Eximbank: Kinh doanh trồi sụt, 'cuộc chiến vương quyền' chưa hồi kết
Từng là một trong những ngân hàng thuộc top 10, tuy nhiên vài năm trở lại đây, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) đã dần mất đi vị thế của mình, kinh doanh trồi sụt. Kèm theo đó là những lùm xùm xoay quanh chiếc 'ghế nóng'.
Eximbank ngày càng trượt dài
Eximbank từng là một trong số các NHTMCP hàng đầu trên thị trường, từng góp mặt trong ‘câu lạc bộ nghìn tỷ lợi nhuận’ của hệ thống ngân hàng. Năm 2011, lợi nhuận lên tới hơn 4.000 tỷ đồng.
Thế nhưng, đến năm 2013, lợi nhuận sau thuế của eximbank tụt dốc chỉ còn gần 659 tỷ đồng và tới năm 2014 chỉ còn 57 tỷ đồng. Năm 2015, khi cuộc chiến quyền lực bắt đầu nổ ra thì lợi nhuận sau thuế chỉ còn ở mức hơn 39 tỷ đồng.
Năm 2016, lãi sau thuế đạt gần 309 tỷ đồng, đến năm 2019, lợi nhuận của Eximbank đạt 866 tỷ đồng. Nếu so với con số đạt được trong năm 2011 thì mức lợi nhuận này mới chỉ bằng 30%, một con số vô cùng khiêm tốn.
Năm 2020, nhờ tiết giảm một số chi phí như chi phí hoạt động, chi phí dự phòng rủi ro, Eximbank báo lãi trước và sau thuế tăng 22% và 24% so với năm trước, đạt gần 1.340 tỷ đồng và hơn 1.070 tỷ đồng.
Đáng chú nhất về tổng tài sản, nếu như năm 2013, nhà băng này thuộc top 3 ngân hàng thương mại cổ phần, xét về tổng tài sản thì đến nay, chỉ được xếp vào ngân hàng hạng trung.
Cụ thể, từ cuối năm 2013 đến kết thúc năm 2020, tổng tài sản tại Eximbank bị sụt giảm mất 5,53% trong khi trong cùng khoảng thời gian trên, tổng tài sản toàn hệ thống ngân hàng tăng trưởng tới 128,91% (từ gần 5,756 triệu tỷ đồng lên gần 13,176 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 10/2020).
Nhóm ngân hàng có cùng quy mô với Eximbank từ năm 2013 như MBBank, Sacombank, Techcombank,…đã có sự đột phá lớn trong 7 năm qua, với mức tăng trưởng từ 2 đến 3 lần. Nhóm này đã bỏ lại hoàn toàn và gần như không còn phải so sánh với Eximbank hiện nay nữa.
Đặc biệt, năm 2020, Eximbank là nhà băng duy nhất sụt giảm về tổng tài sản, chỉ còn hơn 160.435 tỷ đồng, giảm 4%; tiền gửi của các TCTD khác giảm 30%; cho vay khách hàng giảm 11%, xuống còn 100.767 tỷ đồng
Bên cạnh kết quả kinh doanh ‘tụt dốc’ theo thời gian, nợ xấu nội bảng tại Eximbank cũng tăng đáng kể.
Năm 2013, nợ xấu nội bảng chỉ đạt 1.074 tỷ đồng. Năm 2015 khi bắt đầu ‘nội chiến quyền lực’, con số nợ xấu lên mức 1.575 tỷ đồng. Đến năm 2020, đạt mốc 2.534 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm. Trong đó, nợ nghi ngờ gấp 3,3 lần và nợ có khả năng mất vốn tại Eximbank gấp 2,3 lần đầu năm. Kết quả kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 1,71% lên 2,52%.
Dư nợ cấp tín dụng đạt 117.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2020. Tuy nhiên, trường hợp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo mức tăng trưởng tín dụng năm 2021 khác với mức tăng này thì Eximbank sẽ thực hiện theo NHNN. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ mục tiêu tối đa là 2,5%.
Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 được ngân hàng này đặt ra tăng 63% so với kết quả đạt được năm 2020 đạt 2.150 tỷ đồng.
Eximbank với vốn điều lệ 12.355 tỷ đồng, tổng tài sản và dư nợ những năm gần đây đều không tăng trưởng, tương ứng 160.000 tỷ đồng và gần 100.000 tỷ đồng, lại bị thất thoát “chất xám” mạnh do nhân viên chuyển việc, đang bị kéo lùi quy mô và lợi nhuận về phía các ngân hàng nhỏ. Một vài năm nữa khi các ngân hàng nhỏ bứt phá nhờ chuyển đổi thành ngân hàng số, Eximbank có thể gia nhập nhóm này. Khi đó vị thế của Eximbank sẽ càng yếu. Chưa rõ tương lai ngân hàng này sẽ đi về đâu.
Thực tế, những biến động lớn liên quan đến nhân sự cao cấp của Eximbank trong suốt những năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả kinh doanh của nhà băng.
