hoạch tuyến đường khá lớn, trải dài qua nhiều địa bàn; tổng mức đầu tư lớn nên ngân sách địa phương không đủ khả năng cân đối thực hiện và việc kêu gọi đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn.
Hà Nội muốn có cơ chế đặc thù để gọi vốn
Về tầm quan trọng của việc triển khai xây dựng đường vành đai 4, phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đánh giá, nhu cầu đầu tư đường vành đai 4 Vùng Thủ đô hiện tại đã trở nên hết sức cấp bách.
Ðể đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, TP Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành cơ chế, chính sách đặc thù trong huy động vốn, kêu gọi đầu tư và thủ tục đầu tư để Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố trong phạm vi dự án tổ chức triển khai đầu tư.
Theo đó, Bộ GTVT có vai trò chủ trì để nghiên cứu, triển khai đầu tư, bảo đảm tính kết nối đồng bộ trên toàn tuyến. Các đoạn tuyến trên địa bàn TP Hà Nội do UBND thành phố Hà Nội lập dự án đầu tư và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện.
Tại báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2020, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, đến nay, thành phố Hà Nội lập đề xuất đầu tư các dự án thành phần theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) nhưng chưa được phê duyệt.
Trong khi đó, các quy định pháp luật đã yêu cầu dừng áp dụng hình thức hợp đồng BT đối với các dự án mới triển khai.
Để đảm bảo tính đồng bộ, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thực hiện dự án tuyến đường vành đai 4-vùng Thủ đô Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện đầu tư.
BT bị “xóa sổ”, dự án sẽ triển khai theo hình thức nào?
Hiện, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Ban Quản lý dự án 2 tiến hành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trong thời gian từ năm 2020 đến 2022. Do dự án chậm triển khai, quy hoạch hướng tuyến đi qua tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên đã có sự thay đổi khi một số khu công nghiệp mọc lên, chồng lấn quy hoạch tuyến cũ.
Theo ông Lê Thắng, quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án 2, Ban đã và đang rốt ráo, rà soát cập nhật số liệu toàn bộ quy hoạch tuyến đường vành đai 4 được duyệt, trong đó xuất hiện điều chỉnh quy hoạch hướng tuyến đi qua các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên. Riêng, thành phố Hà Nội quy hoạch tuyến đường này không có sự thay đổi.
Tuy nhiên, ông Thắng cho biết hiện vẫn gặp nhiều khó khăn: “Khó khăn nhất là thứ tự ưu tiên đầu tư và nguồn tiền đầu tư dự án tuyến đường vành đai 4 này nhưng Ban Quản lý dự án 2 sẽ phấn đấu hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cuối quý 1 hoặc đầu quý 2/2021 để Bộ GTVT báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án này trong năm 2021. Đồng thời đăng ký vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 hoặc 2026-2030 để triển khai dự án,” ông Thắng cho hay.
Như vậy, có thể thấy việc triển khai dự án này có thể sẽ kéo dài hàng chục năm, thậm chí nếu những khó khăn, vướng mắc trong quá khứ không được khắc phục thì thời gian hoàn thành dự án này sẽ càng kéo dài lâu hơn.
Mặt khác, theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) vừa được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2020, quy định về các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) đã bị loại bỏ. Vì vậy, một vấn đề đặt ra đối với dự án đường vành đai 4 là sẽ triển khai theo hình thức nào khi BT đã bị “xóa sổ”?
Tuyến đường này được xác định là dự án quan trọng quốc gia, với quy mô lớn, nhằm mục tiêu hình thành tuyến vành đai đồng bộ, liên tục để nâng cao khả năng kết nối mạng lưới giao thông vùng và mạng giao thông quốc gia, rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa các địa phương trong vùng, giảm tải cho hệ thống giao thông hướng tâm của Thủ đô Hà Nội.
Trong tương lai, khi tuyến đường hoàn thiện sẽ chạy qua các địa phận quanh Hà Nội như Đông Anh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thường Tín,… trong đó, một số huyện như Đông Anh, Đan Phượng, Hoài Đức đang được quy hoạch lên quận trong giai đoạn 2021 – 2025.
Khi "đóng mạch" vành đai, sẽ mở rộng tiềm năng phát triển đột phá về kinh tế - xã hội các địa phương trong vùng, khu vực tuyến đường chạy qua, bảo đảm tính đồng bộ, hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế, đô thị.