Giải ngân vốn đầu tư công 650.000 tỷ: Tiêu chí lựa chọn?

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công thời điểm này là đúng đắn nhưng cần có ưu tiên lựa chọn các dự án, nhằm tránh những hệ lụy tiêu cực.

Trong các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ chưa điều chỉnh mục tiêu kinh tế - xã hội đặt ra trong năm 2020, thay vào đó tập trung thực hiện đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phấn đấu giải ngân 100% số kế hoạch vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và số kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020.

Theo tính toán, số tiền vốn đầu tư công đang chờ giải ngân lên đến khoảng 650.000 tỷ đồng (gần 30 tỷ USD) sẽ được tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn vào các dự án giao thông lớn trong năm nay.

Ủng hộ chỉ đạo trên, ông Vũ Đức Quyết - nguyên Giám đốc Sở Công thương Bắc Ninh nói rằng, nếu tiến độ giải ngân đầu tư công càng nhanh sẽ càng mang lại những tác động tích cực cho nền kinh tế.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, tại thời điểm nguồn vốn đang bị "ách tắc như hiện nay", nếu được khơi thông sẽ tạo ra công ăn việc làm, giải quyết cho bao nhiêu nhân công, lao động, giúp lưu thông dòng tiền, giữ ổn định an sinh xã hội.

"Có thể hiểu đơn giản như thế này, một dòng sông đang bị chặn, nếu được khơi thông không những giúp dòng chảy thông suốt mà còn giải quyết được nhiều vấn đề kèm theo", ông Quyết ví von.

Tiếp tục nhắc lại, những dự án đã nằm trong kế hoạch phải được tích cực giải ngân. Đây là giải pháp kịp thời, cần thiết, phải được triển khai sớm, ông Quyết kỳ vọng, giải pháp sẽ mang lại những tác động tích cực cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, nhìn từ chiều ngược lại, vị chuyên gia cũng đặt câu hỏi về tính hiệu quả của mỗi dự án khi cần xem xét được giải ngân vốn đầu tư công tại thời điểm này.

"Có hai vấn đề, một là lựa chọn dự án để giải ngân và hai là tính hiệu quả của dự án sau giải ngân mang lại.

Tôi được biết, nhiều dự án giao thông trọng điểm sẽ triển khai giai đoạn này như cao tốc đường bộ Bắc - Nam, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, dự án cất hạ cánh và đường lăn của hai cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất... Trong đó nhiều dự án đã được tính tới phương án chuyển từ đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang đầu tư công nhưng lại đề xuất cho phép áp dụng chỉ định thầu. Đây mới là vấn đề cần tư duy thận trọng.

Tôi đồng ý, về mặt tích cực dù với dự án nào khi được giải ngân chắc chắn sẽ mang lại những tác động tích cực trước mắt như tạo ra công ăn việc làm, tiêu thụ nguyên vật liệu, kích thích tăng trưởng kinh tế...

Tuy nhiên, nếu tính hiệu quả của dự án đó chưa rõ ràng hoặc như Bộ Tài chính từng nhận định nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm là do một số dự án không có khả năng thực hiện vẫn được đăng ký và giao vốn nên không thể giải ngân vì rất rủi ro. Cụ thể là dự án có thể sẽ mang lại hiệu quả, giúp tăng khả năng thu hồi vốn, nhưng nếu dự án không hiệu quả ngân sách sẽ mất tiền và không có khả năng hoàn vốn. Đây là hệ lụy sẽ có tác động tiêu cực tới giai đoạn đầu tư trung hạn, dài hạn cần phải tính", ông Quyết phân tích.

Từ lo ngại trên, ông Quyết đề nghị Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính phải rà soát, đánh giá tính hiệu quả của từng dự án để trình, tham mưu cho Chính phủ.

Kể cả với những dự án đã nằm trong kế hoạch giải ngân giai đoạn này và đã được phê duyệt, các cơ quan tham mưu vẫn có thể dựa trên những đánh giá, xem xét của các nhà tư vấn, các chuyên gia độc lập đánh giá lại tính hiệu quả của từng dự án khi quyết định.

Trên cơ sở tham mưu, các bộ ngành có thể trình Chính phủ xin ý kiến Quốc hội thay đổi dự án cần ưu tiên được giải ngân, hoặc không xem xét những dự án chưa cần thiết.

"Quan điểm của tôi là cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công thời điểm này nhưng không vì cứu tăng trưởng mà quyết tâm phải giải ngân cho bằng được, dự án nào cũng giải ngân, như vậy là mạo hiểm.

Nêu quan điểm như vậy, ông Quyết cho hay, một dự án đầu tư công mà không hiệu quả sẽ mang lại rất nhiều tác động tiêu cực. Ngoài những nguy cơ ngân sách bị mất vốn mà mục tiêu giải ngân là tạo công ăn việc làm cho người lao động cũng không đạt được.

Nói rõ hơn, ông Quyết phân tích, có thể khi giải ngân dự án sẽ có những tác động tích cực ban đầu, tạo tăng trưởng tại thời điểm đầu tư nhưng lại không giúp duy trì được tăng trưởng về sau. Hay nói cách khác là tạo tăng trưởng ảo, điều này sẽ gây những hệ lụy vô vùng lớn cho những chính sách điều hành vĩ mô về sau.

"Chúng ta không quá cầu toàn rằng, mục tiêu nào cũng phải hoàn hảo, suất sắc nhưng ở thời điểm khó khăn như hiện nay thì nên xem xét tới những yếu tố để ưu tiên. Có thể ở giai đoạn này chúng ta chấp nhận giải ngân để cứu dự án hay cứu những vấn đề về tâm lý xã hội, giúp xã hội tránh những bất an về bệnh dịch nhưng không vì thế mà bỏ qua những tính toán cho sau này. Mọi giải pháp cần phải hạn chế tối đa những tiêu cực của nó", ông Quyết nói.  

Theo Lam Nguyễn/ Báo Đất Việt

 

 

Link nguồn: https://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/giai-ngan-von-dau-tu-cong-650000-ty-tieu-chi-lua-chon-3399449/

Tin liên quan