Giá căn hộ tại TPHCM tăng mạnh, thiết lập mặt bằng 64 triệu đồng/m2
Trong quý 1, mặt bằng giá căn hộ tại Hà Nội ghi nhận mức 45 triệu đồng/m2, tăng 5% so với quý trước. Trong khi đó, tại TPHCM, mặt bằng giá ghi nhận được nâng lên với mức cao kỷ lục, lên đến 64 triệu đồng/m2, tăng 9% so với quý trước.
Giá căn hộ tại Hà Nội và TP HCM đồng loạt tăng mạnh
Theo Báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản quý 1/2022 vừa được Đất Xanh Services công bố, trong quý 1, mặt bằng giá căn hộ tại Hà Nội ghi nhận mức 45 triệu đồng/m2, tăng 5% so với quý trước.
Nguồn cung căn hộ mới ghi nhận ở mức 4.904 căn, tăng 36% theo quý. Trong đó, số lượng sản phẩm mới tập trung chủ yếu tại khu tây (60%), khu đông (38%). Nguồn cung sơ cấp ghi nhận 13.700 căn hộ.
Về nguồn cung tương lai, căn hộ tiếp tục là sản phẩm chủ đạo và nguồn cung mới có xu hướng phân bổ ra khu vực ven Hà Nội. Bên cạnh đó, thời gian tới vẫn sẽ ghi nhận xu hướng Bắc tiến của các chủ đầu tư lớn khu vực phía Nam.
Đất Xanh Services dự báo, trong hai năm tới, nguồn cung căn hộ tại thị trường Hà Nội sẽ có thêm khoảng 54.000 sản phẩm, tập trung chủ yếu tại khu vực ven đô, ngoại thành như Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Long Biên, Hoàng Mai, Thanh Trì…
Trong khi đó, tại TP HCM, mặt bằng giá căn hộ ghi nhận được nâng lên với mức cao kỷ lục, lên đến 64 triệu đồng/m2, tăng 9% so với quý trước. Nguồn cung mới trong quý 1 ghi nhận ở mức 2.166 căn hộ, giảm 55% so với quý IV năm ngoái, trong đó, tập trung chủ yếu tại Bình Chánh (39%), TP Thủ Đức (29%), Bình Tân (22%). Nguồn cung sơ cấp ghi nhận 4.401 căn hộ.
Trong khoảng 2 năm tới, thị trường TP HCM được kỳ vọng sẽ có thêm khoảng 50.000 sản phẩm mới, tập trung chủ yếu tại TP Thủ Đức, khu nam và khu tây thành phố.
Có thể thấy, trong quý đầu tiên của năm, số lượng các dự án mở bán mới tại Hà Nội vẫn tăng mạnh trong khi tại TP.HCM giảm đáng kể do quá trình cấp phép cho các dự án mới chậm và quỹ đất hạn chế làm cho nguồn cung trở nên khan hiếm, mặt bằng giá bất động sản leo thang...
Đáng chú ý, báo cáo của Đất Xanh Services cho biết, trong quý đầu tiên năm 2022, giá đất vùng ven Hà Nội và TP HCM có xu hướng tăng đến mức tiệm cận giá đất khu vực trung tâm sau khi các thông tin quy hoạch được công bố. Theo đó, sau khi có thông tin quy hoạch, các dự án nằm cách khu vực trung tâm 10 km ghi nhận tốc độ tăng giá 10-15%, các dự án nằm cách khu vực trung tâm 20-30 km ghi nhận tốc độ tăng giá 35-38%.
Đơn vị này cũng đánh giá, diễn biến thị trường bất động sản trong năm 2022 sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể, khu vực miền Bắc tiếp tục là nơi được hưởng lợi từ các dự án trọng điểm, với nhiều địa phương có kế hoạch đầu tư công cao nhất giai đoạn 2021-2025 như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh.
