Giá vàng liên tục phá đỉnh, tăng lên ngưỡng 100 triệu đồng?
Giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh mới, được dự báo sớm vượt 2.900 USD và hướng tới 3.000 USD mỗi ounce. Vàng miếng SJC có thể lên 100 triệu đồng/lượng vào cuối năm nay.
Giá vàng trong nước trong 3 phiên đầu tuần này liên tục kỷ lục mới. Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn tăng thêm gần 3 triệu đồng trong 3 ngày.
Hôm 5/2, giá vàng nhẫn lần đầu tiên trong lịch sử lên ngưỡng 91 triệu đồng/lượng - ngang bằng với giá vàng miếng.
Giá vàng nhẫn trong nước sáng 6/2 vẫn được điều chỉnh tăng. Đầu giờ sáng ngày 6/2, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đưa giá vàng nhẫn lên mức 88,1-90,6 triệu đồng/lượng (mua - bán). Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji cũng giá mua vàng nhẫn 9999 lên mức 88,2-91,2 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng miếng SJC sáng 6/2 cũng tăng lên mức 88,2-91,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Mức giá vàng miếng SJC chỉ còn kém một chút so với kỷ lục cũ 92,5 triệu đồng/lượng ghi nhận hôm 10/5/2024.
Chênh lệch giữa giá mua và bán vàng miếng SJC tăng lên 3 triệu đồng mỗi lượng thay vì 2,5 triệu đồng/lượng trước đó.
Đáng chú ý, sát ngày vía Thần Tài năm nay (mùng 10 tháng Giêng Âm lịch), giá vàng ép vỉ tăng mạnh, có loại chạm mốc gần 99 triệu đồng/lượng, cao hơn cả giá vàng miếng SJC.
Cụ thể, sản phẩm vàng ép vỉ loại 0,3 chỉ được bán với giá 2,878 triệu đồng, tương đương gần 96 triệu đồng/lượng theo quy đổi. Đồng vàng loại 1 chỉ ép vỉ phát lộc tài ép vỉ có giá 9,875 triệu đồng/chỉ, tức hơn 98,7 triệu đồng/lượng.
Mức giá này đã vượt qua kỷ lục trước đó của vàng miếng SJC được thiết lập vào năm 2024 là 92,5 triệu đồng/lượng. Còn nếu so với giá vàng ép vỉ của năm 2024 dao động khoảng 89 triệu đồng/lượng thì giá mặt hàng vàng này năm nay đã tăng gần 10 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước tăng mạnh trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng nhanh, tiến sát 2.900 USD/ounce.
Chốt phiên giao dịch 5/2, giá vàng thế giới giao ngay lên 2.866 USD/ounce. Trong phiên này, giá có thời điểm lập đỉnh mới tại 2.882 USD/ounce.

Sáng 6/2, vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng ở mức hơn 88,5 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 2,5 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Nhu cầu trú ẩn của nhà đầu tư trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục kéo giá vàng lên kỷ lục mới.
Kim loại quý tăng giá mạnh trong bối cảnh Mỹ hoãn áp thuế Mexico, Canada nhưng tiếp tục cuộc chiến thương mại với Trung Quốc với mức thuế 10% áp dụng từ ngày 4/2. Trung Quốc lập tức cũng trả đũa với mức thuế 10-15% đối với một số mặt hàng của Mỹ, đồng thời cảnh báo về một cuộc chiến thương mại sau đòn thuế của Mỹ.
Đây là lý do khiến dòng tiền tháo chạy khỏi nhiều kênh đầu tư và tìm kiếm sự an toàn ở vàng. Nhà đầu tư hiện lo ngại căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế các nước.
Ngoài ra, giá vàng cũng được hỗ trợ bởi thông tin từ Hội đồng vàng thế giới (WGC) về việc ngân hàng trung ương các nước mua hơn 1.000 tấn vàng trong năm 2024 - năm mua ròng thứ ba liên tiếp. Các ngân hàng này chiếm 20% tổng vàng được mua trong năm ngoái.
Tính tới hết 2024, sự kết hợp giữa giá vàng cao kỷ lục và khối lượng giao dịch đã làm tổng giá trị nhu cầu vàng toàn cầu đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 382 tỷ USD.
