Hà Nội đề xuất đặt sân bay thứ 2 ở Thường Tín: Cơn sốt đất 'ăn theo' quy hoạch sân bay có bùng phát?
Nhiều người lo ngại cơn sốt đất ăn theo quy hoạch sân bay thứ 2 Hà Nội sẽ bùng phát như những gì diễn ra tại một số địa phương trước đó.
Mới chỉ là đề xuất, Bộ GTVT chưa biết gì về vị trí sân bay thứ 2 của Hà Nội
Mới đây, Hội đồng thẩm định Nhà nước đã thông qua Đề án quy hoạch mạng cảng hàng không - sân bay cấp quốc gia và đang trình Thủ tướng phê duyệt. Trong đó có quy hoạch sân bay thứ 2 của Hà Nội tại huyện Thường Tín.
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho rằng việc quy hoạch một sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô là định hướng, tầm nhìn phát triển hàng không cho tương lai nhằm giải quyết trường hợp sân bay Nội Bài bị quá tải. Vì theo tính toán, đến năm 2050 sản lượng khách qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài là khoảng 100 triệu lượt, khi đó dù đã mở rộng cảng hàng không này thì cũng khó đáp ứng được nhu cầu phát triển. Vì vậy, phải tính tới việc xây dựng sân bay số 2 tại Hà Nội.
Theo đề xuất, vị trí này có thể tránh được núi ở khu vực phía Tây, ít ảnh hưởng tới việc tiếp cận của máy bay khi về Nội Bài, đồng thời có thể nghiên cứu hướng đường cất-hạ cánh song song với đường cất-hạ cánh của sân bay Nội Bài. Hà Nội cơ bản đã thống nhất ở khu vực Thường Tín, vị trí xây dựng chi tiết sau này sẽ có quy hoạch cụ thể.
Trong khi đó, thông tin từ VOV.vn cho biết, tại hội thảo “Phục hồi và phát triển ngành hàng không Việt Nam trong bối cảnh mới” được tổ chức vào sáng 24/5, một lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, Bộ GTVT chưa biết gì về vị trí sân bay thứ 2 vùng Thủ đô ở Thường Tín. Đây là đề xuất của TP Hà Nội, việc này cần phải dựa trên nhiều yếu tố và nghiên cứu khoa học cụ thể và phải được xem xét của rất nhiều Bộ, ngành, phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bay. Đặc biệt là phải đảm bảo yếu tố an ninh, quốc phòng. Nên việc lựa chọn sân bay này cần nghiên cứu kỹ lưỡng, lãnh đạo Bộ GTVT khằng định.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, bước đầu được xác định sân bay thứ 2 sẽ được đặt ở phía Đông Nam của Thủ đô, tuy nhiên chưa có vị trí cụ thể. Việc quy hoạch sân bay thứ 2 nhằm có hướng mở để nghiên cứu xây dựng, nhằm giảm tải cho sân bay Nội Bài sau năm 2050.
Theo đó, muốn xác định vị trí cụ thể của sân bay thứ 2 này, sẽ cần có những nghiên cứu hết sức kỹ càng, đặc biệt là địa hình, khí hậu thuỷ văn, vùng trời trong mối tương quan với các đường bay với Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài...
Về đề xuất của TP Hà Nội, một số chuyên gia cho rằng, trước mắt, Hà Nội chưa cần thêm một sân bay dân dụng. Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn cho vài chục năm, thậm chí cả trăm năm thì vẫn cần có thêm một sân bay phục vụ cho vùng Thủ đô Hà Nội. Việc đề xuất quy hoạch vị trí sân bay là để phục vụ nhu cầu phát triển trong tương lai, chứ không phải là đầu tư ngay. Do vậy, việc xác định vị trí cụ thể xây dựng sân bay số 2 lúc này là quá sớm.
Cơn sốt đất “ăn theo” thông tin quy hoạch sân bay có bùng phát?
Trước khi đề xuất đặt sân bay tại huyện Thường Tín, năm 2021, tại văn bản gửi Bộ GTVT góp ý quy hoạch Cảng HKQT Nội Bài giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND TP Hà Nội khẳng định quan điểm muốn có sân bay thứ hai ngoài Nội Bài và phải được đặt tại Thủ đô. Lần đó, UBND TP Hà Nội bảo lưu quan điểm vị trí dự kiến quy hoạch CHKQT thứ hai tại khu vực huyện Ứng Hòa.
