Dự án Masteri WaterFront có thể mất thương hiệu vì 'đụng hàng' tên dự án Waterfront City của Nam Long?
Dù “sinh sau đẻ muộn”, nhưng tên gọi Masteri WaterFront thuộc dự án căn hộ khu đô thị Vinhomes Ocean Park, Hà Nội đang “đụng hàng” với tên dự án Đồng Nai Waterfront City đã xuất hiện trước đó rất lâu. Vậy việc trùng tên giữa 2 dự án “đình đám” này có làm nảy sinh tranh chấp thương hiệu giữa các doanh nghiệp?
Thị trường bất động sản từng chứng kiến nhiều vụ tranh chấp vì dự án bị trùng tên. Việc trùng thương hiệu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thậm chí cả hoạt động kinh doanh nên nhiều doanh nghiệp rất quyết liệt trong việc đòi lại thương hiệu cho dự án.
Trùng tên Waterfront tại 2 dự án bất động sản “đình đám”
Giới đầu tư địa ốc đang xôn xao thương vụ chuyển nhượng cổ phần của Keppel Land tại dự án Đồng Nai Waterfront City. Theo đó, Keppel Land đang thông qua công ty con là Portsville Pte. Ltd chuyển nhượng 30% cổ phần dự án Đồng Nai Waterfront City cho Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long.
Phía Keppel Land cho biết giá trị của thương vụ này là 1.951 tỷ đồng, sẽ được Nam Long chi trả thành 2 đợt cho Portsville. Việc thoái vốn tại Đồng Nai Waterfront City dự kiến sẽ đem về cho Keppel Land một khoản lợi nhuận ước tính là 52,5 triệu SGD. Thương vụ dự kiến sẽ được hoàn tất trong nửa đầu năm 2021.
Tại Hà Nội, ngày 20/11 vừa qua, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Masterise Homes đã tiến hành khởi công xây dựng dự án căn hộ Masteri WaterFront tại khu đô thị Vinhomes Ocean Park, Gia Lâm, Hà Nội.
Đồng thời, các căn hộ tại Masteri WaterFront đang được rao bán rầm rộ trên thị trường với mức giá từ 41 – 50 triệu đồng tùy vị trí và diện tích căn hộ.
Dễ nhận thấy, 2 dự án này đã “đụng hàng” khi giống nhau ở tên gọi Waterfront. Vậy “lịch sử hình thành” 2 dự án này ra sao, và dự án nào “ra đời” sớm hơn?
Về Đồng Nai Waterfront City, đây là một trong 3 dự án thành phần của KĐT sinh thái kinh tế mở Long Hưng. Cụ thể, Năm 2007, Donacoop được UBND tỉnh Đồng Nai giao đất làm chủ đầu tư các dự án thành phần Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng với tổng diện tích 890ha, tại xã Long Hưng, TP.Biên Hòa (trước đây là huyện Long Thành), gồm 3 dự án thành phần: Khu dân cư Long Hưng, Aqua City, Đồng Nai Waterfront.
Sau hơn 10 năm triển khai với nhiều biến động, tháng 1/2019, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG) đã công bố việc mua lại 70% cổ phần của Công ty Portsville Pte. Ltd. (thuộc Keppel Corporation Limited của Singapore) trong công ty TNHH Thành phố Waterfont Dong Nai.
Giá trị của thương vụ này là hơn 2.300 tỉ đồng và thông qua đó Nam Long sẽ triển khai đầu tư 170 héc ta đất của dự án Dong Nai Waterfront City.
Thời điểm đó, Nam Long cho biết, dự án Dong Nai Waterfront City đã có quyết định giao đất, đóng tiền sử dụng đất, được phê duyệt quy hoạch 1/500 và được cấp sổ đỏ hơn 170 ha. Dự án này dự kiến sẽ được triển khai trong giai đoạn 2019 – 2025 với tổng vốn đầu tư 9.200 tỷ đồng. Sản phẩm đưa ra thị trường gồm hơn 4.000 căn villa và 3.000 căn hộ.
Theo giới thiệu, Đồng Nai Waterfront City có quy mô 192ha tọa lạc tại xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Dự án có vị trí đắc địa khi nằm ngay dọc phía bờ sông Đồng Nai thuộc địa phận TP Biên Hòa, cách với vị trí của khu đô thị Vinhome Grand Park Quận 9 TP Hồ Chí Minh chỉ qua một con sông. Đây được xem là một khu vực có khả năng phát triển kinh tế rất cao, năng động bậc nhất tại tỉnh Đồng Nai…
Còn dự án Masteri Waterfront toạ lạc tại khu đất trung tâm của đại đô thị Vinhomes Ocean Park tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Dự án khu đô thị Vinhome Ocean Park do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển đô thị Gia Lâm (thuộc Tập đoàn Vingroup) làm chủ đầu tư theo Quyết định chủ trương đầu tư số 2997/QĐ-UBND ngày 16/08/2018 của UBND TP. Hà Nội.
