FLC liên tục vay để trả nợ, dấu hỏi quanh tần suất cho vay của OCB

Báo cáo tài chính cuối năm 2021, FLC vẫn trong trạng thái có khả năng trả nợ. Tuy nhiên dòng tiền thuần từ kinh doanh không đủ bù đắp cho dòng tiền chi đầu tư, chi trả nợ vay lớn. Để có được trạng thái có khả năng trả nợ thì công ty đã phải liên tục...vay thêm.

Sự kiện gây rúng động tuần giao dịch vừa qua trên thị trường chứng khoán là ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn FLC bị bắt với tội danh thao túng giá cổ phiếu. 

Câu chuyện ngày càng "nóng" giới đầu tư tài chính khi "soi" hoạt động kinh doanh của FLC. Tổ chức này vay nợ rất nhiều để gây dựng nên khối tài sản "khổng lồ" hơn 33,7 nghìn tỷ đồng càng là lý do khiến nhà đầu tư lo sợ.

Nợ phải trả lên đến 24.000 tỷ đồng, tiền mặt còn rất ít

Theo báo cáo tài chính quý 4/2022 đã hợp nhất của FLC, nhiều câu hỏi lớn về sức khỏe tài chính của công ty đã lộ diện. Số dư tiền và tương đương tiền cuối năm 2021 của công ty đã giảm nhanh từ 1.215 tỷ đầu năm còn hơn 176 tỷ đồng.

Tham vọng lớn của FLC khiến nhiều năm gần đây, công ty liên tiếp lấy về dự án lớn nhưng hầu hết dự án của công ty đang trong trạng thái xây dựng cơ bản dở dang. Tính tại thời điểm cuối năm 2021, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của công ty đang ở mức hơn 7.200 tỷ, tăng gần 2.000 tỷ so với đầu năm 2021. Những tài sản dở dang này tương đương khoảng 21% tổng tài sản của công ty. 

FLC cũng đã gia tăng đầu tư mạnh hàng nghìn tỷ đồng vào công ty liên doanh, liên kết và chủ yếu là Bamboo Airways hiện đang "ngốn" khoảng hơn 3.500 tỷ đồng đầu tư của FLC. 

Khối tài sản đồ sộ với Tổng cộng tài sản lên đến 33.787 tỷ đồng của FLC-đáng nói-lại chủ yếu xây nên từ nguồn vốn vay. Theo báo cáo tài chính năm 2021 của FLC, nợ phải trả tại thời điểm cuối năm 2021 lên đến hơn 24.000 tỷ đồng, tương đương khoảng hơn 63% tổng tài sản. Hay nói dễ hiểu hơn, 63% tổng tài sản của FLC hình thành từ nợ. 

OCB liên tục bơm vốn cho FLC

Theo báo cáo tài chính của FLC, tại thời điểm 31/12/2021, FLC vẫn còn dư nợ vay ngắn hạn hơn 1.367 tỷ đồng tại các ngân hàng và công ty tài chính. Trong đó vay OCB 573 tỷ đồng; vay NCB 2 món 296 tỷ đồng và 287 tỷ đồng, vay Agribank gần 80 tỷ đồng...Các khoản vay đến hạn trả cũng hơn 500 tỷ, trong đó đến hạn trả 2 món 228 tỷ và 175 tỷ cho BIDV.

FLC liên tục vay để trả nợ, dấu hỏi quanh tần suất cho vay của OCB - Ảnh 1

FLC không chỉ vay tiền OCB mà còn phát hành trái phiếu trị giá hơn 800 tỷ đồng.

FLC liên tục vay để trả nợ, dấu hỏi quanh tần suất cho vay của OCB - Ảnh 2

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, cho đến hết năm 2021, dường như FLC vẫn "sống tốt" khi các khoản nợ đến hạn đều được chi trả và ghi chú "có khả năng trả nợ". 

Tuy nhiên, nếu đi sâu hơn một chút phân tích hoạt động vay và nợ của FLC cho thấy năng lực trả nợ của DN khá yếu. Tần suất "vay-trả-trả-vay" với ngân hàng OCB-đơn vị đang có dư nợ tổng cộng hơn 1.300 tỷ tại FLC là một ví dụ.

Quay trở lại từ vài năm trước, khoảng tháng 2/2020, FLC thế chấp 10 triệu cổ phiếu BAV của Bamboo Airways để đảm bảo cho khoản vay của CEMACO Việt Nam. 

FLC liên tục vay để trả nợ, dấu hỏi quanh tần suất cho vay của OCB - Ảnh 3

Cũng trong khoảng thời gian tháng 2/2020, OCB lại cho FLC vay vốn và lại tiếp tục có thêm 20 triệu cổ phiếu BAV làm tài sản đảm bảo.

FLC liên tục vay để trả nợ, dấu hỏi quanh tần suất cho vay của OCB - Ảnh 4

Chỉ sau đó khoảng 1 tháng, vào tháng 3/2020, OCB tiếp tục nhận thêm 30,22 triệu cổ phiếu BAV. 

FLC liên tục vay để trả nợ, dấu hỏi quanh tần suất cho vay của OCB - Ảnh 5

Cũng trong tháng 3/2020, OCB tiếp tục nhận thêm 10 triệu cổ phiếu BAV nữa. Ít ngày sau đó lại nhận thêm 7,25 triệu cổ phiếu BAV....Việc thế chấp cổ phiếu BAV liên tục diễn ra, đáng chú ý là tháng 12/2020 OCB nhận "deal" khá lớn 60 triệu cổ phiếu BAV làm tài sản thế chấp. Sau đó ít ngày lại nhận tiếp 47,5 triệu cổ phiếu BAV!

FLC liên tục vay để trả nợ, dấu hỏi quanh tần suất cho vay của OCB - Ảnh 6

Tần suất cho vay của OCB khiến nhà đầu tư có cảm giác OCB như "mẹ nuôi" bù đắp thanh khoản cho FLC khi tập đoàn này cần.

FLC đã phải liên tục vay để trả nợ?

Năm 2021 FLC lỗ hơn 500 tỷ đồng từ công ty liên kết, mà chủ yếu là từ Bamboo Airways. 

FLC vẫn đang phải trả lãi ngân hàng đến 445 tỷ đồng cho cả năm 2021. Điều này khiến lợi nhuận cả năm chỉ còn lại 83 tỷ đồng so với con số 307 tỷ đồng năm 2020, giảm hơn 3 lần. Doanh thu của năm 2021 cũng đã eo hẹp hẳn so với năm 2020, 6.880 tỷ đồng so với con số 13.500 tỷ của 2020. 

Nếu nhìn vào dòng tiền trả nợ của FLC, ta có thể nhìn thấy dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của FLC năm 2021 dương 1.190 tỷ đã không còn "gánh" nổi dòng tiền chi đầu tư âm đến 4.150 tỷ đồng. Dù có đi vay hơn 4.888 tỷ đồng nhưng chi trả nợ vay cũng đã lên đến gần 3.000 tỷ đồng. Tổng cộng cuối năm 2021, dòng tiền lưu chuyển thuần âm 1.000 tỷ đồng kéo dư tiền cuối quý về chỉ còn mức trăm tỷ. 

Cho đến hết năm 2021, dường như FLC vẫn "sống tốt" khi các khoản nợ đến hạn đều được chi trả bằng mọi cách. Có thể thấy cách đi vay để trả nợ vẫn là chính yếu. Câu hỏi lớn đặt ra, nếu năm 2022 công ty không thể tiếp tục vay để trả nợ nữa thì tiền đâu để trả ngân hàng?

Ngô An

Theo Chất lượng và Cuộc sống