'Đường đi' đến khối tài sản 1,1 tỷ USD của đại gia Việt U70, học vật lý hạt nhân cầm quân 'ông lớn' bán lẻ hơn 4,1 tỷ USD bao phủ khắp kệ hàng siêu thị

Là người đứng đầu 1 tập đoàn nổi tiếng tại Việt Nam, vị đại gia U70 này đã trải qua những hành trình dài dặc để sở hữu khối tài sản 1,1 tỷ USD (28.000 tỷ đồng).

Chinsu, Omachi, Phúc Long... là những cái tên không còn quá xa lạ trong đời sống thường ngày của không ít người Việt Nam, thuộc sở hữu của CTCP Tập đoàn Masan (MSN).

Gần 30 năm, để có thể gây dựng 1 tập đoàn lớn mạnh, tồn tại trên thị trường rất nhiều năm nay, Chủ tịch Tập đoàn có vai trò không hề nhỏ. Có lẽ vì thế mà cái tên tỷ phú Nguyễn Đăng Quang gây chú ý trên thương trường Việt trong nhiều thập kỷ. Nhìn lại hành trình xây dựng và phát triển Tập đoàn Masan, nhiều người quan tâm tới những chặng đường mà ông Nguyễn Đăng Quang đã đi qua.

Tiến sĩ Vật lý từng đi buôn mì gói

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang là một trong những người con của vùng đất Quảng Trị. Ông sinh năm 1963, xuất phát điểm làm giàu từ vùng đất Đông Âu. Từ khi còn đi học, ông Đăng Quang đã bộc lộ năng lực ấn tượng, không ngừng học hỏi và tìm tòi nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhờ vậy, ông thường được vinh danh tại trường, còn có cơ hội sang nước ngoài du học. 

Là 1 tiến sĩ Vật lý, ông Đăng Quang "rẽ ngang" đi buôn mì gói. Ảnh: MSN  
Là 1 tiến sĩ Vật lý, ông Đăng Quang "rẽ ngang" đi buôn mì gói. Ảnh: MSN  

Sau 1 thập kỷ du học, tỷ phú Đăng Quang xuất sắc nhận được tấm bằng thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) của Đại học Kinh tế Nga Plekhanov. Không chỉ vậy, tỷ phú này còn có học vị tiến sĩ Vật lý hạt nhân tại Đại học Vật lý ứng dụng - Viện Hàn lâm khoa học Belarus.

Ông quyết định về Việt Nam để làm việc tại Viện khoa học Việt Nam nhưng chỉ sau 1 thời gian, ông quay trở về Nga tiếp tục lập nghiệp. Tại nơi đất khách quê người, Chủ tịch Tập đoàn Masan quyết định buôn mì gói. Sau này, chia sẻ tại 1 Đại hội cổ đông, ông kể: "Hôm qua bạn tôi hỏi tôi ông học về vật lý hạt nhân mà lại buôn mì gói là sao?". Lý do là bởi khi đó ông nhìn thấy, lúc bấy giờ nhu cầu "no bụng" là vấn đề cấp thiết của mỗi người. Ông nhận ra không chỉ người Việt mà người Nga cũng cần mì gói để giải quyết cơn đói.

Điều này thôi thúc 1 tiến sĩ vật lý hạt nhân đi buôn mì gói ở Nga. Đây cũng là nền tảng vững chắc mà tỷ phú sinh năm 1963 tạo nên cho tương lai của Tập đoàn Masan sau này.

Chân dung người được gọi là "dạy người Nga ăn mì gói và tương ớt". Ảnh: Internet  
Chân dung người được gọi là "dạy người Nga ăn mì gói và tương ớt". Ảnh: Internet  

Tiếp nối thành công của sản phẩm mì gói, ông Đăng Quang còn nghiên cứu và quyết định mở rộng sản xuất cả tương ớt, cá, đậu nành. Khi nhìn lại lịch sử của Masan, nhiều người còn ví tỷ phú Nguyễn Đăng Quang là "người dạy người Nga ăn mì gói và tương ớt" vì ông chính là người tiên phong đưa các sản phẩm ấy tới nước này.

Quay về Việt Nam trở thành "ông trùm" ngành hàng tiêu dùng

Sau nhiều năm "bôn ba" tại Nga, doanh nhân gốc Quảng Trị có thêm nhiều thời gian để trải nghiệm và học hỏi. Ông có nhiều kinh nghiệm hơn trong lĩnh vực kinh doanh và sở hữu đầu óc nhìn xa trông rộng. Tới năm 2001, ông quyết định trở về Việt Nam lần nữa, tiếp tục sự nghiệp kinh doanh và đầu tư. Ông cùng người bạn đáng tin cậy là Hồ Hùng Anh đã đầu tư vào Techcombank và bắt đầu phát triển Masan. Năm 2002, doanh nhân sinh năm 1963 không cho ra đời sản phẩm mì gói mà sản xuất tương ớt Chin su. Sau đó ông mới cho ra đời thêm nước mắm, mì gói, hạt nêm. 

