Dự thảo Luật Đất đai: ‘Ngân hàng đất nông nghiệp sẽ thúc đẩy tích tụ ruộng đất’
PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh mô hình Ngân hàng nông nghiệp sẽ thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất, góp phần khắc phục tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp.
Bộ Tài nguyên - Môi trường đang tiếp tục lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đáng chú ý, trong đó có điểm mới là bổ sung quy định về “Ngân hàng đất nông nghiệp”.
Dự thảo luật quy định ngân hàng đất nông nghiệp là doanh nghiệp nhà nước do chính phủ thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Ngân hàng đất nông nghiệp có chức năng tạo lập quỹ đất nông nghiệp thông qua việc thuê quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận ký gửi quyền sử dụng đất nông nghiệp; cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê, thuê lại đất để sản xuất nông nghiệp.
Hoạt động của Ngân hàng đất nông nghiệp không vì mục đích lợi nhuận, được nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước.
Kinh phí hoạt động của Ngân hàng đất nông nghiệp được cấp từ ngân sách nhà nước; ứng từ quỹ phát triển đất hoặc quỹ đầu tư phát triển, quỹ tài chính khác được ủy thác; vay từ các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam; huy động vốn của các tổ chức, cá nhân và các nguồn khác theo quy định của pháp luật để thực hiện việc tạo lập quỹ đất quy định tại khoản 2 điều này.
PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội cũng đồng quan điểm rằng mô hình ngân hàng đất nông nghiệp thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất, góp phần khắc phục tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp.
“Khi đó, người nông dân có đất nhàn rỗi, thay vì bỏ hoang thì họ cho thuê vào ngân hàng đất nông nghiệp. Ngân hàng này cho các doanh nghiệp thuê lại và trích từ tiền đó trả cho người nông dân. Như vậy, người nông dân vẫn giữ được đất, đồng thời có thêm thu nhập từ mảnh đất của mình, doanh nghiệp cũng có đất đai để sản xuất lớn. Khi người nông dân cần lấy lại đất thì họ có thể lấy lại. Việc này cũng tương tự như việc người có tiền nhàn rỗi thì gửi tiết kiệm vậy”, ông Tuyến nói.
Ngoài ra, với Ngân hàng đất nông nghiệp, PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến vẫn cho rằng cần phải làm rõ cơ quan nào quản lý ngân hàng đất nông nghiệp.
“Ngân hàng đất nông nghiệp do Chính phủ thành lập nhưng ai thay mặt chính phủ quản lý mô hình này? Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn hay Bộ Tài nguyên - Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước?”, ông Tuyến đặt vấn đề.
Ngoài ra, cũng theo ông Tuyến, dự thảo luật cần quy định rõ ngân hàng đất nông nghiệp có chức năng tạo lập quỹ đất nông nghiệp, vậy tạo lập bằng cách nào?
“Ngân hàng đất nông nghiệp độc lập với hệ thống ngân hàng thương mại, được thành lập từ trung ương, đến cấp tỉnh, huyện hay chỉ thành lập ở những địa phương có nhiều đất nông nghiệp?”, ông Tuyến băn khoăn.