Được biết, ngày 24/06/2019, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển đô thị Gia Lâm đã nộp đơn đề nghị cho phép chuyển nhượng một phần dự án khu đô thị Gia Lâm (tên pháp lý của dự án Vinhome Ocean Park).
Sau đó vào ngày 14/08/2019, UBND TP. Hà Nội đã ra Quyết định số 4342/QĐ-UBND cho phép Công ty TNHH Đầu tư và phát triển đô thị Gia Lâm chuyển nhượng 2 lô đất B3-CT03 và B3-CT06 cho Công ty TNHH Bất động sản Minh Tân Hà Nội với tổng mức đầu tư phần chuyển nhượng là 4.833,79 tỷ đồng.
Được biết Công ty TNHH Bất động sản Minh Tân Hà Nội là một pháp nhân có nhiều liên hệ với Tập đoàn Masterise Group. Công ty TNHH Bất động sản Minh Tân Hà Nội thành lập vào ngày 23/05/2019 với số vốn điều lệ 1.201 tỷ đồng. Công ty này trước đó đã từng hợp tác kinh doanh với Masterise Group dự án Masteri Thảo Điền quận 2 và nhận được hỗ trợ tích cực từ Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Sau khi được chuyển nhượng cho Bất động sản Minh Tân, vị trí 2 lô đất B3-CT03 và B3-CT06 được giới thiệu là dự án Masteri Waterfront do Tập đoàn Masterise Group làm chủ đầu tư và Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Masterise Homes là đơn vị phát triển.
Masteri Waterfront được quảng cáo là sở hữu tầm nhìn trực diện ra biển hồ nước mặn 6.1ha và hồ trung tâm 24.5ha. Dự án tổng diện tích 37.525 m2, gồm 6 tòa chung cư cao tầng với tổng mức đầu tư dự kiến gần 5.000 tỷ đồng, cung cấp cho thị trường 3837 căn hộ chung cư cao cấp…
Như vậy, dự án Đồng Nai Waterfront City đã xuất hiện từ rất sớm, ngay từ khi Donacoop được giao làm các dự án thành phần Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng vào năm 2007, cái tên Đồng Nai Waterfront City đã xuất hiện, sớm hơn Masteri Waterfront rất nhiều năm.
Vậy việc trùng tên giữa 2 dự án “đình đám” này liệu có làm nảy sinh tranh chấp thương hiệu giữa các doanh nghiệp đang là chủ đầu tư, đơn vị phát triển dự án?
Các “ông lớn” địa ốc đau đầu vì bị nhái tên thương hiệu
Trong quá khứ, không ít vụ tranh chấp liên quan đến thương hiệu, nhãn hiệu của dự án, sản phẩm… giữa các doanh nghiệp từng gây xôn xao dư luận.
Điển hình phải kể đến, vụ việc Công ty cổ phần Đầu tư Mai Linh “tố” Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD3 vi phạm nhãn hiệu “Golden Palace”.
Cụ thể, đầu năm 2013, Công ty Mai Linh, chủ đầu tư dự án Golden Palace (Mễ Trì, Hà Nội) đã gửi thông cáo tới các cơ quan báo chí “tố” HUD3 vi phạm nhãn hiệu “Golden Palace”.
Trong thông cáo này, Công ty Mai Linh cho biết, HUD3 đã sử dụng nhãn hiệu Golden Palace cho Dự án xây dựng tại số 121 - 123 Tô Hiệu (Hà Đông, Hà Nội), thể hiện trên bức tường gắn logo Golden Palace trước Tòa nhà, trong website www.hud3.com.vn và các ấn phẩm in ấn quảng cáo của HUD3.
Theo Công ty Mai Linh, nhãn hiệu Golden Palace đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 169540 ngày 11/8/2011. Công ty Mai Linh đã thuê Văn phòng Luật sư Gia Phạm tư vấn và làm các thủ tục giám định cần thiết.
Văn phòng Luật sư Gia Phạm đã được ủy quyền để thay mặt Công ty Mai Linh gửi yêu cầu đến Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD3 phải ngay lập tức chấm dứt việc sử dụng trái phép nhãn hiệu “Golden Palace”, tháo gỡ và thu hồi tất cả các dấu hiệu “Golden Palace” trên các sản phẩm và ấn phẩm in ấn quảng cáo của HUD3.
