Đừng để đường sắt Cát Linh-Hà Đông sai hẹn lần thứ 9
Đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đường sắt Cát Linh-Hà Đông vận hành vào cuối năm 2021.
Sáng 3/11, Quốc hội bắt đầu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020; kế hoạch năm 2021; mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Tại phiên thảo luận, Đại biểu Nguyễn Phi Thường (TP Hà Nội) nêu thực trạng triển khai các dự án đường sắt đô thị như dự án cát Linh – Hà Đông, Bến Thành-Suối Tiên, Nhổn-Ga Hà Nội đang tồn tại nhiều vấn đề như dự án lớn, đầu tư lớn nhưng đội vốn, kéo dài, gây bức xúc.
"Cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương tổng kết, đúc rút kinh nghiệm để các dự án sau không lặp lại điều này", ông Thường nói.
Ông Nguyễn Phi Thường cho rằng các dự án đường sắt đô thị cần phải gắn kết với định hướng phát triển hệ thống vận tải công cộng, liên kết chặt chẽ với không gian đô thị, bảo đảm tiện nghi phù hợp, có kết nối giữa nhà ga và đô thị, mạng lưới bãi xe, xe buýt trung chuyển,… Đầu tư đường sắt đô thị cần gắn với tái cấu trúc không gian đô thị, hệ thống giao thông công cộng nếu không đây chỉ là loại hình giao thông nhập khẩu.
Chúng ta cũng cần xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn đường sắt đô thị phù hợp điều kiện của Việt Nam, nghiên cứu mô hình đường sắt đô thị tư nhân như ở Tokyo.
Về dự án Cát Linh, Hà Đông, đại biểu Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh, dự án này được cử tri Hà Nội đặc biệt quan tâm và có nhiều lần chất vấn Bộ GTVT. Vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trực tiếp làm việc với bộ này, thành lập tổ công tác để tháo gỡ song hiện còn nhiều vướng mắc thuộc thẩm quyền của Chính phủ Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường. Ảnh: Quochoi.vn |
Đại biểu TP Hà Nội đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để Đường sắt Cát Linh-Hà Đông vận hành vào cuối năm 2021, không để sai hẹn đến lần thứ 9.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đường sắt đô thị là loại hình giao thông hiện đại, tuy nhiên thời gian qua bộc lộc nhiều vấn đề, đặc biệt làm chậm tiến độ. Chúng tôi đã rút được bài học kinh nghiệm sâu sắc về quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu, đấu thầu, đặc biệt là các dự án EPC để tránh việc phải điều chỉnh giá.
"Bộ GTVT xin tiếp thu và cùng các thành phố lớn tham mưu cho Chính phủ để có những dự án tốt hơn, không xảy ra tình trạng như thời gian vừa qua. Sẽ có những dự án tốt hơn, thi công nhanh hơn", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Tình trạng đội vốn, chậm trễ kéo dài, chưa rõ ngày cán đích của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã kéo dài qua mấy kỳ họp Quốc hội và hầu như kỳ họp nào cũng gây bức xúc cho đại biểu Quốc hội.
Còn nhớ, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, dự án này trở thành một ví dụ điển hình được nhiều đại biểu Quốc hội dẫn chứng cho tình trạng đội vốn, gây lãng phí trọng thời gian qua.
Thất vọng về một dự án tiến độ "rùa” giữa lòng Thủ đô, tại kỳ họp thứ 8, đại biểu Quốc hội Sùng Thìn Cò, đoàn Hà Giang, Phó Tư lệnh Quân khu 2 chia sẻ ông thấy “xót xa” khi thấy người dân Thủ đô gần chục năm ròng rã phải chấp nhận một thực tế là tình trạng giao thông tắc nghẽn hơn khi có một đại công trường trên nhiều tuyến phố nơi dự án đi qua.
“Chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước, cơ quan chức năng và TP Hà Nội phải vào cuộc quyết liệt, phải làm rõ trách nhiệm và sớm đưa dự án vào khai thác sử dụng để đồng bào Thủ đô và cả nước tin tưởng. Một dự án nằm giữa trung tâm Thủ đô mà để kéo dài như thế thì rất ảnh hưởng đến tư tưởng của người dân”, ông Sùng Thìn Cò nói.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội, đây là dự án điển hình với các cơ sở pháp lý, thiết kế dự án chưa rõ ràng đã làm tăng vốn của dự án, đồng thời không có ràng buộc chặt chẽ để nhà thầu thực hiện các yêu cầu của nhà đầu tư.
“Chúng ta biết rằng hiện nay 99% hạng mục đầu tư của dự án đã hoàn thành nhưng khâu mấu chốt nhất là những vấn đề liên quan đến kiểm định về an toàn. Nếu kiểm định an toàn không được xác nhận thì dự án vẫn treo đấy. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Giao thông vận tải đây là vấn đề tồn tại do nhà thầu Trung Quốc chưa cung cấp được các văn bản chứng chỉ chứng nhận về sự an toàn, từ toa xe đến các hạng mục công trình. Chính vì thế cơ quan kiểm định an toàn quốc tế mà chúng ta thuê chưa thể đưa ra chứng nhận do kiểm định”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, trả lời báo chí bên lề Quốc hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội - ông Vương Đình Huệ chia sẻ, TP rất mong muốn dự án này hoàn thành trước tháng 10/2020.
Theo cam kết mới nhất của Bộ trưởng Bộ GTVT tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông hồi cuối tháng 10, sẽ cố gắng tối đa để đưa dự án vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.