Eximbank chìm trong 'cuộc chiến vương quyền' chưa thấy hồi kết
Vấn đề của Eximbank là cơ cấu cổ đông và sự tranh chấp nắm quyền điều hành ngân hàng giữa các nhóm cổ đông quá phức tạp, kéo dài. Theo dữ liệu của HOSE, đến ngày 7/3/2021 nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 29,82% cổ phần EIB, trong đó Sumitomo Mitsui Banking Corporation nắm 15%, Quỹ VOF 4,97%. Trong 70% cổ phần còn lại Vietcombank sở hữu 4,82%. Như vậy khoảng 65% cổ phần Eximbank thuộc về cổ đông bên ngoài.
Từ giữa năm 2015, khi cựu Chủ tịch HĐQT Lê Hùng Dũng rút lui, vấn đề nhân sự luôn là điểm nóng của Eximbank, đặc biệt là vấn đề của các nhóm cổ đông tại ngân hàng.
Nhóm cổ đông nào cũng muốn có chân trong HĐQT và Ban kiểm soát, khiến nhà băng phải trì hoãn ĐHĐCĐ nhiều lần.
Sau 2 lần tổ chức đại hội cổ đông không thành, phải đến giữa tháng 12/2015, Eximbank mới "chốt" được nhân sự tại đại hội cổ đông bất thường. Ông Lê Minh Quốc sau đó được bầu làm Chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên, đến đầu tháng 4/2016, một số lãnh đạo cấp cao tại Eximbank bất ngờ từ nhiệm, lại làm dấy lên "cuộc chiến vương quyền" trong HĐQT ngân hàng.
ĐHĐCĐ thường niên 2016 của Eximbank cũng bị hủy nhiều lần vì không tìm được tiếng nói chung giữa các cổ đông. Đồng thời, hàng loạt yêu cầu đòi thay thế HĐQT đương nhiệm xuất hiện.
Năm 2017 tình hình ổn định nhưng đến đầu năm 2019, cuộc chiến vương quyền lại bùng nổ. Khi ấy, bà Lương Thị Cẩm Tú (cựu CEO Nam A Bank) được bầu làm Chủ tịch HĐQT mới của ngân hàng (nhiệm kỳ 2015 - 2020), thay cho ông Lê Minh Quốc.
Tuy nhiên, ông Lê Minh Quốc khẳng định mình vẫn là Chủ tịch HĐQT hợp pháp của Eximbank . Vị chủ tịch này đã làm đơn kiện lên tòa án và đến ngày 27/3/2019, TAND TP.HCM đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc HĐQT Eximbank phải dừng Nghị quyết 112.
Đến tháng 5/2019, ông Lê Minh Quốc lại xin rút yêu cầu khởi kiện và có đơn từ nhiệm khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT. Tòa án sau đó tuyên hủy quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với việc thay đổi Chủ tịch HĐQT của Eximbank.
Cùng tháng, HĐQT Eximbank chính thức có quyết định chấp thuận đơn từ nhiệm của ông Quốc. Đồng thời, ngân hàng thông báo ông Cao Xuân Ninh được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020. Chỉ một năm sau, hồi cuối tháng 6/2020, Eximbank lại công bố vị tân Chủ tịch, là ông Yasuhiro Saitoh, người trước đó giữ chức Phó Chủ tịch ngân hàng. Đây cũng là lần đầu tiên, Eximbank có một Chủ tịch HĐQT là người nước ngoài.
Như vậy, từ năm 2019 đến 2020, Eximbank có 5 lần “đổi ghế” Chủ tịch, từ ông Lê Minh Quốc sang bà Lương Thị Cẩm Tú, trở lại ông Lê Minh Quốc, sang ông Cao Xuân Ninh, rồi về ông Yasuhiro Saitoh.
Ngày 13/4 vừa qua, Eximbank lại gây xôn xao trong giới ngân hàng khi chỉ chưa đầy 1 tiếng đã 3 lần đổi “ghế nóng”, từ Yasuhiro Saitoh, sang Nguyễn Quang Thông và quay trở lại Yasuhiro Saitoh.
Cuối cùng, chỉ 2 năm qua, Eximbank đã 8 lần đổi ‘ghế nóng’.
Chỉ có 4 nhân sự được đề cử gồm bà Lê Hồng Anh, ông Đào Phong Trúc Đại, ông Nguyễn Hiếu và ông Yasuo Takeuchi. Cả 4 nhân sự được đề cử này đều là gương mặt mới, trong khi 9 người thuộc HĐQT Eximbank nhiệm kỳ hiện tại không có tên trong danh sách đề cử.
Trước thềm tổ chức 2 cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 lần 3 và năm 2021, 2 nhóm cổ đông đã có văn bản đề nghị miễn nhiệm một loạt thành viên HĐQT. Trong đó, một nhóm đề nghị miễn nhiệm ông Yasuhiro Saitoh; ông Lê Minh Quốc; ông Cao Xuân Ninh; ông Lê Văn Quyết; ông Ngô Thanh Tùng. Nhóm còn lại đề nghị miễn nhiệm ông Hoàng Tuấn Khải; ông Đặng Anh Mai và bà Lương Thị Cẩm Tú.
Và cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 lần 3 đã không thể tiến hành do cổ đông không thông qua quy chế Đại hội dù tỷ lệ cổ đông tham gia đủ điều kiện tiến hành.
Đến sáng ngày 27/04/2021, Eximbank tiếp tục không tổ chức được ĐHĐCĐ thường niên 2021.