Đưa Cung thiếu nhi Hà Nội vào danh mục cần bảo tồn

Sẽ trình các cơ quan chức năng khẩn trương ghi danh Cung thiếu nhi Hà Nội vào danh mục ‘Kiến trúc có giá trị đặc biệt’ để có bảo tồn.

Những ngày qua, dư luận băn khoăn về số phận khu đất vàng Cung Thiếu nhi tại mặt đường phố Lý Thái Tổ, sau khi Cung Thiếu nhi mới tại Cầu Giấy được hoàn thành. Nhiều chuyên gia, kiến trúc sư, các nhà quy hoạch đã lên tiếng.

Cung thiếu Nhi Hà Nội. Ảnh: Dantri  
Cung thiếu Nhi Hà Nội. Ảnh: Dantri  
 

Trong phần chia sẻ mới đây trên Tiền Phong, PGS.TS.KTS Phạm Thuý Loan, đại diện Docomomo Vietnam (nhóm nghiên cứu và bảo tồn kiến trúc hiện đại Việt Nam) nêu quan điểm, Cung Thiếu nhi Hà Nội cũng giống như Văn Miếu Quốc Tử Giám hay Nhà hát lớn đều là một thiết chế văn hoá quan trọng.

Cung Thiếu nhi là đại diện của thời kỳ hiện đại Việt Nam, giai đoạn độc lập, kiến thiết quốc gia và tiến lên Chủ nghĩa Xã hội. Với một ngôn ngữ kiến trúc hoàn toàn khác biệt.

Vì lý do đó, bà Loan cho biết, sẽ sớm gửi lên Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch Thành phố, UBND thành phố Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Vụ Quy Hoạch Kiến trúc, Bộ Xây dựng Bản trình bày các giá trị cùng các hồ sơ lịch sử về cung Thiếu nhi Hà Nội cũ và đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương tiến hành các thủ tục ghi danh công trình này vào danh mục ‘Kiến trúc có giá trị đặc biệt’ (theo Luật Kiến trúc) để có một kế hoạch bảo tồn cụ thể, có hiệu lực thực sự.

"Chúng tôi cũng sẽ gửi thông tin về Cung Thiếu nhi Hà Nội lên tổ chức Docomomo Internetational, đề nghị đưa cung vào danh mục ‘Heritage in danger’ để các chuyên gia và đại diện của các tổ chức quốc tế sẽ có ý kiến với chính quyền và các cấp quản lý của Hà Nội cần có kế hoạch bảo tồn, bảo vệ công trình kiến trúc hiện đại có giá trị này", ba Loan cho biết thêm.

Từng trả lời trên Đất Việt, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội khẳng định quan điểm, không có chuyện chuyển đổi diện tích đất này, xây chung cư hay nhà cao tầng bởi đây là công trình phúc lợi xã hội.

Ông cho biết, bản thân Cung Thiếu nhi là một di sản đô thị, một minh chứng về sự quan tâm của Thành phố và Trung ương đối với thiếu nhi. Đặc biệt, trong khu vực này vẫn còn một biệt thự nơi Hồ Chủ tịch cùng đại diện Chính phủ Pháp ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946.

Vì lẽ đó, không ai dám động đến di sản này. Phải giữ nguyên Cung Thiếu nhi cũ, với chức năng như cũ. Tuy nhiên, với tầm vóc cũng như mối liên kết với xung quanh, đó sẽ chỉ là Cung Thiếu nhi cho một khu vực nhất định, chẳng hạn cho một trung tâm đô thị hay cho một số quận xung quanh, chứ không thể gọi là Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Ông Nghiêm cho biết thêm, trong quy hoạch phân khu nội đô lịch sử, đối với khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm vẫn giữ Cung Thiếu nhi cũ, vẫn mang chức năng là nơi sinh hoạt của thiếu nhi nhưng không phải mang tầm vóc của thành phố nữa mà chỉ là của một khu vực nhất định.

An An

Theo Đất Việt