Dư địa giảm lãi vay thu hẹp trước biến động thuế quan
Trước biến động thuế quan từ Mỹ, dư địa để giảm lãi suất cho vay đang dần thu hẹp do nhiều áp lực đồng thời như tỷ giá liên tục “nhảy múa”, thanh khoản hệ thống ngân hàng đối diện thách thức mới hay kỳ vọng lạm phát gia tăng.
Bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chứng kiến những biến động chưa từng có. Chính sách thuế đối ứng của Mỹ đang làm nóng thị trường thương mại, đồng thời đẩy bài toán điều hành tỷ giá và chính sách tiền tệ vào một tình thế đầy thử thách. Tỷ giá liên tục “nhảy múa”, kỳ vọng lạm phát tăng nhiệt và thanh khoản hệ thống ngân hàng đối mặt với những thách thức mới.
Giữa cơn lốc biến động đầy căng thẳng đó, câu hỏi lớn nhất đang khiến thị trường và các nhà điều hành trăn trở là làm thế nào để vừa củng cố niềm tin vào giá trị VND, vừa tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng bền vững?

Tỷ giá chỉ nên dao động trong giới hạn lạm phát
TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nguyên Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, để củng cố niềm tin vào giá trị đồng VND, việc giữ tỷ giá ổn định là định hướng hàng đầu.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, khái niệm “ổn định” ở đây cần được hiểu theo nghĩa tương đối, không phải là cố định tuyệt đối, mà là sự điều chỉnh lên xuống trong một biên độ hợp lý như những năm vừa qua. Tỷ giá chỉ nên dao động trong giới hạn lạm phát để giữ vững niềm tin vào đồng VND.
Ông Phước cho rằng, việc tăng hay giảm tỷ giá quanh mức biến động của lạm phát là điều mà thị trường hoàn toàn có thể cảm nhận và chấp nhận được. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với quan hệ cung – cầu ngoại hối trong thời gian qua.
Chuyên gia này phân tích, việc để VND giảm giá so với USD trong một biên độ tương ứng với mức lạm phát trong nước (dao động quanh 4 – 4,5%) có thể được xem là một cách tiếp cận phù hợp và thận trọng trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi đồng USD đang có biểu hiện suy yếu trên thị trường quốc tế.
PGS. TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân nêu quan điểm, trong bối cảnh đồng USD biến động khó lường do chính sách thuế quan của Mỹ, các quốc gia khác khi áp dụng cơ chế tỷ giá thả nổi sẽ có lợi thế nhờ khả năng tự điều chỉnh.
Tuy nhiên, Việt Nam lại áp dụng chính sách tỷ giá linh hoạt có kiểm soát, nên chịu áp lực nhiều hơn từ những thay đổi chính sách bên ngoài. Trong khi chính sách tiền tệ của việt Nam đang chịu ràng buộc đa mục tiêu, vừa kiểm soát lạm phát, vừa ổn định tỷ giá, trong khi vẫn phải tạo điều kiện để giảm lãi suất hỗ trợ tăng trưởng.

