Gửi tiền lãi suất 68%/24 tháng: Cần vào cuộc

Mức lãi suất hứa hẹn lên tới 68%/24 tháng của doanh nghiệp đang chứa đựng những điều

Lời mời chào về chương trình hợp tác kinh doanh và phân chia lợi nhuận theo ngày của một công ty BĐS đang gây sự chú ý.

Gửi tiền lãi suất 68%/24 tháng: Cần vào cuộc - Ảnh 1
Chương trình gửi tiền của một Công ty BĐS

Cụ thể, tại các sự kiện ra mắt và trên website của một công ty Bất động sản có xây dựng chương trình hợp tác kinh doanh và phân chia lợi nhuận theo ngày, với mức cam kết lợi nhuận lên đến 68%/24 tháng.

Theo người giới thiệu là chuyên viên hỗ trợ khách hàng tại văn phòng điều hành Tổng của Công ty BĐS, có địa chỉ tại Lô 2, C4, KĐT Nam Trung Yên, P. Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, chương trình tiền gửi bao gồm chi trả lãi suất và số tiền hoàn vốn 7%/tháng, áp dụng đến hết ngày 28/2. Theo đó, người gửi từ 20 triệu đồng đến 5 tỷ đồng sẽ được công ty trả lãi suất 68% trong vòng 24 tháng.

"Ví dụ, nếu người đầu tư gói 100 triệu, khi kết thúc sau 24 tháng số tiền người đầu tư nhận về bao gồm cả gốc và lãi là 168 triệu (tức là 100 triệu tiền gốc và 68 triệu là lợi nhuận thu về).

Công ty sẽ lập lệnh tự động với hệ thống ngân hàng, bắt đầu chi trả vốn và lãi vào tài khoản của người gửi sau 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tiền gửi. Theo đó, mỗi ngày người gửi sẽ được nhận về số tiền là 350 nghìn đồng. Người đầu tư được nhận tiền từ thứ 2 tới thứ 6 trong tuần, 1 tháng người gửi được nhận 20 lệnh chuyển tiền từ ngân hàng, số tiền nhận về tương đương là 7 triệu/tháng.

Đồng thời, người gửi từ 100 triệu đồng đến 5 tỉ đồng còn được tặng 1,5 - 150 triệu đồng", người này giải thích.

Nhân viên tư vấn còn nói thêm, với cách huy động tiền gửi của doanh nghiệp khách hàng rất an tâm bởi khi gửi tiền khách hàng sẽ được nhận tiền "tươi" theo ngày, như vậy cũng giúp giảm thiểu rủi ro cho khách hàng.

Ngoài ra, người này cũng khẳng định tài sản bảo đảm trả vốn và lãi cho người gửi tiền là chuỗi nhà hàng, khách sạn; nhiều quỹ đất có vị trí đắc địa tại Tây Ninh, Phú Quốc (Kiên Giang), Thanh Hóa, Hà Nội, Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk)... do công ty đứng tên, trong đó hàng trăm lô đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

"Doanh nghiệp xác định làm đúng, làm chuẩn, làm thật thì mới có khả năng chi trả lợi nhuận hàng ngày cho khách hàng như vậy được. Nếu một ngày Công ty không chi trả lợi nhuận cho khách hàng thì doanh nghiệp không thể phát triển được thương hiệu đến tận bây giờ", nhân viên này chấn an khi có băn khoăn về lợi nhuận quá cao thì doanh nghiệp lấy ở đâu ra để trả cho khách hàng.

Sai chức năng?

Nhìn nhận từ góc độ pháp luật, LS Trương Xuân Tám bày tỏ nhiều lo ngại. Trước hết, vị LS cho rằng mức lãi suất hứa hẹn lên tới 68%/24 tháng của doanh nghiệp đang chứa đựng những điều "hoang tưởng", nhiều rủi ro và có dấu hiệu bất thường, trái với quy luật kinh tế. 

"Không một doanh nghiệp nào có thể kiếm lợi nhuận cao tới như vậy để có thể chi trả lãi suất cho nhà đầu tư lên tới 34%/năm.

Kể cả đầu tư vào tiền ảo dù mức lợi nhuận lớn nhưng cũng có lúc lên, lúc xuống, không ổn định, do đó phải hết sức thận trọng", vị LS khuyến cáo.

Nhìn vào cách thức huy động tiền gửi của doanh nghiệp, vị LS cho biết, ông không nhìn thấy gì có thể bảo đảm được cho hình thức gửi tiền như vậy. "Nếu cứ đâm lao vào rất có thể người gửi sẽ bị sập bẫy lãi cao", vị LS lo lắng.

Với hình thức trả lãi và gốc theo ngày, vị LS cũng cho rằng đây chỉ là một chiêu thức trả trước, tạo niềm tin giả tạo cho khách hàng mà doanh nghiệp đang áp dụng. "Đây không khác nào doanh nghiệp đang lấy mỡ nó nuôi nó", tức là lấy chính tiền của người gửi để trả lãi cho người gửi. Điều này không thể khẳng định được điều gì", vị LS nói.

Về mặt quản lý, LS Trương Xuân Tám cho rằng cần phải xem xét chức năng huy động tiền gửi của doanh nghiệp có vi phạm pháp luật hay không.

"Các cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc làm rõ cách thức huy động tiền gửi của doanh nghiệp có đang làm thay chức năng của các tổ chức tín dụng hay không?

Doanh nghiệp gọi vốn đầu tư để lấy vốn kinh doanh thì phải xem xét rất kỹ vì với mức lãi suất quá cao như vậy đang ẩn chưa rất nhiều rủi ro, bất ổn, người đầu tư phải rất thận trọng.

Về phía các cơ quan quản lý cũng phải tiến hành thanh tra, kiểm tra làm rõ hình thức gọi vốn cũng như mức lãi suất cam kết doanh nghiệp đưa ra có bình thường không? Đồng tiền huy động được sử dụng như thế nào? Lợi nhuận, lãi suất của doanh nghiệp thu được ra sao...? Việc này nhằm tránh cho sự đổ vỡ, gây rối loạn trong xã hội; sự việc xảy ra rồi, doanh nghiệp cao chạy xa bay rồi mới vào cuộc là quá muộn", LS Trương Xuân Tám khuyến cáo.

 

Lam Nguyễn

Theo Đất Việt