Hà Nội sẽ có thêm 2 ‘thành phố trong Thủ đô’, trở thành đô thị đặc biệt nhất Việt Nam
Hà Nội sẽ được tạo điều kiện đặc biệt để phát triển toàn diện, xứng tầm.
Sáng 23/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố 5 luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7. Các luật được công bố hôm nay gồm: Luật Đường bộ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Luật Thủ đô, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng.
Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua gồm 7 Chương với 54 Điều, quy định rõ vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 54 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Bổ sung 2 thành phố thuộc Thủ đô
Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất cho Hà Nội bổ sung 2 thành phố thuộc Thủ đô, đó là thành phố Bắc sông Hồng gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, lấy hạt nhân là sân bay Nội Bài, được định hướng trở thành thành phố logistics, dịch vụ. Thành phố thứ hai là thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học ở phía Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai với trung tâm là Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Với thành phố phía Bắc sông Hồng, theo định hướng phát triển đô thị đến năm 2045, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng thành phố này có diện tích khoảng 633km2, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính các huyện: Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh. Đến năm 2045, quy mô dân số của thành phố này khoảng 3,25 triệu người.
Đất xây dựng đô thị thành phố phía Bắc sông Hồng được quy hoạch khoảng 385km2, dân số 2,92 triệu người. Khu vực ngoài đô thị khoảng 248km2, dân số khoảng 0,33 triệu người; gồm 45 phường và 24 xã.
Với thành phố phía Tây, Hà Nội định hướng hạt nhân là khu Hòa Lạc có quy mô 251km2, dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu người. Trong đó, đất xây dựng đô thị khoảng 135km2, dân số 1,08 triệu người. Khu vực ngoại thị khoảng 116km2 với dân số 120.000 người. Thành phố phía tây được hình thành trên cơ sở các đô thị vệ tinh Hòa Lạc và Xuân Mai. Định hướng thành phố phía tây có 16 phường và 8 xã.
Sự ra đời của 2 thành phố này được kỳ vọng sẽ tạo ra những cực tăng trưởng mới, giúp kéo giãn dân cư khu vực nội đô.
Xây dựng khu phát triển thương mại và văn hóa
Tại khoản 7 Điều 21 nêu rõ, TP Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch. HĐNDTP quy định chi tiết thẩm quyền thành lập; trình tự, thủ tục thành lập; việc tổ chức, hoạt động, biện pháp quản lý đối với trung tâm công nghiệp văn hóa và các chính sách ưu đãi đối với trung tâm công nghiệp văn hóa sử dụng nguồn lực của TP.
Trên nền tảng các khu phố, tuyến phố, làng nghề và điểm dân cư nông thôn hiện hữu, Thủ đô Hà Nội được xây dựng khu phát triển thương mại và văn hóa. Mục tiêu của dự án là huy động nguồn lực từ xã hội để đầu tư phát triển các hoạt động dịch vụ, thương mại và văn hóa tại những khu vực có lợi thế về vị trí thương mại và không gian văn hóa.
Điểm đặc biệt của khu vực này là áp dụng các tiêu chuẩn cao hơn về văn hóa kinh doanh, an ninh trật tự và bảo vệ môi trường so với quy định chung. Nhờ vậy, khu vực này hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, góp phần phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy hoạt động thương mại và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống của Hà Nội.
Chính quyền chuyên nghiệp, tinh gọn, hiện đại
Về tổ chức chính quyền ở Hà Nội, Luật đã bảo đảm tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Theo quy định của Luật, chính quyền địa phương của Thủ đô được tổ chức theo hai cấp: cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc thành phố, xã, thị trấn. Mỗi cấp chính quyền đều bao gồm Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND). Riêng tại cấp phường thuộc Hà Nội, chỉ có UBND phường mà không có HĐND.
Về số lượng đại biểu HĐND, thành phố Hà Nội được bầu 125 đại biểu, trong đó tối thiểu 25% đại biểu hoạt động chuyên trách, tăng 30 đại biểu so với hiện nay. Thường trực HĐND thành phố Hà Nội hoạt động chuyên trách có không quá 11 thành viên, bao gồm Chủ tịch và tối đa 3 Phó Chủ tịch (tăng thêm 1 Phó Chủ tịch) cùng 4 thành viên Thường trực HĐND thành phố.
Nếu theo quy định tại Luật thì HĐND thành phố sẽ phải thực hiện tăng thêm trên 80 nội dung nhiệm vụ, quyền hạn. Do đó, việc tăng thêm số lượng đại biểu chuyên trách sẽ thêm sức mạnh cho bộ máy hoạt động để không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HĐND các cấp, bảo đảm thực chất và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.