Còn tại khu vực phía Nam, các dự án hạ tầng sẽ là yếu tố giữ độ 'nóng' giúp thị trường bất động sản khu vực tiếp tục tăng nhiệt. Đặc biệt, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại Bà Rịa - Vũng Tàu được đẩy mạnh, giá bán các dự án dự kiến sẽ tăng trong các đợt mở bán mới 3-7%.
Vì sao bất động sản đồng loạt tăng giá?
Về tình trạng tăng giá bất động sản trong quý 1/2022, các chuyên gia của Đất Xanh Services cho rằng, tình trạng lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng ít nhiều tới thị trường bất động sản Việt Nam. Trong đó, sự mất cân bằng cung cầu, chi phí đầu vào tăng thường đẩy giá bất động sản tăng cao.
Đặc biệt tại TP HCM, nhiều nguyên nhân dẫn đến nguồn cung mở bán mới tại thị trường này giảm, tuy nhiên vấn đề chính là do quá trình cấp phép cho các dự án mới chậm và quỹ đất hạn chế, nhiều dự án nhà ở bị ách tắc, vướng mắc lâu năm vẫn chưa được giải quyết. Quỹ đất tại hạn chế, dự án ách tắc, nguồn cung càng trở nên khan hiếm, mặt bằng giá bất động sản ngày càng leo thang đi đôi với áp lực hạ tầng do gia tăng dân số…
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản tổng hợp các kiến nghị của 57 doanh nghiệp bất động sản với 64 dự án bị ngưng trệ do vướng pháp lý.
Theo HoREA, tại TP.HCM có nhiều doanh nghiệp tự thương lượng giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch và tự bỏ vốn để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội cho thuê… Nhưng do vướng mắc chủ yếu trong khâu thực thi pháp luật nên một số dự án bị “ách tắc” chưa thể triển khai thực hiện được.
Do đó, Hiệp hội đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo quyết liệt để các sở, ngành, quận, huyện, TP. Thủ Đức phối hợp chặt chẽ và khẩn trương để tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng, hoặc điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000, hoặc thủ tục giao đất cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội… để tăng thêm nguồn cung nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Bởi lẽ, chỉ riêng các dự án nhà ở xã hội Lê Thành - Tân Kiên (giai đoạn 1 và giai đoạn 2); dự án nhà ở xã hội Lê Thành - Tân Tạo 2; dự án nhà ở xã hội Nam Lý; dự án nhà ở xã hội cho thuê (giai đoạn 2) Khu chế xuất Linh Trung 2 nếu được tháo gỡ các vướng mắc để khởi công xây dựng các dự án nhà ở xã hội trong 06 tháng đầu năm 2022, sẽ cung cấp thêm 5.209 căn hộ trong năm 2024-2025…
Trong khi đó, theo nhận định của Vietnam Report, xu hướng tăng giá bất động sản sẽ xảy ra ở hầu hết các phân khúc, trong đó phân khúc bất động sản công nghiệp, đất nền, nhà ở có nhiều khả năng tăng trưởng mạnh nhất.
Bên cạnh đó là sự phục hồi của nhóm bất động sản nghỉ dưỡng và thương mại. Về tổng thể, thị trường bất động sản tích cực so với năm 2021 nhưng không nhiều.
Riêng bất động sản nhà ở, sự hồi phục và tăng trưởng của phân khúc bất động sản được thúc đẩy từ cả hai yếu tố cung và cầu, cộng hưởng với mặt bằng lãi suất thấp, pháp lý được nới lỏng và chiến lược phát triển nhà ở quốc gia của Chính phủ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với một trong những mục tiêu của chiến lược là phát triển các sản phẩm nhà ở phù hợp túi tiền của người có thu nhập thấp và trung bình.
“Ngay từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã công bố những dự án mới, hứa hẹn những tín hiệu tích cực cho nguồn cung trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia lượng cung này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu lớn của người dân”, báo cáo của Vietnam Report cho biết.