Đường trên cao ở TP.HCM: Buộc phải làm!

Theo KTS Võ Kim Cương, TP.HCM ở thế buộc phải làm đường trên cao, tuy nhiên suốt nhiều năm dự án không kêu gọi được các nhà đầu tư

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, TP.HCM sẽ có 5 tuyến đường trên cao, với chiều dài gần 71km. 

Gần đây, tuyến số 5 giai đoạn một (nút giao Trạm 2 - ngã tư An Sương), tổng vốn hơn 15.400 tỷ đồng được doanh nghiệp đề xuất nghiên cứu đầu tư hình thức BOT, dự kiến thực hiện từ nay đến năm 2025.

Ngoài tuyến này, đường trên cao số 1 dài 9,5 km (nút giao Lăng Cha Cả - đường Ngô Tất Tố), tổng vốn 17.500 tỷ đồng cũng đang được đề xuất sớm thực hiện.

Các tuyến còn lại được quy hoạch gồm: tuyến số 2, dài gần 12 km, điểm đầu giao tuyến số 1 tại nút giao Lăng Cha Cả, điểm cuối tại quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh); tuyến số 3 dài 8 km, điểm đầu giao tuyến số 2 tại đường Thành Thái (quận 10), điểm cuối giao đường Nguyễn Văn Linh (quận 7); tuyến số 4 dài 7,3 km, điểm đầu giao tuyến số 5 trên quốc lộ 1, điểm cuối giao tuyến số 1 ở đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh).

Dù đã có quy hoạch từ năm 2007, tuy nhiên cho đến nay, chưa có tuyến đường trên cao nào trong năm tuyến trên ở TP.HCM được hoàn thành.

Trao đổi với Đất Việt, KTS.TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng, TP.HCM bắt buộc phải làm đường trên cao sau khi đã xem xét, tính toán hết các giải pháp khác để giải quyết ùn tắc giao thông.

"Không ai tự nhiên làm đường trên cao làm gì bởi nó rất tốn kém, đó là việc cực chẳng đã mới phải làm. Lợi thế của đường trên cao là không tốn đất, không cần lộ giới rộng rãi, nó chỉ như một cây cầu dài. Khi không có cách nào giải tỏa ở dưới, mà muốn giải tỏa cũng cực kỳ tốn kém, không đủ đất, đủ lộ giới để làm đường thì đành phải làm đường trên cao", KTS Võ Kim Cương nói.

Cũng bởi vậy, ông rất băn khoăn khi Hà Nội cùng 4 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc muốn làm đường vành đai 4 là đường trên cao toàn tuyến khi mặt cắt ngang của đường tới 120m, đủ làm 6 làn xe.

"Trừ trường hợp đi qua sông, đầm lầy hay nút giao cắt thì mới làm cầu vượt, tại sao Hà Nội và các tỉnh cần phải làm đường trên cao toàn tuyến với gần 100km?

Ở TP.HCM, cao tốc TP.HCM-Trung Lương có nhiều đoạn làm cầu trên cao vì ở dưới là đoạn ngập nước. Cách làm ấy tiết kiệm chi phí rất nhiều so với làm cầu toàn tuyến. Nơi nào đất tốt, có điều kiện thì tội gì làm đường trên cao cho tốn kém, chưa kể, nếu làm đường thì còn có thể kết hợp cây xanh và kỹ thuật khác", KTS Võ Kim Cương nhận xét và đề nghị phải tính toán khai thác quỹ đất để làm đường, nếu không nhất thiết phải làm đường trên cao thì không làm, tránh lãng phí.

Đường trên cao ở TP.HCM: Buộc phải làm! - Ảnh 1
Đường trên cao tại vòng xoay Cát Lái (quận 2). Ảnh: Dân trí

Thừa nhận làm đường trên cao gây ô nhiễm, đặc biệt ở trong nội đô, nó có thể phá vỡ cảnh quan đô thị, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho biết, các nước trên thế giới rất chú trọng đến môi trường khi phải làm đường trên cao. Ngoài yêu cầu các phương tiện chạy trên đường phải đảm bảo mức ô nhiễm thấp, nhiên liệu diesel không được chạy vào... họ còn làm các tường chắn âm để tránh ô nhiễm âm thanh.

Với 5 tuyến đường trên cao trong quy hoạch của TP.HCM, tất cả đều là những chỗ phải làm đường, chủ yếu là để vượt qua các nút giao cắt để giải quyết ùn tắc. Tuy nhiên, một khi đã làm thì phải chú ý chống ô nhiễm môi trường.

Vướng mắc lớn nhất khiến các tuyến đường trên cao ở TP.HCM đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy, theo vị chuyên gia, chính là vốn đầu tư và đằng sau đó là các chính sách tài chính. Nhiều ý kiến cho rằng đường trên cao có khả năng thu hồi vốn lớn, song ông Cương cho hay, nếu nhà đầu tư tính toán thu hồi vốn tốt thì họ đã đầu tư.

"Đi liền với vốn là chính sách về đất đai, về đền bù giải tỏa, phân chia lợi ích giữa Nhà nước với người có đất phải giải tỏa... Những vấn đề đó chưa giải quyết được. Nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước bồi thường giải tỏa với giá rẻ, khiến người dân không chịu, sinh ra kiện cáo, gây trở ngại cho việc phát triển", ông cho biết.

Điều khiến KTS Võ Kim Cương băn khoăn, đó là, tại sao Hà Nội nói riêng và các tỉnh miền Bắc nói riêng khi làm đường cao tốc hay đường trên cao huy động vốn xã hội rất dễ dàng, còn các địa phương ở trong Nam lại rất khó khăn. Ngay như dự án vành đai 4 của Hà Nội và 4 tỉnh lân cận, với tổng mức đầu tư dự kiến 135.000 tỷ đồng (chưa tính đền bù, giải phóng mặt bằng) cũng dự kiến không đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước mà theo hình thức hỗn hợp giữa đầu tư công và đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

"Cần có cuộc khảo sát, điều tra, phân tích, so sánh các điều kiện ở ngoài Bắc với trong Nam, các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của địa phương cho tới các điều kiện khác về ưu đãi đầu  tư, phát triển kinh tế, thủ tục có vướng mắc gì không khiến nhà đầu tư không mặn mà?", KTS Võ Kim Cương đề nghị.

Ngoài 5 tuyến đường trên cao đã nằm trong quy hoạch của TP.HCM, mới đất nhất, mới đây nhất, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đề xuất làm đường trên cao Bắc - Nam dài 14,1km, 4 làn xe (từ nút giao Cộng Hòa - Trường Chinh (quận Tân Bình) đến đường Nguyễn Văn Linh (quận 7).

Sở TP.HCM đánh giá đề xuất này phù hợp định hướng phát triển giao thông tại thành phố. Do đó, Sở kiến nghị thành phố kêu gọi đầu tư dự án theo hai phương án: giao Sở GTVT phối hợp các bên liên quan làm công tác chuẩn bị (báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án khả thi), đấu thầu chọn nhà đầu tư.

Phương án 2 là giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn nhà đầu tư làm đề xuất dự án PPP.

Thành Luân

Theo Đất Việt