Giá vàng tăng liên tục, tiến lên đỉnh lịch sử 2.700 USD/ounce
Giá vàng thế giới đã lập đỉnh mới ở mức 2.468 USD/ounce. Giá vàng được dự báo sắp lên 2.700 USD/ounce, thậm chí có thể lên 3.000-3.500 USD/ounce.
Giá vàng thế giới tăng mạnh, lập đỉnh mới
Giá vàng trên thị trường thế giới gần đây lại "nổi sóng". Trong 5 ngày gần đây, giá vàng giao ngay đã tăng gần 100 USD.
Chốt phiên giao dịch 16/7, giá vàng thế giới giao ngay tăng 46 USD lên 2.468 USD/ounce. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, vượt kỷ lục cũ xác lập hồi tháng 5 là 2.450 USD/ounce.
Giá vàng quốc tế tăng cao trong bối cảnh có quá nhiều thông tin hỗ trợ cho mặt hàng kim loại này.
Thị trường tài chính quốc tế gần đây có nhiều thay đổi, đặc biệt là bước ngoặt chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cùng với vụ việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị ám sát hụt… đã nâng đỡ cho giá vàng.
Giá vàng tăng vọt vào phiên 16/7 trong bối cảnh Fed sẵn sàng đảo chiều chính sách tiền tệ và giới đầu tư đánh cược 100% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp ngày 18/9.
Giới đầu tư tin rằng Fed sẽ cắt lãi suất vào tháng 9 do chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 6 giảm 0,1%, đưa tỷ lệ lạm phát theo năm về mức thấp nhất trong 3 năm qua.
Thêm nữa, những phát biểu gần đây của Chủ tịch Fed Jerome Powell càng củng cố nhận định Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 9. Các nhà đầu tư đổ xô mua vàng sau các bình luận từ quan chức Fed về khả năng giảm lãi suất.
Ngoài ra, sức cầu gia tăng đối với vàng, đặc biệt từ việc các ngân hàng trung ương gia tăng mua vàng… càng củng cố sức mạnh của vàng.
Ngân hàng UBS cho hay, lượng mua vàng thỏi của ngân hàng trung ương các nước đang ở mức cao nhất kể từ cuối những năm 1960.
Ngoài yếu tố về triển vọng lãi suất, giới chuyên gia cho rằng việc ông Trump bị ám sát "hụt" có thể thúc đẩy dòng tiền vào kênh trú ẩn an toàn vào tuần tới.
Tỷ lệ chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đang tăng lên. Đây là yếu tố được cho là sẽ kéo đồng USD đi xuống và hỗ trợ cho mặt hàng kim loại quý.
Giá vàng thỏi đã tăng 17% trong năm nay bất chấp những trở ngại bao gồm lãi suất và lạm phát cao. Nguyên nhân đến từ lực mua mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương như một tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng.
Nhiều chuyên gia cho rằng giá vàng sẽ còn duy trì đà tăng từ nay đến cuối năm, nhất là khi Fed bắt đầu xoay trục chính sách tiền, giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế. Việc nhiều ngân hàng trung ương và nhà đầu tư tiếp tục mua vàng, đẩy giá vàng tăng lên.
Giá vàng sắp lên 2.700 USD/ounce?
Hồi đầu năm nay, Ngân hàng Bank of America đưa ra dự báo giá vàng lên 2.400 USD/ounce trong năm 2024, cao hơn kỷ lục 2.100 USD/ounce ghi nhận vào gần cuối năm 2023. Đến nay, dự báo này đã trở thành hiện thực.
Tại buổi công bố Nghiên cứu triển vọng doanh nghiệp năm 2024, ông Suan Teck Kin - Giám đốc Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu thuộc Tập đoàn UOB - nhận định giá vàng sẽ tiếp tục tăng.
