Hạ tầng giao thông tại Hải Dương và Bắc Ninh đón tin vui nhờ ‘cầu nối’ 2.000 tỷ đồng
Dự án được giao cho Ban Quản lý dự án xây dựng giao thông Bắc Ninh làm chủ đầu tư thực hiện từ năm 2022-2025.
HĐND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 366/NQ-HĐND 10/05/2021 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương với tổng kinh phí gần 1.600 tỷ đồng.
Theo đó, dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương do Ban Quản lý dự án xây dựng giao thông Bắc Ninh làm chủ đầu tư thực hiện từ năm 2022-2025.
Dự án gồm hạng mục chính là đầu tư xây dựng cầu vượt Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu với chiều dài tuyến khoảng 13,4km, trong đó, điểm đầu tại Km0+00 giao với Quốc lộ 17 tại Km27+600 thuộc địa phận huyện Gia Bình, điểm cuối tại Km13+400 giao với Quốc lộ 37 tại Km77+400 thuộc địa phận tỉnh Hải Dương.
Phần cầu Kênh Vàng có chiều dài khoảng 740m, bề rộng dự kiến 23,5m được thiết kế quy mô vĩnh cửu, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực; phần đường dẫn hai đầu cầu có chiều dài 12,6km, mặt đường rộng 15m.
Tuy nhiên, để đảm bảo điều kiện thực tế khi triển khai dự án và theo điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách tỉnh Bắc Ninh 5 năm (2021-2025), HĐND đã ban hành Nghị quyết phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương với tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng lên 2.182 tỷ đồng, mức tăng chênh lệch với tổng đầu tư ban đầu là 592 tỷ đồng (tổng mức đầu tư cũ 1.590 tỷ đồng).
Dự án có vốn đầu tư từ vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 900 tỷ đồng. Phần còn lại được đầu tư từ vốn đầu tư công ngân sách địa phương và các nguồn khác (nếu có).
Trong đó, vốn ngân sách đầu tư công tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, để thực hiện giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Hải Dương là 519,134 tỷ đồng. Vốn ngân sách đầu tư công tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025 là 372 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là phần còn lại (391 tỷ đồng). Nghị quyết cũng điều chỉnh mặt cắt ngang nền đường và thời gian thực hiện từ 2022-2025 thành 2022-2027.
Lãnh đạo địa phương khẳng định, dự án cầu Kênh Vàng đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa hai tỉnh, bảo đảm giao thông thông suốt, giảm thời gian đi lại của người dân; đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối kinh tế - xã hội, phục vụ dân sinh giữa hai tỉnh.