Giá vàng SJC có thể lên 100 triệu đồng/lượng năm 2025
Nhận định giá vàng năm 2025, các chuyên gia đưa ra những dự đoán khác nhau nhưng nhìn chung, xu hướng tăng giá sẽ tiếp tục được duy trì. Giá vàng thế giới được dự báo sớm vượt 2.900 USD/ounce và hướng tới 3.000 USD/ounce.
Nhiều yếu tố vẫn đang hỗ trợ giá vàng đi lên. Lạm phát gia tăng và căng thẳng kinh tế giữa Mỹ và các nước leo thang. Căng thẳng địa chính trị còn nóng bỏng.

Nhiều dự báo cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục mua vàng để dự trữ nếu chiến tranh thương mại leo thang.
Joseph Cavatoni, chiến lược gia thị trường tại WGC, cho biết trên Kitco News, dữ liệu tiêu dùng tiếp tục cho thấy vàng đã khẳng định lại vị thế là một tài sản tài chính toàn cầu quan trọng.
Theo chuyên gia này, sở dĩ ngân hàng trung ương các nước tiếp tục tăng mạnh mua vàng là bởi gánh nặng nợ chính phủ ngày càng tăng và bối cảnh địa chính trị thay đổi đáng kể. Nhu cầu vàng sẽ vẫn ở mức cao cho đến hết năm 2025, ngay cả khi giá vàng đã tăng cao.
Nhiều tổ chức dự báo vàng sẽ lên mức 3.000 USD/ounce, thậm chí 3.100 USD/ounce, trong nửa cuối năm 2025.
Trong kịch bản giá vàng thế giới lên 3.100 USD/ounce, giá vàng SJC trong nước có thể lên tới 95-100 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn tài chính Goldman Sachs cho rằng giá vàng có thể chạm mốc 3.000 USD/ounce vào tháng 12/2025 nhờ hai yếu tố chính: nhu cầu mua từ các ngân hàng trung ương, trong khi dòng tiền đổ vào các quỹ giao dịch trên sàn sẽ gia tăng theo chu kỳ khi Fed cắt giảm lãi suất.
Còn theo đánh giá của FIDT, trong bối cảnh tình hình địa chính trị và kinh tế toàn cầu vẫn phức tạp, vàng vẫn giữ vững vị thế là một tài sản quan trọng, xu hướng tăng giá được kỳ vọng sẽ duy trì trong năm 2025 nhưng với tốc độ khiêm tốn hơn so với năm 2024.
Trong khi đó, có 2 yếu tố có thể khiến giá vàng giảm, đó là các nỗ lực ngoại giao và hòa bình làm giảm rủi ro địa chính trị, kéo theo nhu cầu trú ẩn an toàn vào vàng giảm. Cùng với đó, sự nổi lên của tiền kỹ thuật số như một loại tài sản thay thế làm suy giảm vai trò lưu trữ giá trị truyền thống của vàng.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, giá vàng năm 2025 vẫn là ẩn số, bởi phụ thuộc vào chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng các vấn đề địa chính trị tại Ukraine và Trung Đông.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương đánh giá giá vàng 2025 vẫn tăng nhưng mức tăng chậm và chủ yếu tăng trong nửa đầu năm. Theo ông Phương, giá vàng hai quý đầu năm tới sẽ tăng lên 90 triệu đồng/lượng. Nhưng từ quý 3 trở đi, giá vàng thế giới chịu áp lực giảm thì giá vàng trong nước cũng giảm theo.
Còn TS. Nguyễn Minh Phong nhận định giá vàng sẽ ổn định hơn trong năm 2025, giá vàng trong nước lên xuống đồng điệu với thị trường thế giới. Chênh lệch giá trong nước và thế giới sẽ được thu hẹp. Từ đó, thu hẹp giá giữa các thương hiệu, loại vàng cũng như giá mua - bán sẽ được cải thiện.
Theo các chuyên gia, năm 2025, người dân không nên vội vàng “lướt sóng” vì thị trường đã minh bạch hơn. Vàng vẫn luôn là một trong những kênh đầu tư an toàn để tích trữ lâu dài. Nếu chạy theo đầu tư “lướt sóng” sẽ gặp nhiều rủi ro do tính bất định cao của thị trường.
Các chuyên gia FIDT khuyến nghị, nhà đầu tư chỉ nên phân bổ 5-10% tổng tài sản vào vàng để đa dạng hóa rủi ro. Không mua vào vàng miếng SJC nếu giá vàng miếng SJC chênh lệch quá cao so với giá vàng thế giới.