Duy trì cam kết với cổ đông, VPBank năm thứ 3 liên tiếp trả cổ tức tiền mặt
Năm thứ 3 liên tiếp, VPBank dự kiến duy trì chính sách cổ tức tiền mặt, thể hiện năng lực tài chính vững mạnh, chiến lược tăng trưởng hợp lý và cam kết mang lại lợi ích lớn nhất cho cổ đông.
Gần 20.000 tỷ đồng cổ tức tiền mặt cho cổ đông trong 3 năm liên tiếp
Những tháng đầu năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua hàng loạt sóng gió. Sau khi có nhịp tăng vượt 1.330 điểm, xác lập kỷ lục trong gần 3 năm, VN-Index đã cắm đầu giảm sâu do ảnh hưởng từ chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump, xuống dưới mốc 1.100 điểm - mức thấp nhất kể từ cuối năm 2023.

Trong bối cảnh thị trường đầy biến động do căng thẳng thương mại và cạnh tranh giữa các cường quốc, những mã cổ phiếu với chính sách cổ tức tiền mặt đang trở thành “nơi trú bão” an toàn của nhiều nhà đầu tư. Ngay cả khi giá cổ phiếu chịu tác động từ yếu tố bên ngoài và tâm lý thị trường, cổ đông vẫn có thể thu lời một cách bền vững nhờ cổ tức tiền mặt.
So với cổ tức cổ phiếu, chia cổ tức tiền mặt mang lại lợi ích tức thì và rõ ràng cho nhà đầu tư, đặc biệt với những người cần dòng tiền đều đặn. Trong khi đó, cổ tức cổ phiếu thường làm pha loãng giá trị cổ phiếu, khó mang về lợi ích trực tiếp và ngay lập tức tới cổ đông.
Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ tiềm lực để đều đặn trả cổ tức tiền mặt. Đặc biệt, với nhóm ngân hàng, việc chia cổ tức tiền mặt sẽ khiến vốn chủ sở hữu giảm, từ đó tác động đến các chỉ số an toàn. Tại báo cáo mới đây, Chứng khoán SSI cho biết với 13 cổ phiếu ngân hàng đang theo dõi, chỉ có 5 tổ chức có công bố kế hoạch trả cổ tức tiền mặt vào năm 2025.
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) tiếp tục trình phương án chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 5%, tương đương 500 đồng/cổ phiếu. Ngân hàng sẽ dùng gần 4.000 tỷ đồng để chi trả cho cổ đông vào quý II hoặc quý III/2025. Nguồn cổ tức đến từ lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm 31/12/2024, theo báo cáo tài chính năm 2024.
Với kế hoạch trên, dự kiến trong 3 năm liên tiếp (2023, 2024 và 2025), VPBank sẽ dành ra tổng cộng gần 20.000 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông - một con số ấn tượng trong bối cảnh nhiều ngân hàng khác lựa chọn phương án cổ tức cổ phiếu để tăng vốn hoặc tạm dừng chính sách cổ tức. Động thái này mang lại giá trị bền vững cho cổ đông, bất chấp những biến động của thị trường.
Nhờ nền tảng vốn dẫn đầu, VPBank có thể vừa duy trì cổ tức tiền mặt đều đặn cũng như đảm bảo các tỷ lệ an toàn vượt trội so với trung bình ngành. Sau các thương vụ bán vốn điều lệ cho cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), tính đến cuối năm 2024, vốn điều lệ của VPBank đạt 79.339 tỷ đồng, dẫn đầu hệ thống ngân hàng, trong khi vốn chủ sở hữu đạt 147.275 tỷ đồng, xếp thứ 4. Nền tảng vốn vững chắc giúp ngân hàng duy trì tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức 15,5%, vượt xa yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước và đứng đầu ngành trong nhiều quý liên tiếp.
Song song với việc đều đặn trả cổ tức tiền mặt, nhờ chiến lược kinh doanh linh hoạt, hợp lý, ngân hàng duy trì tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm của lợi nhuận vượt trội, lên tới 29%/năm trong 10 năm qua. Từ mức lợi nhuận chỉ hơn 1.600 tỷ đồng vào năm 2014, đến 2024, VPBank đã báo lãi hơn 20.000 tỷ đồng và đặt ra mục tiêu lợi nhuận 25.270 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD) cho năm 2025.
Định giá hấp dẫn, nhiều tiềm năng tăng trưởng
Không chỉ sở hữu nền tảng vốn dẫn đầu ngành ngân hàng và chính sách cổ tức tiền mặt bền vững, cổ phiếu VPBank còn được nhiều công ty chứng khoán ưa thích nhờ định giá hấp dẫn và tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025.
Trong báo cáo phân tích nhanh ngày 14/3, Chứng khoán DNSE đánh giá cổ phiếu VPB đang ở một mức “định giá hấp dẫn” khi P/B là 1,1 lần, thấp hơn 31% so với trung bình 5 năm, trong khi P/B forward chỉ là 0,98 lần, thấp hơn 38,7% so với trung bình 5 năm. DNSE đưa ra khuyến nghị “Mua” với VPB, cho biết ngân hàng đã đạt hiệu quả nhờ tối ưu chi phí và các công ty con trong hệ sinh thái như FE CREDIT, VPBankS đóng góp đáng kể vào kết quả chung của tập đoàn.
Tương tự, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng vừa đưa ra khuyến nghị “Mua” với cổ phiếu VPB. Công ty chứng khoán này đánh giá rằng việc luật hóa Nghị quyết 42 sẽ trở thành động lực quan trọng giúp VPBank cải thiện chất lượng tài sản và xử lý nợ xấu. Trong khi đó, tỷ trọng cho vay bán lẻ cao, cùng với sự phục hồi của FE CREDIT sẽ hỗ trợ cho biên lãi thuần (NIM) và cải thiện chất lượng tài sản của ngân hàng. KBSV cho rằng mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận và tín dụng khoảng 20 - 25% của VPBank trong năm 2025 là tương đối khả thi, được hỗ trợ bởi xu hướng phục hồi kinh tế, sự gia nhập của GPBank vào hệ sinh thái và thu nhập từ xử lý nợ xấu.
Cũng với khuyến nghị “Mua”, Chứng khoán Vietcap kỳ vọng VPBank sẽ ghi nhận kết quả tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn nhờ sự phục hồi của tăng trưởng doanh thu và đóng góp lợi nhuận từ FE CREDIT. Vietcap cho rằng định giá của VPBank vẫn còn dư địa tăng trưởng hơn nữa khi cổ đông chiến lược SMBC không chỉ cung cấp nguồn vốn cổ phần mà còn hỗ trợ ngân hàng huy động vốn, phát triển tệp khách hàng mới (đặc biệt nhóm doanh nghiệp FDI) và nâng cao năng lực quản trị rủi ro.
Đồng thời, các chuyên gia phân tích đánh giá ngân hàng có thể hạ chi phí vốn hơn nữa bằng cách nâng tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) và các nguồn vốn chi phí thấp thông qua tận dụng tệp khách hàng sẵn có, nâng cao khai thác nguồn lực từ công ty con và đối tác, cũng như củng cố lòng trung thành của khách hàng thông qua việc đầu tư liên tục vào công nghệ nhằm cải thiện trải nghiệm người dùng.