Lý do theo lãnh đạo Hà Nội vị trí này đảm bảo khoảng cách giữa sân bay Nội Bài phía Bắc và sân bay thứ hai phía Nam Thủ đô (54km), cách sân bay Miếu Môn, khu vực trường bắn Miếu Môn ở phía Tây Bắc khoảng 20km, cách các dãy núi đá Trung Sơn, Vĩnh An phía Tây khoảng 14km.
Liên quan đến câu chuyện sốt ảo đất đai ăn theo quy hoạch sân bay thứ 2 tại Hà Nội, thời điểm UBND thành phố Hà Nội có thông tin đề xuất xây sân bay thứ 2 tại huyện Ứng Hòa, truyền thông, báo chí rầm rộ đưa tin về thị trường bất động sản khu vực này đã trở nên sôi sục. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng trước những “tin đồn” này.
Vào thời điểm có đề xuất sân bay tại Ứng Hòa từ năm 2020, nhiều thông tin cho rằng sân bay dự kiến xây dựng tại 3 xã của huyện Ứng Hòa là xã Trầm Lộng, Đại Hùng và Đại Cường. Khi đó các nhà đầu tư đã về đây nhờ các văn phòng môi giới săn lùng đất ruộng xung quanh khu vực 3 xã này. Giá đất ruộng khoảng 20 - 30 triệu đồng/sào, đất thổ cư 2 triệu đồng/m2.
Bên cạnh đó, các môi giới BĐS cũng lan truyền thông tin về “cơ hội vàng” đầu tư BĐS tại đây và kêu gọi khách hàng gom đất số lượng lớn, chờ đất lên giá, hoặc hưởng lợi từ việc đền bù giải phóng mặt bằng khiến cho thị trường bất động sản khu vực này nóng lên.
Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Ứng Hoà khi đó cho biết, thành phố chưa có văn bản nào đề nghị huyện giới thiệu vị trí phù hợp để xây dựng sân bay quốc tế thứ 2 tại Thủ đô. Và bản thân huyện cũng chưa xác định được vị trí đất phù hợp để xây dựng sân bay. Đồng thời, lãnh đạo địa phương này cũng cho biết, các thông tin sốt đất chỉ là đồn thổi. Địa phương không ghi nhận giao dịch đất đai tăng, thậm chí đất nông nghiệp hầu như không có giao dịch.
Đáng chú ý, sau đó Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) đã hoàn thành báo cáo thẩm định Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gửi Bộ GTVT và Hội đồng Thẩm định quy hoạch. Trong đó, đơn vị này kiến nghị quy hoạch sân bay quốc tế Hải Phòng tại huyện Tiên Lãng, giai đoạn đến năm 2050 là sân bay thứ hai vùng Thủ đô.
Ngay sau thông tin này, giới đầu tư bất động sản lại râm ran câu chuyện đất cát tại Tiên Lãng, nhiều người lo ngại giới đầu tư và cò đất sẽ đổ vào đây tạo thành những cơn sốt ảo như cơn sốt khu vực ven sân bay như đã từng diễn ra trên thị trường trước đó. Tuy nhiên, thời gian sau đó, giá bán cũng như giao dịch bất đai khu vực này vẫn không có sự biến động.
Vì vậy, câu chuyện sốt đất “ăn theo” thông tin quy hoạch sân bay thứ 2 tại huyện Thường Tín theo đề xuất mới đây, nhiều nhà đầu tư nhận định sẽ không dễ bùng phát. Bởi đây là việc đầu tư mạo hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro khi việc xây dựng sân bay thứ 2 mới chỉ là đề xuất, chưa “chốt” được địa điểm xây dựng, thậm chí địa điểm đề xuất quy hoạch còn liên tục thay đổi.
Theo TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, việc đề xuất quy hoạch sân bay là câu chuyện dài hạn, từ việc địa phương đề xuất, các bộ ngành, Chính phủ có đồng ý hay không rồi còn phải trình ra Quốc hội xem xét,… có thể phải mất tới hàng chục năm mới trở thành hiện thực. Do đó, khi một địa phương mới chỉ có thông tin đề xuất xin bổ sung quy hoạch sân bay thì các nhà đầu tư không nên "cầm đèn chạy trước ô tô" bởi rủi ro là quá lớn.
