Dự án “treo” gần 3 thập kỷ, hàng trăm hộ dân sống mòn trong những ngôi nhà lụp xụp lầy lội

Trong nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân ngụ tại phường Lê Hồng Phong, Quảng Ngãi phải sống tạm bợ trong những căn nhà xuống cấp song không được phép sửa chữa do thuộc vùng Quy hoạch dự án Khu II đê bao.

Năm 1997, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch dự án Khu II đê bao thị xã Quảng Ngãi (cũ). 10 năm sau, UBND tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục ký quyết định phê duyệt điều chỉnh Khu II đê bao chuyển thành Trung tâm hành chính của tỉnh.

Dự án Khu đô thị mới phục vụ tái định cư Khu II Đê bao có tổng mức đầu tư hơn 296 tỷ đồng (chi phí bồi thường 217 tỷ đồng), do Ban Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng TP.Quảng Ngãi (BQL) làm chủ đầu tư, thời gian hoàn thành giai đoạn 2016-2020.

Để tái định cư cho những hộ dân ngụ trong phạm vi dự án, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt triển khai dự án Khu đô thị mới, đồng thời đầu tư công trình giao thông dọc tuyến đê bao phục vụ khu dân cư từ năm 2015. Được biết, dự án được chia thành 2 giai đoạn chính với tổng vốn đầu tư hơn 270 tỷ đồng trên diện tích 15ha. 

Tuy nhiên, đến nay dự án tái định cư chỉ mới thực hiện một phần do gặp vướng mắc trong vấn đề giải phóng mặt bằng  
Tuy nhiên, đến nay dự án tái định cư chỉ mới thực hiện một phần do gặp vướng mắc trong vấn đề giải phóng mặt bằng  

Sau nhiều lần thay đổi quy hoạch, đến nay, 160 hộ dân với hơn 600 nhân khẩu tổ dân phố 6, phường Lê Hồng Phong, TP. Quảng Ngãi, vẫn mỏi mòn chờ được tái định cư. Người dân khổ sở vì đất ở không được tách thửa, nhà ở xuống cấp không được quyền xây mới do đất thuộc quy hoạch của dự án. Hiện trạng các tuyến đường giao thông vẫn là đường đất, gây không ít khó khăn cho người dân khi di chuyển trong mùa mưa, đồng thời gây mất cảnh quan đô thị và ô nhiễm môi trường.

Cô Phùng Thị Lý (55 tuổi), cư dân tổ dân phố 6 chia sẻ trên báo Đại đoàn kết: “Ngôi nhà của tôi đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi khi vào mùa mưa bão, gia đình không khỏi lo lắng vì nguy cơ sập nhà ảnh hưởng đến tính mạng. Vì vậy, bất đắc dĩ tôi phải qua nhà hàng xóm xin ở nhờ. Sửa chữa thì không được phép vì đất nằm trong quy hoạch dự án, gia đình đành lấy cây chống tạm, đỡ được ngày nào hay ngày đó.”

Một hộ dân khác, anh Nguyễn Th. cho rằng, dân ở đây đã kêu ca mấy chục năm trời đến các cấp chính quyền nhưng vẫn không có gì thay đổi. Họ sống "mòn" sống chờ một ngày sẽ được cấp sổ đỏ. Nhiều hộ không chịu được cảnh chật hẹp lầy lội khó làm ăn đã phải bỏ xứ mà đi.

Cư dân sống trong những căn nhà tạm 26 năm trời  
Cư dân sống trong những căn nhà tạm 26 năm trời  

Được biết, đầu năm 2023, UBND TP Quảng Ngãi cũng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500 diện tích khu dân cư trở thành Khu công viên cây xanh Thạch Bích có diện tích hơn 8ha với tổng mức đầu tư 893 tỷ đồng.

Ông Trà Thanh Danh, Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi cho hay, do đất ở thuộc vùng quy hoạch, các phương án đền bù mặt bằng không được triển khai kịp thời, nên từ năm 1997 đến nay, quyền lợi của bà con tại khu vực không được đảm bảo. Đất không được cấp sổ đỏ, nhà hư hỏng không được xây mới, khu dân cư không được đầu tư hạ tầng nên chất lượng đời sống của các hộ dân nơi đây cực kỳ khó khăn.

“Tuy nhiên, Khu công viên cây xanh Thạch Bích là một dự án rất lớn, thuộc nhóm B. Do vậy, khi HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư, thành phố mới có cơ sở hoàn thiện các thủ tục liên quan để phê duyệt dự án trong năm 2024, làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo. Địa phương sẽ tập trung giải phóng mặt bằng, TĐC đối với 160 hộ sống ở vùng dự án” - ông Danh nói.

Nhiều ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng  
Nhiều ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng  

Để giải quyết triệt để vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã trực tiếp chỉ đạo UBND TP Quảng Ngãi nhanh chóng phối hợp với Sở KH và ĐT trình dự án Khu công viên cây xanh Thạch Bích tại kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh vào tháng 3/2024, đưa vào danh mục đầu tư công và phê duyệt chủ trương đầu tư, hoàn thành bố trí tái định cư cho người dân trước tháng 12/2024. Đồng thời, tích cực rà soát toàn bộ các hồ sơ đã phê duyệt bồi thường tái định cư dự án để xử lý cho người dân kịp thời. Nếu bố trí tái định cư không đúng thì phải thu hồi.

Bên cạnh đó, giao UBND phường Lê Hồng Phong chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan rà soát lại các vấn đề về hạ tầng giao thông, nước sinh hoạt…để có hướng đề xuất cụ thể UBND thành phố phương án xử lý.

Theo Chất lượng và Cuộc sống