Giai đoạn 2011 - 2021, Vinamilk chi 62.754 tỷ đồng để trả cổ tức

CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) sẽ chi 5.120 tỷ đồng trả cổ tức phần còn lại của năm 2021 và tạm ứng cổ tức đợt 1/2022.

Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS), cổ tức của Vinamilk giai đoạn 2011 - 2021 (đơn vị tính: đồng/cổ phiếu).  
Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS), cổ tức của Vinamilk giai đoạn 2011 - 2021 (đơn vị tính: đồng/cổ phiếu).  

Cụ thể, thanh toán 950 đồng/cổ phiếu (tỷ lệ 9,5%) cổ tức còn lại năm 2021 và 1.500 đồng/cổ phiếu (tỷ lệ 15%) tạm ứng cổ tức đợt 1 của năm 2022. Theo đó, cổ đông sở hữu một cổ phiếu Vinamilk sẽ nhận được 2.450 đồng. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 6/7, ngày thanh toán cổ tức là 19/8.

Trong nhiều năm trở lại đây, Vinamilk luôn là doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền trị giá hơn 6.000 tỷ đồng mỗi năm, mỗi cổ phiếu nhận 3.800 - 6.000 đồng cổ tức (tương ứng tỷ lệ cổ tức 38 - 60%/năm) chưa kể phát hành cổ phiếu thưởng. Nguyên nhân giúp công ty duy trì được mức cổ tức tốt là kết quả luôn duy trì ở mức cao với lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) duy trì 4.556 - 6.981 đồng.

Năm 2021, công ty đạt 10.532 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng EPS ở mức 4.517 đồng và chia cổ tức 3.850 đồng/cổ phiếu (tỷ lệ 38,5%). Tổng số tiền để thực hiện chia cổ tức là 8.046 tỷ đồng. Như vậy, giai đoạn 2011 - 2021, Vinamilk đã chi 62.754 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.

Năm 2022, Vinamilk đặt mục tiêu 64.070 tỷ đồng doanh thu, tăng 5% so cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 9.720 tỷ đồng, giảm 7,7%. Cổ tức tiếp tục duy trì ở mức 3.850 đồng/cổ phiếu.

Đóng cửa ngày 23/6, cổ phiếu VNM của Vinamilk đạt 70.700 đồng/cổ phiếu giúp công ty có vốn hóa 147.760 tỷ đồng, xếp sau Vietcombank (359.198 tỷ đồng), Vingroup (282.994 tỷ đồng), Vinhomes (275.196 tỷ đồng), PV GAS (223.549 tỷ đồng), BIDV (156.814 tỷ đồng), Masan (156.610 tỷ đồng). Ở mức giá này, cổ phiếu VNM có tỷ suất cổ tức đạt 5,4%; chỉ số P/E đạt 14,43 lần, chỉ số P/B đạt 4,6 lần.

Nguyễn Như

Theo Chất lượng và Cuộc sống