Những cơn sốt ảo “ăn theo” quy hoạch sân bay
Câu chuyện sân bay thứ 2 vùng thủ đô Hà Nội gợi cho nhiều nhà đầu tư nhớ đến bài học sốt đất theo tin đồn xây dựng sân bay diễn ra tại một số địa phương trước đó. Điển hình như cơn sốt đất “ăn theo” tin đồn quy hoạch sân bay Téc Níc tại huyện Hớn Quản (Bình Phước), hay sốt đất ăn theo quy hoạch sân bay Phan Thiết (Bình Thuận) khiến thị trường bất động sản những khu vực này “chao đảo”.
Cụ thể, cơn sốt đất tại huyện Hớn Quản (Bình Phước) bùng lên ngay sau thông tin UBND tỉnh Bình Phước có chuyến khảo sát thực địa tại Hớn Quản vào ngày 19/2/2021 để có cơ sở đề xuất Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng và Chính phủ cho phép xây dựng sân bay lưỡng dụng (vừa phát triển kinh tế vừa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng).
Cơn sốt ảo này khiến giá đất mặt tiền ở các tuyến đường liên xã tại An Khương trước Tết từ 60-70 triệu đồng một mét ngang, đầu tháng ba tăng lên 350 đến 500 triệu đồng mét ngang, có nhiều nơi lên đến 600 triệu đồng. Giá đất rẫy điều, vườn cao su ở sâu bên trong rẻ hơn, trung bình một sào đất nông nghiệp bán 2-3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo UBND huyện Hớn Quản, dự án làm sân bay Técníc mới chỉ dừng lại ở việc các cơ quan chức năng đi khảo sảt thực địa. Lợi dụng thông tin này, nhiều người ở Bình Dương, TP HCM... đến tụ tập đông người, đẩy giá đất lên cao gấp nhiều lần khiến mất an ninh trật tự, làm cho nông dân bán đất sản xuất... sử dụng tiền không hiệu quả.
Cơn sốt đất "chóng vánh" quét qua địa phương này khiến nhiều nhà đầu tư và thị trường choáng váng khi chỉ diễn ra trong khoảng 2 tuần rồi vỡ bong bóng và hậu quả, hệ luỵ vẫn kéo dài sau đó…
Tương tự, tại Bình Thuận, ngày 5/3, Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận về việc triển khai thi công dự án sân bay Phan Thiết (xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết). Trong đó thông báo về việc Thủ tướng đồng ý cho sử dụng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để xây dựng sân bay Phan Thiết (phần thuộc quân sự), đồng thời đề nghị địa phương hối thúc nhà đầu tư BOT chuẩn bị các điều kiện, thủ tục để thi công dự án trong tháng 3.
Ngay sau khi có thông tin dự án sân bay Phan Thiết sắp được triển khai xây dựng, thị trường bất động sản khu vực này bắt đầu “nóng” lên với sự suất hiện của đông đảo “cò” đất, nhiều nhà đầu tư từ các thành phố lớn đồng loạt đổ về để tìm hiểu, trao đổi, giao dịch mua bán đất đai. Giá đất tại những khu vực này cũng tăng vọt chỉ trong một thời gian ngắn, theo thông tin từ các môi giới, hiện giá đất tại Phan Thiết đã tăng gấp 3 - 4 lần so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.
Thông tin từ người dân địa phương cho biết, đây đã là lần thứ 3 Phan Thiết xảy ra tình trạng sốt đất. Cứ mỗi lần có thông tin gì liên quan đến dự án sân bay sắp khởi công, là lại thấy dòng người kéo về tìm hiểu, đầu tư đất đai rất đông…
Thời gian qua, nhiều địa phương liên tục đề xuất bổ sung quy hoạch vị trí sân bay như Bắc Giang, Bắc Kạn, Đắk Nông, Ninh Bình, Hà Giang, Hòa Bình, Bình Phước, Kon Tum, Hà Tĩnh, Trà Vinh và Ninh Thuận nhưng đã bị Bộ Giao thông vận tải bác bỏ, do không đạt tiêu chí...
Bộ GTVT cho biết vẫn đang tổng hợp đề xuất của các địa phương về quy hoạch sân bay, sau khi có hội đồng đánh giá và lấy ý kiến các nhà chuyên môn xem xét, đưa ra những đánh giá về hiệu quả sẽ trả lời các tỉnh tiếp tục có đề xuất xây sân bay.
Dù vậy, thực tế cho thấy, dù việc quy hoạch sân bay có được xem xét, phê duyệt hay không nhưng những đợt sốt đất ăn theo các thông tin quy hoạch sân bay và nguy cơ bong bóng, nhiễu loạn thị trường bất động sản là có thật…