Habeco: Mỗi ngày chi 1,5 tỷ đồng cho quảng cáo và khuyến mãi

Bình quân mỗi ngày trong 6 tháng đầu năm, Habeco đã chi gần 1,5 tỷ đồng cho quảng cáo, khuyến mãi và hỗ trợ, tổng cộng hơn 270 tỷ đồng đã được rút hầu bao.

Phục hồi sau quý I thua lỗ

Sau khi nếm trải mùi vị thua lỗ trong quý I, tình hình kinh doanh của Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HoSE: BHN) đã cải thiện ngay trong quý II với những tín hiệu tích cực.

Theo đó, doanh thu thuần của hãng bia tăng 10,9% so với cùng kỳ, đạt hơn 2.300 tỷ đồng. So với mức thực hiện quý I, doanh thu thuần của Habeco đã tăng thêm gần 1.000 tỷ đồng, tương đương tăng 76%. Lợi nhuận gộp tăng mạnh mẽ hơn ở mức 21,3%, đạt 643 tỷ đồng do doanh nghiệp cải thiện được biên lãi gộp, từ mức 25,5% (quý II/2023) lên mức 27,9%.

Habeco: Mỗi ngày chi 1,5 tỷ đồng cho quảng cáo và khuyến mãi - Ảnh 1

Doanh thu tài chính sụt giảm khá mạnh so với cùng kỳ, giảm 32% tương đương ghi nhận gần 40 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi cho vay dù các khoản tiền nhàn rỗi của Habeco (tiền mặt, tiền gửi ngân hàng) vẫn duy trì ở mức khá cao (hơn 4.250 tỷ đồng), thậm chí cao hơn mức cùng kỳ. Không ngoại trừ sự suy giảm của hoạt động tài chính đến từ các diễn biến lãi suất giai đoạn vừa qua.

Trừ đi các chi phí, Habeco báo lãi sau thuế quý II hơn 171 tỷ đồng, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2023. Dù lợi nhuận có phần sụt giảm, nhưng vẫn là điểm sáng của Habeco trong năm 2024 tính đến nay, vì hãng bia đã lỗ 21 tỷ đồng trong quý I.

Luỹ kế 6 tháng, Habeco đạt hơn 3.613 tỷ đồng doanh thu và gần 151 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 11,2% và giảm 18,3%.

Tăng chi để "tạo điểm nhấn" thương hiệu

Sở dĩ có sự biến động trái chiều trong doanh thu và lợi nhuận quý II và 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2023 (doanh thu tăng, lợi nhuận giảm) do Habeco đã khá mạnh tay trong việc chi tiêu, dẫn đến chi phí bán hàng ghi nhận gia tăng khá mạnh so với cùng kỳ.

Cụ thể, trong quý II, chi phí bán hàng tăng 43,6% so với cùng kỳ, đạt gần 340 tỷ đồng. Trong 6 tháng, con số này là hơn 570 tỷ đồng, tăng 29%. Nhìn kỹ vào chi phí bán hàng, có thể thấy chiếm tỷ trọng lớn nhất, cũng là nguyên nhân chính của sự gia tăng là chi phí cho quảng cáo, khuyến mãi và hỗ trợ.

Tổng cộng trong nửa đầu năm, Habeco đã chi hơn 270 tỷ đồng cho các hoạt động này. Theo chia sẻ của ban lãnh đạo hãng bia ở thời điểm quý I, định hướng năm 2024 của Habeco là triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp bán hàng nhằm tăng sức cạnh tranh, tạo điểm nhấn cho thương hiệu của hãng bia này.

Nguồn: Báo cáo tài chính Habeco
Nguồn: Báo cáo tài chính Habeco

Với số tiền 270 tỷ đồng đã chi trong 6 tháng đầu năm, bình quân mỗi ngày, Habeco đều tiêu tốn gần 1,5 tỷ đồng cho quảng cáo, khuyến mãi và hỗ trợ.

Chi mạnh tay cho quảng cáo cũng là chiến lược mà ông lớn ngành bia - Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) đã duy trì thực hiện trong nhiều năm để tăng độ phủ sóng của thương hiệu. Tuy nhiên, khác với Habeco, trong quý II và nửa đầu năm 2024 vừa qua, Sabeco đã tiết giảm mạnh tay các loại chi phí, bao gồm cả chi phí cho quảng cáo để đổi lấy sự tăng trưởng về lợi nhuận.

Sabeco ghi nhận doanh thu thuần quý II giảm 3%, đạt hơn 8.086 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng gần 9%, đạt hơn 1.318 tỷ đồng nhờ “đánh bay” hơn 280 tỷ đồng chi phí so với cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Sabeco lần lượt đạt gần 15.270 tỷ đồng và hơn 2.342 tỷ đồng, tương đương tăng 5% và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.

Quay lại với Habeco, năm 2024, hãng bia lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính đạt hơn 6.543 tỷ đồng, tăng 4,7% so với mức thực hiện. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu hơn 202 tỷ đồng, giảm 43%. Kế hoạch này phù hợp với định hướng tăng chi để tạo điểm nhấn thương hiệu của Habeco.

Sau 6 tháng, hãng bia đã hoàn thành gần 75% kế hoạch về lợi nhuận, tương đi đã được 3/4 chặng đường lợi nhuận mà ban lãnh đạo kỳ vọng. Nếu duỳ trì được đà tăng trưởng, nhiều khả năng Habeco sẽ vượt kế hoạch cả năm sớm hơn dự kiến của ban lãnh đạo.

Hải Đường

Theo VietnamFinance