Hàng tồn kho của loạt đại gia bất động sản tăng mạnh trong năm 2020
Hàng loạt đại gia bất động sản như Đất Xanh, Phát Đạt,… có hàng tồn kho tăng mạnh trong năm 2020.
Hàng tồn kho của nhiều đại gia bất động sản tăng mạnh
Năm 2020 là một năm khó khăn của các doanh nghiệp địa ốc khi nhiều công ty niêm yết trên sàn phải báo lỗ, lợi nhuận giảm và hàng tồn kho tăng mạnh.
Theo Báo cáo tài chính quý IV/2020 của CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG), tính tới 31/12/2020, tổng tài sản của Đất Xanh đã tăng 18% so với đầu kỳ lên 23.511 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng mạnh 51% ghi nhận 10.251 tỷ đồng, chiếm đến 55% tổng giá trị tài sản.
Các dự án thành phẩm tồn kho của Đất Xanh như Dự án An Viên, Dự án Luxgarden, Dự án Khu dân cư nút giao thông Phó Đức Chính và Ngô Quyền. Những dự án này đứng hình so với thời điểm năm 2019.
Năm 2020 cũng ghi nhận kết quả kinh doanh không khả quan của Đất Xanh khi doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ nặng. Công ty lỗ sau thuế 126 tỷ đồng và lỗ ròng 432 tỷ đồng trong khi năm trước hai chỉ tiêu lợi nhuận này lần lượt là lãi 1.886 tỷ đồng và 1.216 tỷ đồng.
CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) cũng là một trong những doanh ghiệp có hàng tồn kho cao, báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2020 của doanh nghiệp ghi nhận, ttính đến cuối quý 4/2020, tổng tài sản của Phát Đạt hơn 15.591 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm.
Trong đó, lượng tiền mặt của doanh nghiệp giảm mạnh từ 646 tỷ đồng ở đầu kỳ về 47 tỷ đồng cuối kỳ. Hàng tồn kho tăng 16%, chiếm gần 60% tổng tài sản với 9.308 tỷ đồng.
Ba dự án có giá trị tồn kho lớn nhất là The EverRich 2 (River City) hơn 3.603 tỷ đồng; Khu du lịch Bến Thành - Long Hải gần 1.988 tỷ đồng và Khu đô thị Du lịch sinh thái Nhơn Hội 1.451 tỷ đồng.
Tại Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Bất động sản An Gia, tính đến cuối quý 4/2020, hàng tôn kho tăng gấp 120% so với cuối quý 4/2019, ghi nhận 5.734 tỷ đồng, chiếm 59% tổng cộng tài sản của công ty.
Hàng tồn kho của An Gia chủ yếu ở Dự án The Sóng, Dự án The Westage, Dự án River Panorama1, Panorama 2, Dự án Sky 89, Dự án Signial… Các dự án này đang được An Gia dùng làm tài sản thế chấp cho các khoản trái phiếu đã phát hành.
CTCP Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG) cũng ghi nhận tồn kho tăng mạnh 40% lên 6.028 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng tài sản, chủ yếu nằm tại các dự án đang triển khai dở dang như Akari City (Tp.HCM), Waterpoint (Long An) hay dự án Paragon Đại Phước, Dự án Vàm Cỏ Đông, Dự án Novia… Trong đó có nhiều dự án quyền sử dụng đất được dùng thế chấp cho các khoản vay của nhóm công ty.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác cũng có tồn kho tăng như DRH Holding, TTC Land…
Gánh nặng và áp lực của doanh nghiệp
Hàng tồn kho bất động sản của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán bao gồm tồn kho của sản phẩm đã hoàn thành và tồn kho của sản phẩm đang xây dựng dở dang.
Trong đó, tồn kho sản phẩm đã hoàn thành là những bất động sản đã xây dựng hoàn thiện như căn hộ, nhà ở đưa ra thị trường nhưng không bán được, không được giao dịch trên thị trường. Tồn kho sản phẩm đang xây dựng dở dang là giá trị quỹ đất và chi phí dự án đang xây dựng.
Theo các chuyên gia, hàng tồn kho theo kế hoạch của doanh nghiệp và hàng tồn kho trong quá trình phân phối, lưu thông là điều bình thường. Nhưng hàng tồn kho đã đưa ra thị trường nhưng không được giao dịch, chưa tiêu thụ được sẽ làm mất tính thanh khoản của doanh nghiệp, trở thành gánh nặng của doanh nghiệp là rất đáng lo ngại.
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid 19 khó khăn, lượng hàng tồn kho lớn ảnh hưởng đến tính thanh khoản, không chỉ là gánh nặng cho doanh nghiệp mà còn là gánh nặng của nền kinh tế, thậm chí làm phá sản doanh nghiệp nếu không thể biến lượng hàng tồn thành tiền và giảm nợ.
Bên cạnh đó, hàng tồn kho là những bất động sản dở dang từ những dự án vướng pháp lý chưa thể triển khai, hoặc nhiều dự án thực hiện mãi không xong vì nhiều lý do cả về thủ tục pháp lý, vốn.. cũng gây sức ép lớn cho doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, bất động sản dở dang của doanh nghiệp còn có phần nguyên nhân do Covid 19 làm tiến độ dự án chậm lại từ đầu năm 2020. Một số dự án do chủ đầu tư tài chính yếu kém buộc phải chuyển nhượng dự án cho một bên thứ ba hoặc “thay máu” cổ đông để tiếp tục rót vốn cho dự án.
Về số liệu tồn kho bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng, những số liệu trên tương đối minh bạch nhưng chưa hẳn đã phản ánh đúng bản chất của lượng hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản trên cả nước vì nó chỉ đại diện cho những doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Còn nhiều doanh nghiệp khác chưa niêm yết…
Theo ông Châu, hàng tồn kho bất động sản tăng lên sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp nói riêng và cho nền kinh tế nói chung. Hàng tồn kho nằm trong nhóm dự án vướng mắc về pháp lý, bị dừng triển khai, không ra được sản phẩm cũng sẽ làm tăng gánh nặng chi phí, lãi vay và áp lực của doanh nghiệp ngày càng lớn…
Lượng hàng tồn kho lớn không bán được, không thể chuyển thành tiền khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn bởi một lượng vốn lớn đang “nằm chết” tại những dự án này.