Dự án Vành đai 2 do Văn Phú - Bắc Ái làm chậm đến bao giờ?
Dự án Vành đai 2 do Văn Phú - Bắc Ái đầu tư gia hạn đến năm 2026 nhưng từ năm 2019 đến nay, nhà đầu tư không chuyển kinh phí theo hợp đồng đã ký kết nên Tp. Thủ Đức không có kinh phí để chi trả tiền bồi thường GPMB. Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến d
Nhà đầu tư không có tiền GPMB nên dời đến 2026
Dự án đường Vành đai 2, tại Tp.HCM có chiều dài 2,7km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa (Tp.Thủ Đức) do Công ty Văn Phú - Bắc Ái làm mãi chưa xong hiện lại đang vướng vào hàng loạt vấn đề.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT) Tp.HCM tại các lần điều chỉnh trước đây, thời gian hoàn thành dự án được tịnh tiến khoảng 2 năm so với thời điểm cam kết hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB). Hiện, Sở Tài nguyên - Môi trường đã có quyết định về điều chỉnh bổ sung dự án GPMB để đầu tư xây dựng tuyến đường này.
Theo đó, điều chỉnh tiến độ dự án GPMB đến 30/6/204, đồng thời, Sở Giao thông vận tải (GTVT) có ý kiến điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án, chủ đầu tư căn cứ tình hình thực tế dự án đề nghị điều chỉnh thời gian thực hiện đến năm 2026.
Trong khi đó UBND Tp. Thủ Đức không có ý kiến phản đối đề xuất của nhà đầu tư liên quan đến việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và đề nghị Sở KHĐT căn cứ tình hình triển khai thực hiện thực tế dự án để xem xét điều chỉnh tiến độ theo quy định. Từ đó, Công ty Văn Phú – Bắc Ái cam kết thời gian hoàn thành dự án đến tháng 12/2026, bao gồm cả thời gian thực hiện công tác kiểm toán, quyết toán dự án. Như vậy, dự án sẽ còn kéo dài thêm 3 năm nữa… nhưng dự báo còn rất khó khăn, nhất là liên quan đến GPMB.
Bởi, GPMB là một trong những công việc quan trọng, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Theo đánh giá của UBND Tp. Thủ Đức, công tác này chậm trễ do nhiều nguyên nhân, nhưng đặc biệt, từ 2019 đến nay, nhà đầu tư không chuyển kinh phí theo hợp đồng đã ký kết nên Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Tp.Thủ Đức không có kinh phí để thực hiện tiếp tục việc chi trả tiền bồi thường, dẫn đến rất khó khăn trong công tác thu hồi mặt bằng.
Cá biệt, có trường hợp hộ dân tháo dỡ nhà bàn giao mặt bằng nhưng không có tiền chi, hiện hộ dân phải tự lo thuê nhà để ở, như trường hợp ông Lưu Phương Triều.
Từ đó, UBND Tp. Thủ Đức cho biết, về thời gian thực hiện hoàn thành công tác bồi thường GPMB, dự kiến sau 1 năm, kể từ ngày nhà đầu tư tiếp tục chuyển kinh phí theo như hợp đồng đã ký kết, để đáp ứng số tiền bồi thường còn lại theo yêu cầu về tiến độ dự án. Như vậy, UBND Tp. Thủ Đức vẫn đang chờ tiền và chưa biết khi nào sẽ hoàn thành công việc này?.
Có nguy cơ làm tăng tổng chi phí đầu tư?
Một vấn đề khác nổi lên tại dự án này chính là điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án đầu tư, nhận thấy, Công ty Văn Phú – Bắc Ái đã thực hiện điều chỉnh cơ cấu các khoản mục chi phí, Sở GTVT đã có báo cáo và được UBND Tp.HCM chấp thuận, do đó, Sở KHĐT không có thẩm quyền và chưa có cơ sở báo cáo UBND Tp.HCM cập nhật nội dung này.
Ở bước tiếp theo, Sở GTVT có trách nhiệm phối hợp với nhóm công tác liên ngành và doanh nghiệp dự án rà soát, cập nhật lại các chỉ tiêu số liệu tài chính và các nội dung chưa phù hợp của hợp đồng BT (số 6827 ngày 25/11/2016) để điều chỉnh giá trị tổng vốn đầu tư và các nội dung khác có liên quan, gồm: giá trị Hợp đồng BT, cơ cấu tỷ lệ vốn chủ sở hữu và vốn huy động của phần vốn đầu tư dự án BT và dự án GPMB, bổ sung phụ lục tính phương án tài chính, quy định nội dung chi tiết về tiến độ huy động các nguồn vốn, quy định về cơ sở xác định chi phí lãi vay của nhà đầu tư đúng theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, báo cáo UBND Tp.HCM kết quả đàm phán điều chỉnh hợp đồng BT.
Có trường hợp hộ dân tháo dỡ nhà bàn giao mặt bằng nhưng không có tiền chi, hiện hộ dân phải tự lo thuê nhà để ở.
Trước đó, theo Biên bản Kiểm toán Nhà nước về việc thực hiện hợp đồng BT này có nêu một số tồn tại, như việc: không quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư thể hiện dự án đền bù GPMB sẽ làm tăng tổng chi phí đầu tư thực hành dự án BT, gồm: chi phí đầu tư xây dựng và chi phí đền bù GPMB.
Hơn nữa, về điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, Sở Tài chính Tp.HCM nhận thấy nhà đầu tư chỉ đề nghị cập nhật cơ cấu khoản mục chi phí theo tổng dự toán của dự án đã được Sở GTVT phê duyệt là chưa đầy đủ đối với kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Sở Tài chính đề nghị Sở KHĐT rà soát, điều chỉnh dự án theo quy định, trong đó, lưu ý nội dung điều chỉnh cơ cấu các khoản chi phí trong dự toán khi chưa điều chỉnh các khoản chi phí trong tổng mức đầu tư.
Theo đánh giá, lũy kế sản lượng thi công toàn dự án đến hết quý 4/2023 mới đạt gần 44%, đặc biệt, báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư Tp.HCM cho biết, hiện còn gần 4ha chưa thể giải phóng mặt bằng, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 960 tỷ đồng. Dự án ngừng thi công từ tháng 6/2020 do chưa giải phóng mặt bằng và ký phụ lục hợp đồng.