Làm gì để rút ngắn chênh lệch giá vàng trong nước?

Một lần nữa giá vàng trong nước lại chứng kiến cảnh tăng giá ngược chiều, chênh gần 9 triệu đồng so với giá vàng thế giới.

Theo giá giao dịch niêm yết ngày 23/9, giá vàng thế giới giao dịch ở mức 1.765 USD/ounce, giảm gần 9 USD/ounce so với phiên giao dịch trước đó.

Giá vàng trong nước chênh gần 9 triệu với giá vàng thế giới  
Giá vàng trong nước chênh gần 9 triệu với giá vàng thế giới  

Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá vàng thế giới hiện tương đương khoảng 48,6 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 280.000 đồng/lượng.

Thế nhưng, trong nước, giá vàng lại tiếp tục tăng mạnh. Tại công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá mua vào – bán ra ở mức 56,7 – 57,35 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với giá chốt phiên chiều qua. Diễn biến trái chiều giữa hai thị trường đã kéo chênh lệch giữa vàng SJC và thế giới quy đổi lên tới 8,7 triệu đồng/lượng.

Lý giải điều này, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, điểm mấu chốt của nghịch lý trên là do thị trường vàng trong nước không có điểm liên thông với thị trường vàng thế giới.

Biểu hiện cụ thể là sự chênh lệch quá lớn về mức giá giữa hai thị trường. Nếu ở hai thị trường vàng trong nước và thế giới có được điểm liên thông thì mức giá chênh nhau là rất thấp do phải bù đắp về các khoản chi phí vận chuyển, chứ không thể chênh quá cao lên tới gần 9 triệu như hiện nay.

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên giá vàng trong nước bị đẩy chênh lên cao như vậy, thực tế đã từng có một vài lần xảy ra, ngay ở thời điểm dịch bệnh diễn ra.

Hiện nay, chỉ có Ngân hàng Nhà nước mới được phép huy động vàng vì thế, vẫn còn nút thắt, chưa tạo được sự liên thông giữa hai thị trường.

Bên cạnh đó có hiện tượng đầu cơ; một vài doanh nghiệp đã đẩy giá vàng lên khi thấy nguồn cung bị đứt gãy.

Mặt khác, tại thời điểm này, một số kênh đầu tư không còn hấp dẫn như lãi suất giảm, bất động sản chưa hồi phục, tỷ giá ổn định nên không phải là kênh đầu tư hấp dẫn, chứng khoán tăng nóng nhưng lại khiến nhiều người e ngại.

Vì vậy, nhiều người vẫn có ý định mua vàng. Hiểu tâm lý đó nên các doanh nghiệp giữ giá vàng ở mức cao, đẩy rủi ro sang người mua, không những giá chênh với thế giới cao mà chênh lệch giữa mua và bán cũng ở mức cao và người cuối bị thiệt hại vẫn là khách hàng.

Vì điều này, ông Hiếu khuyến cáo đây không phải thời điểm thích hợp để chọn vàng làm kênh đầu tư hay cất giữ với số lượng lớn vì sẽ có nhiều rủi ro.

Ông giải thích: "sự chênh lệch nào đó cuối cùng cũng sẽ được thị trường tự tìm cách cân bằng với nhau.

Một điều dễ hiểu là, khi giá bị đẩy lên, nguồn cung đứt gãy thì các hoạt động nhập khẩu lậu vàng sẽ xảy ra. Các nhà đầu tư sẽ không ngại tranh thủ nhập lậu vàng để bán giá cao để hưởng lợi. Vì thế, sự chênh lệch này chỉ là ngắn hạn, không thể kéo dài mãi được", ông Hiếu phân tích.

Về lâu dài, vị chuyên gia cho hay, khi thị trường vàng đi vào hoạt động ổn định thì Ngân hàng Nhà nước không nên siết lại hoạt động mua bán chỉ qua một van, mà nên để các thành phần khác cùng tham gia, tạo sự thông nhau giữa hai thị trường.

Cùng với đó nên thành lập sàn vàng để tất cả các thông tin về thị trường vàng được công khai, minh bạch.

Tất nhiên, để thành lập sàn vàng thì cũng cần có hành lang pháp lý chặt chẽ, như quy định về tiêu chuẩn, chất lượng vàng; hạn mức giao dịch; quy trình thanh toán bù trừ; điều kiện thành viên;…

"Sở Giao dịch vàng ra đời không chỉ giảm thiểu tình trạng vàng hóa nền kinh tế, mà còn loại bỏ những sàn vàng chui đang "mọc như nấm" như hiện nay", ông Hiếu nói.

Lam Lam

Theo Đất Việt