Hà Nội nghiên cứu xây dựng sân bay thứ hai tại khu vực phía nam

(KDPT) - Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu nghiên cứu định hướng phát triển không gian đô thị trung tâm, các thành phố phía bắc, phía tây của Thủ đô; nghiên cứu định hướng sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội tại khu vực phía nam TP.Hà Nội…

Ngày 26/4, tại hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội khoá 17, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, các nội dung đưa ra họp bàn tại hội nghị lần này mang tính định hướng chiến lược, căn cơ, lâu dài cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội nghiên cứu xây dựng sân bay thứ hai tại khu vực phía nam - Ảnh 1
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hanoi.gov

“Những nội dung trình hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến sự phát triển của Thủ đô chúng ta, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cho nhiều năm tới. Tôi đề nghị các đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng để hoàn thiện các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp”, ông Dũng nêu.

Bí thư Thành ủy cho rằng, lần lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô lần này là rất cấp thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô trước mắt và lâu dài theo định hướng của Bộ Chính trị.

Các đại biểu cần tập trung thảo luận, phân tích đánh giá và tham gia cụ thể về những mục tiêu, quan điểm, định hướng và các giải pháp trọng tâm, nhất là các định hướng chính được Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố nêu trong báo cáo.

Về nội dung cụ thể, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu thảo luận về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của Thủ đô Hà Nội, đề nghị tập trung cho ý kiến về các tiềm năng, lợi thế phát triển của Thủ đô, đặc biệt là phát huy yếu tố văn hiến, văn hóa thành nguồn lực mới góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô.

Về nội dung chính trong quy hoạch Thủ đô, đề nghị các đại biểu bàn kỹ, bàn sâu về 4 nguyên tắc lập Quy hoạch; 4 tư tưởng, triết lý; 5 nhóm quan điểm phát triển Thủ đô với 20 quan điểm cụ thể, toàn diện trên các lĩnh vực; 3 phương án kịch bản phát triển và mục tiêu phát triển Thủ đô; 3 khâu đột phá (về thể chế, về phát triển hạ tầng, về nhân lực); 2 vùng động lực phát triển Thủ đô (tại khu vực thành phố Bắc sông Hồng và tại khu vực thành phố phía tây); 8 phương hướng phát triển ngành, lĩnh vực; 7 phương án và 6 giải pháp thực hiện quy hoạch.

“Đây là các nội dung hết sức quan trọng, định hình Thủ đô của chúng ta trong 30 năm tới, vì vậy, đề nghị các đồng chí dành nhiều thời gian nghiên cứu và tham gia ý kiến chất lượng để Ban cán sự Đảng UBND thành phố tiếp thu, hoàn thiện”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Về báo cáo tình hình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020-2025 được đề ra tại Nghị quyết Đại hội lần thứ 17 của Đảng bộ Thành phố.

Hiện nay, Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5.2023).

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, cần bàn kỹ, bàn sâu và thể hiện rõ quan điểm đối với 12 vấn đề Ban cán sự đảng UBND thành phố trình xin ý kiến.

Đồng thời, tiếp tục tham gia, đóng góp các ý kiến cụ thể về những cơ chế, chính sách, việc phân cấp, phân quyền để tăng tính chủ động, tính tự chủ cho thành phố trong việc giải quyết các điểm nghẽn, các tồn tại, hạn chế trong phát triển Thủ đô trong thời gian qua.

Nghiên cứu các lĩnh vực liên quan đến chính sách tài chính - ngân sách, đất đai, đầu tư, cơ chế xử lý các dự án ngoài ngân sách chậm triển khai trên địa bàn Thủ đô; cơ chế thu hút nguồn lực xã hội; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; việc quy hoạch, thu phí, cho thuê lòng đường, vỉa hè...

Duy Khánh

Theo Kinh doanh và Phát triển