Hàng loạt cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh trong phiên 2/11
Thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh vào cuối phiên 2/11 nhờ sự bứt phá của loạt cổ phiếu trụ cột. Nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao cũng bứt phá theo thị trường chung.
Tương tự như các phiên giao dịch trước, trong phiên ngày 2/11, thị trường chứng khoán Việt Nam biến động với biên độ hẹp cùng sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Các chỉ số duy trì được ở trên mốc tham chiếu nhờ lực đẩy của một số cổ phiếu trụ cột.
Tuy nhiên, thêm một phiên giao dịch nữa, nhà đầu tư chứng kiến thị trường biến động mạnh vào khoảng thời gian cuối giờ. Lực cầu bất ngờ dâng cao và kéo nhiều cổ phiếu trụ cột bứt phá, các chỉ số vì vậy cũng được kéo bật lên trên mốc tham chiếu. Cả VN-Index và HNX-Index đều đóng cửa ở mức giá cao nhất phiên.
Các cổ phiếu trụ cột như CTG, VJC, VCB, GVR, PNJ, VCG, ACB… đều tăng giá mạnh, trong đó, CTG tăng đến 4,8% lên 30.400 đồng/cp và khớp lệnh 5 triệu cổ phiếu, VJC tăng 3,7% lên 104.900 đồng/cp, VCB tăng 3,4% lên 85.800 đồng/cp. Một cổ phiếu thuộc nhóm Midcaps (vốn hóa vừa) là HSG tăng mạnh 6,3% lên 15.950 đồng/cp và khớp lệnh đến 15,6 triệu đơn vị. Ngoài ra còn phải kể đến sự bứt phá của nhóm phân bón khi VAF và DCM được kéo lên mức giá trần, LAS tăng 7,6%, DPM tăng 5,5%, BFC tăng 5%.
Chiều ngược lại, không có quá nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn giảm giá ở phiên 2/11, trong đó, các cổ phiếu dầu khí như PLX, GAS hay PVD biến động tiêu cực. PLX giảm 1,3% xuống 48.350 đồng/cp, GAS giảm 1% xuống 69.700 đồng/cp và PVD giảm 0,9% xuống 71.800 đồng/cp.
Việc thị trường khởi sắc vào cuối phiên đã lan rộng đến nhiều nhóm cổ phiếu trong đó có cả nhóm bất động sản. Các mã thanh khoản cao như FLC, OGC, HPX, FIT, ITA, HAR, DRH… đồng loạt bứt phá. FLC và OGC được kéo lên mức giá trần, HPX tăng 5,4% lên 28.100 đồng/cp, ITA tăng 5% lên 4.830 đồng/cp, HAR tăng 4,9% lên 4.290 đồng/cp, DRH tăng 3,4% lên 6.400 đồng/cp.
Dù vậy, một số cổ phiếu bất động sản đi ngược lại xu hướng khởi sắc của thị trường chung, trong đó, TNT bị kéo xuống mức giá sàn sau khi có 5 phiên tăng trần liên tiếp ở tuần trước đó. Bên cạnh đó, ASM giảm 2,8%, KDH giảm 2,4%, HQC giảm 1,8%.
Chốt phiên, VN-Index tăng 8,21 điểm (0,89%) lên 933,68 điểm. Toàn sàn có 304 mã tăng, 127 mã giảm và 59 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,53 điểm (1,13%) lên 136,87 điểm. Toàn sàn có 79 mã tăng, 54 mã giảm và 55 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,23 điểm (0,37%) lên 63,08 điểm.
Thanh khoản khớp lệnh trên hai sàn suy giảm so với phiên cuối tuần trước và tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 5.720 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 332 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 732 tỷ đồng. FLC, HQC và ITA là các cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường, trong đó, FLC đứng đầu với 32,8 triệu cổ phiếu. HQC và ITA khớp lệnh lần lượt 11,3 triệu cổ phiếu và 7,8 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại phiên 2/11 bán ròng trên cả 3 sàn giao dịch với tổng giá trị 511 tỷ đồng, riêng sàn HoSE họ bán ròng phiên thứ 28 liên tiếp với giá trị ở mức 507 tỷ đồng. Các cổ phiếu bất động sản như VRE, VIC, FLC hay VHM nằm trong top bán ròng của khối ngoại. Trong khi đó, HPX và TCH là 2 mã bất động sản nằm trong top mua ròng của khối ngoại với lần lượt 3,7 tỷ đồng và 3,4 tỷ đồng.
Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường hồi phục trong phiên đầu tuần nhưng với thanh khoản tiếp tục suy giảm và thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy lực cầu mua lên là không thực mạnh, chỉ số tăng điểm chủ yếu do hoạt động tiết cung.
Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index hiện kết phiên trong vùng 930 - 935 điểm (MA20), do đó khả năng chỉ số sẽ giằng co trong vùng này trước khi xác định xu hướng ngắn hạn tiếp theo có thể xảy ra trong phiên tới. Tuy nhiên, trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 11 tăng mạnh hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó nới rộng mức basis dương lên 4,73 điểm, cho thấy các nhà giao dịch trên thị trường phái sinh lạc quan về khả năng hồi phục của chỉ số.
SHS dự báo VN-Index có thể sẽ giằng co và đi ngang với biên độ trong khoảng 930 - 935 điểm (MA20). Những nhà đầu tư đã bắt đáy thăm dò một phần tỷ trọng danh mục trong vùng 930 - 935 điểm (MA20) trong phiên 28/10 nên tiếp tục quan sát, có thể giải ngân thêm một phần danh mục nữa nếu thị trường có nhịp giảm về ngưỡng hỗ trợ trung hạn quanh 910 điểm (MA50).
Trong khi đó, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo VN-Index sẽ tiếp tục có diễn biến tăng điểm trong một vài phiên kế tiếp. Chỉ số có thể kiểm định lại vùng kháng cự 940 - 950 điểm. Diễn biến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể tạo ra biến động khó lường đối với thị trường tài chính thế giới nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng. Mặt khác, kỳ công bố kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết đã đi đến giai đoạn thoái trào và không còn tạo ra ảnh hưởng đối với diễn biến thị trường chung. Trong thời gian tới, nhà đầu tư sẽ hướng sự chú ý đến các thông tin về kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2020 của các doanh nghiệp niêm yết.