Hà Nội đấu thầu hai khu đô thị 300.000 người trong kế hoạch 'hiện thực hóa giấc mơ thành phố bên sông'
Quy hoạch mới thành phố Hà Nội phát triển quay mặt vào sông, đồng thời tăng thêm quỹ đất trong bối cảnh thiếu hụt nhà ở trầm trọng trong trung các khu vực trung tâm như hiện nay.
Theo danh mục các dự án thu hồi đất năm 2024 của TP. Hà Nội, có nhiều dự án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Trong đó, có hai khu đô thị nằm trong quy hoạch Phân khu Sông Hồng.
Thứ nhất là dự án Khu đô thị thông minh – sinh thái rộng 268ha gần cầu Nhật Tân. Vị trí cụ thể của dự án là thuộc địa bàn các xã Tàm Xá, Vĩnh Ngọc, Xuân Canh, huyện Đông Anh.
Thứ hai là Khu đô thị sinh thái đa chức năng phục vụ du lịch sông Hồng nằm tại các phương Liên Mạc, Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm. Đây cũng là vị trí sát nơi sắp xây dựng cầu Thượng Cát nối Bắc Từ Liêm với Đông Anh. Khu đô thị này có diện tích 94 ha.
Theo tìm hiểu, đây là hai khu đô thị đầu tiên được triển khai lựa chọn nhà đầu tư kể từ khi Phân khu Sông Hồng được phê duyệt.
Phân khu sông Hồng được UBND TP Hà Nội quy hoạch theo Quyết định số 1045/QĐ-UBND ngày 25/03/2023. Quy hoạch khu đô thị sông Hồng là bước khởi đầu cho chặng đường hiện thực hóa giấc mơ thành phố hai bên sông Hồng. Hà Nội sẽ quay mặt vào dòng sông để phát triển, thay vì “quay lưng” để phát triển về phía Tây.
Phân khu đô thị sông Hồng có quy mô gần 11.000ha, trải dài từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín và Thanh Trì.
Dự báo quy mô dân số tối đa tại khu vực này đến năm 2030 vào khoảng 300.000 người. Trong đó, dân số hiện có giữ lại cải tạo chỉnh trang là 215.000 người, dân số đất nhóm nhà ở mới là 85.000 người.
Phân khu sông Hồng sẽ phân đoạn quản lý phát triển gồm 3 phân đoạn chính, trong đó từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì (đoạn R3-R4) là khu vực trung tâm của phân khu.
Việc quy hoạch phân khu đô thị được phê duyệt không chỉ đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của hàng nghìn cư dân sinh sống tại khu vực sông Hồng mà còn là mong đợi của toàn người dân Thủ đô. Hoàn thiện quy hoạch phân khu sẽ góp phần thúc đẩy quá trình điều chỉnh xây dựng thành phố cũng như phát triển Thủ đô trở nên văn minh, hiện đại, bền vững. Đặc biệt trong tình hình các khu vực trung tâm đang khan hiếm quỹ đất như hiện nay.