Gemadept gây bất ngờ: Doanh thu lập kỷ lục, lợi nhuận giảm 76%
Không còn nguồn thu đột biến, lợi nhuận quý II/2024 của Gemadept giảm sâu. Dù vậy, với mức doanh thu theo quý cao kỷ lục, vẫn còn nhiều điều để giới quan sát trông đợi.
Ngóng chờ kỷ lục doanh thu mới
Mới đây, Công ty CP Gemadept (HoSE: GMD) đã công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với doanh thu thuần đạt 1.182 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Đây là mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của ông lớn ngành hàng hải.
Mặc dù giá vốn hàng bán tăng nhanh hơn, ở mức 33% song vẫn được giữ ở mức 639 tỷ đồng, không “ngốn” nhiều vào doanh thu. Nhờ đó, lợi nhuận gộp vẫn tăng 26% so với cùng kỳ, đạt 542 tỷ đồng.
Một điểm sáng nữa là lãi trong công ty liên doanh, liên kết cũng tăng vọt gấp 3 lần, đóng góp 183 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kỳ này, không còn nguồn thu đột biến, doanh thu tài chính của Gemadept “bốc hơi” đến 98%, chỉ đạt vỏn vẹn 29 tỷ đồng. Còn nhớ, cùng kỳ năm ngoái, thương vụ bán vốn cảng Nam Hải Đình Vũ đã giúp “gã khổng lồ” cảng biển ghi nhận mức doanh thu tài chính cao kỷ lục 1.863 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt tăng cao, lần lượt ở mức 48%, 83% và 11%, đã tạo ra áp lực không hề nhỏ, kéo lùi lợi nhuận của Gemadept.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp sụt giảm tới 77%, xuống còn 511 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt gần 418 tỷ đồng, giảm 76% so với mức đỉnh lịch sử 1.711 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Gemadept đạt 2.187 tỷ, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.074 tỷ đồng, giảm 51%. Khấu trừ thuế, lãi ròng 6 tháng đầu năm ghi nhận ở mức 863 tỷ đồng, tương ứng giảm 46% so với cùng kỳ.
So với kế hoạch lập kỷ lục doanh thu với 4.000 tỷ đồng và mang về 1.686 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, Gemadept đã thực hiện được 55% chỉ tiêu doanh thu và 72% chỉ tiêu lợi nhuận. Nhìn chung, do dự báo trước khả năng hụt thu tài chính, doanh nghiệp này đã xây dựng chỉ tiêu lợi nhuận “vừa sức”.
Giờ đây, giới quan sát đang chờ đợi xem liệu “gã khổng lồ” ngành hàng hải này sẽ làm gì trong nửa cuối năm để “chạm tay” vào kỷ lục doanh thu.
Gemadept đang đầu tư vào đâu?
Về tình hình tài chính, tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Gemadept đạt 14.831 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Doanh nghiệp có số dư tiền mặt và các khoản tương đương tiền khá lớn với 1.831 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm.
Cùng chiều, đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 13%, ghi nhận ở mức 407 tỷ đồng. Trong kỳ, Gemadept đã tăng lượng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn trên 3 tháng đến 12 tháng thêm 12%, đồng thời rút bớt tiền khỏi kênh chứng khoán. Cụ thể, giá trị chứng khoán kinh doanh ghi nhận ở mức 34 tỷ đồng, giảm 26% so với đầu năm, chủ yếu do giảm đầu tư tại Công ty CP Thép Thủ Đức (UPCoM: TDS).
Bên cạnh đó, Gemadept cũng mở rộng quy mô đầu tư tài chính dài hạn. Tính đến hết nửa đầu năm 2024, khoản mục đầu tư tài chính dài hạn của doanh nghiệp ghi nhận ở mức 3.279 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm và chiếm 22% tổng tài sản.
Gemadept chủ yếu đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết với giá trị ghi nhận cuối kỳ là 2.471 tỷ đồng. Trong đó, khoản đầu tư 1.477 tỷ đồng vào Công ty CP Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link (chủ đầu tư dự án “siêu cảng” Gemalink) là lớn nhất.
Ngoải các khoản đầu tư nói trên, Gemadept cũng rót gần 42 tỷ đồng vào 4 các đơn vị khác là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Mặt trời Đông Dương, Công ty CP Quản lý Quỹ Trí tuệ Việt Nam, Công ty TNHH Jinjiang Shipping (Việt Nam) và Công ty TNHH OOCL Logistics (Việt Nam).
Kết thúc quý II/2024, nợ phải trả của Gemadept ghi nhận ở mức 4.037 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay tài chính ở mức gần 2.014 tỳ đồng, phần lớn là nợ vay dài hạn.