Ngày 10/04/2013, HUD3 đã chính thức có văn bản xác nhận và cam kết sẽ khắc phục và không tiếp tục sử dụng nhãn hiệu Golden Palace cho tên gọi của dự án xây dựng tại 121 - 123 Tô Hiệu, Hà Đông, Hà Nội.
Một vụ việc gây chú ý mới đây, vào đầu năm 2020, Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", xảy ra tại dự án Khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường, do Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng bất động sản Hưng Thịnh (gọi tắt là Công ty Hưng Thịnh Long An) làm chủ đầu tư.
Đồng thời có thông báo truy tìm 4 lãnh đạo của Công ty Hưng Thịnh Long An để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tại dự án khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường.
Ngay sau vụ việc này, Tập đoàn Hưng Thịnh đã phát thông báo khẳng định Công ty Hưng Thịnh Long An không thuộc hệ thống công ty thành viên và cũng không có bất kỳ mối liên hệ nào với Tập đoàn Hưng Thịnh.
Đồng thời, ông lớn địa ốc này cũng cho biết dự án Khu cư dân Hưng Thịnh Cát Tường không thuộc danh sách các dự án do Tập đoàn Hưng Thịnh đầu tư, phân phối.
Trước đó, vào ngày 10/9/2019, Tập đoàn Hưng Thịnh đã khởi kiện Công ty Hưng Thịnh Long An và được thụ lý tại Tòa án nhân dân tỉnh Long An vì bị “nhái” thương hiệu. Đồng thời, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị điều tra xử lý Công ty Hưng Thịnh Long An tránh việc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các khách hàng, nhà đầu tư cũng như của Tập đoàn Hưng Thịnh.
Hay mới đây nhất là vụ việc liên quan thương hiệu "Đất Xanh", ngay sau khi UBND tỉnh Long An có kết luận thanh tra đối với dự án chỉnh trang khu dân cư Đất xanh (tại xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa) do Công ty TNHH Một thành viên Bất động sản Đất xanh Long An (Đất Xanh Long An) làm chủ đầu tư.
Đã có không ít khách hàng nhầm lẫn với Tập đoàn Đất Xanh (Đất Xanh Group). Theo đó, Đất Xanh Group phải thông cáo báo chí khẳng định, Đất Xanh Long An và dự án của doanh nghiệp này không hề có sự liên quan nào đến hệ thống thương hiệu của Đất Xanh.
Tương tự, Tập đoàn Đại Phúc cũng bị môi giới lấy “mác” dự án Van Phuc City (quận Thủ Đức) để chào mời khách hàng mua đất tại một dự án “ma” ở Bình Dương, cách đó không xa…
Thực tế, trên thị trường bất động sản hiện nay xuất hiện khá nhiều trường hợp nhái, trùng tên doanh nghiệp, dự án, hình ảnh, logo, tên miền website... Nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn như Novaland, Đại Phúc, Nam Long,... cũng đang “đau đầu” về tình trạng nhái tên và hình ảnh thương hiệu, gây nhầm lẫn cho khách hàng và ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp.
Khó khởi kiện
Dưới góc độ là doanh nghiệp trực tiếp bị ảnh hưởng, ông Nguyễn Nam Hiền, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh chia sẻ, khoảng 2 năm trở lại đây, việc doanh nghiệp địa ốc bị xâm phạm thương hiệu đến từ nhiều khía cạnh và khá phổ biến. Mặc dù đã đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn bị xâm hại và khi bị xâm phạm thì doanh nghiệp lại không thể bảo vệ được thương hiệu của mình.
Nguyên do bởi, các doanh nghiệp cố tình nhái thương hiệu thường có tính toán rất kỹ. Các doanh nghiệp này lập dự án hoặc tên công ty gần giống hoặc na ná tên một doanh nghiệp lớn và logo cũng khác so với logo của doanh nghiệp mà họ nhái. Trong khi đó, theo luật thì việc xâm phạm thương hiệu doanh nghiệp phải là toàn bộ tên doanh nghiệp, kèm logo đã đăng ký thì cơ quan chức năng mới xử lý được.
“Tại Tập đoàn Hưng Thịnh, chúng tôi dùng biện pháp cuối cùng để bảo vệ mình là ghi tên các sàn giao dịch, trụ sở công ty lên website chính thức của công ty. Còn theo luật, chúng tôi không thể bảo vệ thương hiệu của mình khi các doanh nghiệp nhái thương hiệu kia không nhái 100%. Trong khi đó, chúng tôi vẫn bị ảnh hưởng lớn khi doanh nghiệp nhái đó làm sai”, đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh chia sẻ.