Giá vàng hôm nay 22/2: Vàng trong nước vượt xa ngưỡng 63 triệu đồng/lượng
Giá vàng trong nước tăng mạnh đưa giá vàng bán ra vượt xa ngưỡng 63 triệu đồng/ lượng. Trong khi đó giá vàng thế giới giao dịch khá ổn định, quanh ngưỡng 1.900 USD/ ounce.
Giá vàng trong nước
Giá vàng trong nước đồng loạt tăng trong rạng sáng 22/2 với mức tăng từ 100.000 đến 300.000 đồng/ lượng.
PNJ cũng điều chỉnh tăng mạnh giá vàng. Cụ thể, giá vàng PNJ ở cả hai chiều đã tăng 250.000 đồng/ lượng so với ngày trước đó. Với mức tăng này, vàng PNJ đang giao dịch ở mức 54 triệu đồng/ lượng mua vào và 54,8 triệu đồng/ lượng bán ra.
Tại Hà Nội, giá vàng DOJI tăng 100.000 đồng/ lượng ở chiều mua vào và 150.000 đồng/ lượng ở chiều bán ra lên lần lượt là 62,45 triệu đồng/ lượng và 63,3 triệu đồng/ lượng.
Trong rạng sáng 22/2, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch ở mức 62,8 triệu đồng/ lượng mua vào và 63,42 triệu đồng/ lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, giá vàng SJC đang mua vào với giá 62,8 triệu đồng/lượng và bán ra với giá 63,4 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng SJC ở cả 3 khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đã đươc điều chỉnh tăng 250.000 đồng/ lượng ở chiều mua vào và 150.000 đồng/ lượng ở chiều bán ra.
Cùng chung đà tăng này là vàng của Phú Quý SJC. Đơn vị này đã tăng 180.000 giá vàng mua vào và 130.000 giá vàng bán ra lên lần lượt là 62,78 triệu đồng/ lượng và 63,3 triệu đồng/ lượng.
Với giá vàng trong nước tăng và giá vàng thế giới đều tịnh tiến, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước không thay đổi nhiều so với ngày trước đó là 10,8 triệu đồng/ lượng.
Giá vàng trong nước cập nhật 5 giờ 30 sáng 22/2 như sau:
Dự báo tiềm năng
Giá vàng thế giới rạng sáng 22/2 (giờ Việt Nam) niêm yết tại Kitco là 1.914 USD/ ounce, tương đương khoảng 52,6 triệu đồng/ lượng.
Giá vàng thế giới qua đêm đã đẩy lên mức cao nhất trong 8 tháng qua là 1.910,8 USD/ ounce khi có thông tin rằng Nga và Belarus sẽ gia hạn các cuộc tập trận quân sự của mình. Tuy nhiên, không lâu sau đó giá đã rơi xuống sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất một cuộc hội đàm thượng đỉnh giữa Nga và Mỹ và hai bên đã đồng ý với điều kiện không có hành động quân sự giữa Moscow và Kiev.
Hầu hết các nhà phân tích đều nhận định rằng nếu căng thẳng địa chính trị tiếp tục gia tăng, thì giá vàng có khả năng giữ mức tăng hơn 1.900 USD. Ngược lại, nếu căng thẳng bắt đầu hạ nhiệt, giá vàng có thể sẽ không dễ dàng giữ được mức tăng như thời gian vừa qua.
Trong phiên giao dịch cuối trong ngày 21/2 (giờ Việt Nam), giá vàng kỳ hạn tháng 4 giao dịch ở mức 1.898,3 USD/ ounce, gần như không thay đổi trong ngày. Vàng giao ngay đang ở mức 1.903,2 USD/ ounce, tăng không đáng kể so với thời điểm rạng sáng.
Việc căng thẳng địa chính trị leo thang trong thời gian vừa qua đã làm gia tăng sức hấp dẫn của kim loại quý như một công cụ trú ẩn an toàn. Theo báo cáo mới đây, hợp đồng vàng tương lai trên sàn Comex đã tăng thêm 34.296 hợp đồng lên mức 151.530. Trong khi đó, vị thế bán đã giảm 3.943 hợp đồng xuống còn 43.824.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Kitco News, Phillip Streible, chiến lược gia thị trường trưởng của Blue Line Futures, cho biết căng thẳng địa chính trị chiếm khoảng 2% trong động thái gần đây của vàng. Nếu căng thẳng bắt đầu giảm bớt, thì giá vàng có thể dễ dàng kiểm tra lại mức hỗ trợ quanh 1.850 USD/ ounce.
Cùng chung quan điểm, Ipek Ozkardeskaya, nhà phân tích cấp cao của Swissquote, cũng nhận định diễn biến của giá vàng thế giới trong tuần này sẽ phụ thuộc vào những gì diễn ra ở Đông Âu.
Bà cho rằng, nếu mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, giá vàng sẽ không ngần ngại tăng cao với khả năng sẽ vượt mức 2.000 USD/ ounce.
Ngoài yếu tố địa chính trị, một số nhà phân tích nhận định giá vàng sẽ sớm đạt mục tiêu 1.917 USD/ ounce nếu chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục cho thấy lạm phát tăng cao. Lạm phát dai dẳng có thể đẩy giá vàng lên cao hơn nữa trước thời điểm cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến sẽ diễn ra vào giữa tháng 3 này.