Do đó, vị chuyên gia này cho rằng chính sách tiền tệ của Việt Nam cần tiếp tục linh hoạt hơn nữa, nhất là về điều hành tỷ giá, bởi tỷ giá đang là “tấm đệm” của nền kinh tế trước những cú sốc bất ngờ từ bên ngoài.
“Ngân hàng Nhà nước có thể dần nới lỏng quản lý tỷ giá, cho phép VND biến động mạnh hơn theo thị trường, qua đó giúp chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, tập trung vào các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, cũng như giảm nguy cơ bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ”, PGS. TS Phạm Thế Anh nói.
TS. Nguyễn Quốc Việt, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) bổ sung rằng, một tỷ giá ổn định không chỉ củng cố niềm tin vào đồng VND mà còn là yếu tố quan trọng để thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dự kiến đạt 40 tỷ USD trong năm 2025.
“Trong bối cảnh Việt Nam đang cạnh tranh để trở thành điểm đến hàng đầu cho FDI trong lĩnh vực công nghệ cao và năng lượng tái tạo, một chính sách tỷ giá linh hoạt và minh bạch sẽ tạo lợi thế lớn”, ông Việt cho biết.
Dư địa giảm lãi suất cho vay còn rất hạn hẹp
Song song với bài toán ổn định tỷ giá, NHNN còn đối mặt với áp lực giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đặc biệt khi chính sách thuế quan Mỹ đe dọa làm giảm nhu cầu xuất khẩu – một trong ba động lực tăng trưởng chủ chốt của nền kinh tế.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, dư địa giảm lãi suất không còn lớn, bởi trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam buộc phải lựa chọn một trong hai mục tiêu tăng trưởng kinh tế, hoặc ổn định tỷ giá.
Bởi để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lên khoảng 16% nhằm hỗ trợ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 8%, việc duy trì mặt bằng lãi suất ở mức thấp là một công cụ quan trọng, dù không phải duy nhất. Đáng chú ý, dư địa để tiếp tục hạ lãi suất cho vay đang dần thu hẹp trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump áp thuế lên hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, nguồn cung ngoại tệ sẽ bị ảnh hưởng do kim ngạch xuất khẩu suy giảm.
Cùng quan điểm, TS. Trương Văn Phước cho rằng, thực chất vẫn còn dư địa để giảm lãi suất cho vay, tuy nhiên, dư địa đó lại rất hạn hẹp do nhiều áp lực đồng thời, đến từ tỷ giá, thanh khoản hệ thống ngân hàng đến kỳ vọng lạm phát gia tăng. Cụ thể, kỳ vọng lạm phát tăng đang tác động đến cung – cầu tiền tệ thông qua nhiều kênh truyền dẫn khác nhau.

Trong khi đó, lãi suất cho vay lại chịu sự ràng buộc chặt chẽ từ mặt bằng lãi suất huy động – vốn được hình thành từ quan hệ thị trường giữa ngân hàng và người gửi tiền. Bên cạnh đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng cũng đang đối mặt với những thách thức mới, khi tỷ giá biến động làm gia tăng nhu cầu ngoại tệ.
Thêm nữa, tỷ giá hối đoái – một tham số kinh tế vĩ mô quan trọng cũng có tác động trực tiếp đến xu hướng vận động của lãi suất trong ngắn hạn.
Để có thêm dư địa cho lãi vay, theo ông Phước, các công cụ của chính sách tiền tệ (CSTT) như nghiệp vụ thị trường mở (OMO), tái cấp vốn, tín phiếu ngắn hạn, kiểm soát hạn mức tín dụng, can thiệp ngoại hối, cùng với hệ thống quy định liên quan đến điều tiết thị trường tiền tệ, hoàn toàn có thể được vận dụng linh hoạt để hỗ trợ mặt bằng lãi suất huy động theo hướng giảm nhẹ. Chính việc giữ ổn định hoặc kéo giảm lãi suất huy động mới là yếu tố mở ra dư địa thực tế cho khả năng tiếp tục hạ lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Thêm vào đó, về mặt tâm lý thị trường, có thể kỳ vọng rằng các cuộc đàm phán thương mại sắp tới với Mỹ sẽ tạo ra tín hiệu tích cực nhất định.
Những kỳ vọng này, một khi được hình thành rõ nét, sẽ tác động trực tiếp đến hành vi đầu tư, tiêu dùng và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế – bao gồm cả khả năng huy động vốn từ thị trường vào hệ thống ngân hàng thương mại.
Với tổng hòa các yếu tố kể trên, ông Phước dự báo rằng, mặt bằng lãi suất thị trường 1 sẽ duy trì ở trạng thái tương đối ổn định trong quý II/2025, trừ phi xuất hiện những cú sốc chính sách hoặc biến động địa chính trị bất ngờ từ bên ngoài.
.