Ông Suan Teck Kin cho rằng, giá vàng hiện ở mức 2.400 USD/ounce có thể tăng lên tới 2.700 USD/ounce vào giữa năm 2025. Nguyên nhân là do các nền kinh tế lớn như: Nga, Trung Quốc, Ấn Độ hay Brazil tăng mua dự trữ vàng nhằm mục tiêu dịch chuyển dần ra khỏi đồng USD trong các hoạt động thương mại quốc tế. Hiện tỷ lệ dự trữ vàng của Nga lên tới gần 25% tổng nguồn tiền dự trữ của quốc gia này.
Vào đầu năm nay, khi trả lời phỏng vấn CNBC, ông Aakash Doshi, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa Bắc Mỹ của Ngân hàng Citi, dự báo giá vàng thế giới có thể tăng vọt lên 3.000 USD/ounce trong năm 2024 hoặc 2025.
Theo ông Doshi, kịch bản này xảy ra nếu thị trường tiếp nhận 1 trong 3 chất xúc tác: các ngân hàng trung ương tăng mạnh hoạt động mua vào vàng, nguy cơ lạm phát đình trệ hoặc kinh tế toàn cầu suy thoái sâu.
Nhà phân tích của Citi nhận định kịch bản có khả năng xảy ra nhất khiến giá vàng vọt lên 3.000 USD/ounce là sự tăng tốc nhanh chóng của xu hướng phi đôla hóa của các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi, từ đó dẫn đến khủng hoảng niềm tin vào đồng USD.
Thêm chí, Chủ tịch Yardeni Research, Ed Yardeni, dự báo giá vàng có thể tăng cao tới 3.500 USD/ounce vào cuối năm tới.
Theo chuyên gia này, nguyên nhân là lạm phát có thể đi theo con đường tăng vọt như những năm 1970 và vàng thời kỳ đó đã tăng giá từ 35 USD/ounce lên mức cao nhất là 665 USD/ounce.
“Một vòng xoáy giá lương khác do giá dầu tăng sẽ gợi nhớ đến cuộc lạm phát lớn vào những năm 1970 khi giá vàng tăng vọt. Trong kịch bản này, mức giá 3.000-3.500 USD/ounce sẽ là mục tiêu thực tế đối với vàng cho đến năm 2025”, chuyên gia này nhận định.
Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia, giá vàng rất khó đạt tới mốc 3.000 USD/ounce trong thời gian tới.
PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng dự báo giá vàng có thể lên 3.000 USD/ounce chỉ mang tính tham khảo. Theo ông, giá vàng rất khó đạt tới mốc cao như vậy trong thời gian ngắn. Ông Long cho biết, để giá vàng lên đến mức 3.000 USD/ounce thì phải sau rất nhiều năm nữa.
Chuyên gia này cũng cho biết, đây là dự báo của một tổ chức kinh tế trên thế giới, không phải vì thế mà quá hoảng hốt. Thực tế vàng của Việt Nam không ảnh hưởng tới kinh tế vi mô lớn vì Nhà nước kiểm soát vàng rất chặt chẽ.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nhận định giá vàng vẫn tiếp tục tăng nhưng sẽ không lên tới 3.000 USD/ounce trong thời gian ngắn.
Trong phiên 17/7, khi giá vàng thế giới tăng cao thì Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên giá bán can thiệp vàng miếng khiến chênh lệch ngày càng rút ngắn.
Giá vàng thế giới hiện quy đổi theo tỷ giá Vietcombank tương đương gần 76,6 triệu đồng/lượng (đã tính thuế, phí). Như vậy, giá vàng miếng SJC hiện đã cao hơn giá vàng thế giới khoảng 400 nghìn đồng/lượng ở chiều bán (trước đó, có thời điểm giá SJC cao hơn thế giới 19-20 triệu đồng).
Giá bán vàng miếng ra thị trường vẫn bất động trong suốt 1,5 tháng qua, do Ngân hàng Nhà nước đang giữ nguyên giá bán can thiệp cho SJC và 4 ngân hàng quốc doanh. Hiện, chiều bán vàng miếng SJC ra thị trường được niêm yết "đồng giá" bởi tất cả thương hiệu được phép kinh doanh vàng miếng tại vùng giá 76,98 triệu đồng/lượng.