Lúc này, các thương hiệu khác nhau đã chiếm được thị phần tại Việt Nam, điển hình có thể kể tới thương hiệu Acecook đến từ Nhật Bản và Vifon ở Việt Nam. Masan gặp không ít khó khăn và trở thành cái tên bình thường trong vô vàn thương hiệu trên thị trường.

Tới năm 2007, Acecook trở thành thương hiệu chiếm trên 50% thị phần, cùng với đó, Vifon cũng là thương hiệu chinh phục nhiều tệp khách hàng khác nhau. Các chiến lược quảng bá của những thương hiệu này cũng rất thành công, càng góp phần định vị và phát triển. Lúc này, Masan cho ra mắt dòng sản phẩm mì khoai tây Omachi với điểm đặc biệt là mì ăn liền đầu tiên tại Việt Nam có sợi khoai tây. Với sản phẩm này, khách hàng phần nào giải tỏa được tâm lý ăn mì ăn liền bị nóng, giúp Masan chiếm được thị phần đáng kể.

Sau đó, Tập đoàn này còn sản xuất thêm mì Tiến Vua dưới sự dìu dắt của doanh nhân Nguyễn Đăng Quang. Tới hiện tại, trong gian bếp của nhiều gia đình, các sản phẩm của Masan vẫn thường xuất hiện. Hiện tại, Masan trở thành Tập đoàn có vốn hóa hơn 4 tỷ USD (hơn 100.000 tỷ đồng).

Masan là tập đoàn hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngày càng mở rộng các ngành hàng khác nhau, trong đó có bán lẻ, thực phẩm & đồ uống, vật liệu công nghệ cao, dịch vụ tài chính... Trong lĩnh vực vật liệu công nghệ cao, theo như website giới thiệu, Masan High-Tech Materials là một trong những công ty tài nguyên và chế biến khoáng sản tư nhân lớn nhất trong khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, hiện đang vận hành dự án mỏ đa kim Núi Pháo ở miền Bắc. Núi Pháo sở hữu mỏ vonfram lớn nhất thế giới và mỏ vonfram mới đầu tiên trong ngành được đưa vào vận hành trong hơn 1 thập kỷ vừa qua.

Ở mảng thực phẩm, Masan Consumer là công ty con của Tập đoàn Masan, với loạt thương hiệu chủ chốt như Chin-Su, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Omachi, Kokomi, Vinacafé, Wake-up Cà phê, Vĩnh Hảo, Vivant, Wake-up 247, Heo Cao Bồi, Ponnie,… Hiện tại, Masan Consumer là công ty mà 100 triệu người dùng tin tưởng, gồm 50 nhãn hiệu, 100 sản phẩm.

Một số nhãn hiệu quen thuộc với người dùng đến từ Tập đoàn Masan. Ảnh: Masan Consumer  
Một số nhãn hiệu quen thuộc với người dùng đến từ Tập đoàn Masan. Ảnh: Masan Consumer  

Forbes vinh danh tỷ phú USD thế giới

Lần đầu tiên doanh nhân Nguyễn Đăng Quang lọt vào danh sách tỷ phú USD thế giới của Forbes vào năm 2018. Với khối tài sản nhiều biến động ở mức 1-1,9 tỷ USD (25.000-48.000 tỷ đồng), những năm qua ông thường xuyên ra-vào danh sách tỷ phú. 

Đầu năm nay, doanh nhân Nguyễn Đăng Quang không còn trong bảng xếp hạng tỷ phú USD thế giới của Forbes vì tài sản ròng đã rơi xuống dưới 1 tỷ USD. Bảng xếp hạng thời điểm đó chỉ còn lại ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch HĐQT Vingroup), ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT Hòa Phát), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Chủ tịch HĐQT Vietjet Air), ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch HĐQT Techcombank) và ông Trần Bá Dương (Chủ tịch HĐQT Thaco). 

Ông Quang là 1 trong 6 tỷ phú đô la của Việt Nam hiện nay  
Ông Quang là 1 trong 6 tỷ phú đô la của Việt Nam hiện nay  

Tuy nhiên, theo Forbes, tính tới 23/2/2024, ông chủ của Masan lại sở hữu tài sản ròng là 1 tỷ USD (25.000 tỷ đồng) và trở lại danh sách tỷ phú USD trên thế giới. Hiện tại, theo dữ liệu thời gian thực từ Forbes, tài sản mà ông Nguyễn Đăng Quang - ông chủ Tập đoàn Masan nắm giữ là 1,1 tỷ USD (tương đương 28.000 tỷ đồng), đứng ở vị trí 2.686 trong danh sách tỷ phú thế giới.

Họa Mi

Theo Chất lượng và Cuộc sống