Hàng tỷ USD quay vòng trên thị trường niêm yết khi "hàng khủng" lên sàn
Nếu nhìn vào giao dịch khối ngoại trên sàn niêm yết sẽ chỉ thấy động thái bán ròng liên tục từ đầu năm. Nhưng thực tế hàng tỷ USD đã được quay vòng để tham gia các thương vụ IPO của các "khủng long" trong 5 tháng đầu năm 2018.
Thực tế nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang rót tiền mạnh mẽ vào TTCK Việt Nam!
Từ đầu năm 2018, những thương vụ IPO các doanh nghiệp lớn của Việt Nam liên tục diễn ra và thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư cả trong và ngoài nước như Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Power, PV Oil, Techcombank, Vinhomes...
Mặc dù diễn biến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam thế hiện qua những sàn giao dịch tập trung và niêm yết từ đầu tháng 4 tương đối “ảm đạm” khi VN-Index sụt giảm gần 13% từ mức đỉnh, sức hút của khối ngoại với các doanh nghiệp IPO vẫn rất nóng.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 4 tháng đầu năm 2018, Việt Nam có tổng cộng 1.863 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp là 2,26 tỷ USD, tăng 67% so với cùng kỳ 2017.
Trong số này, có 1.087 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp, với giá trị vốn góp 1,56 tỷ USD và 776 lượt góp vốn mua cổ phần mà nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ, với tổng giá trị vốn góp 703,5 triệu USD.
Đáng chú ý nhất gần đây là thương vụ IPO của CTCP Vinhomes. Doanh nghiệp này đã hút dòng tiền khoảng 2,75 tỷ USD trong đợt chào bán ra công chúng lần đầu, trong đó nhà đầu tư nước ngoài “rót” hơn 2,5 tỷ USD.
Hay một đơn vị khác cũng nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư và chờ đợi ngày niêm yết là Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank). Trong đợt IPO chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài đã thu về tới gần 1 tỷ USD.
Việc những doanh nghiệp tiềm năng tiến hành IPO đã tạo nên tâm lý chờ đợi “cổ phiếu hot” lên sàn, khiến nhà đầu tư trong và ngoài nước có động thái cơ cấu lại tài sản, tái cơ cấu danh mục cổ phiếu tìm đến cơ hội mới, chính điều này đã ảnh hưởng phần nào đến thị trường chứng khoán tập trung, tác động đến giao dịch bán ròng của khối ngoại trên sàn niêm yết.
Động thái này đã từng xảy ra đối với một số trường hợp như VRE, BSR hay Vinhomes. Trong thời gian lên sàn hoặc IPO của các doanh nghiệp lớn, diễn ra tình trạng “VN-Index bị bán” trong một số phiên giao dịch bởi cả khối nội và ngoại.
Đơn cử như thời gian IPO của Lọc Hóa dầu Bình Sơn, VN-Index đã có đợt điều chỉnh mạnh, dòng tiền bị rút khỏi thị trường tập trung. Theo nhiều ý kiến của các môi giới tại CTCK, bên cạnh dòng tiền mới đổ vào mua cổ phiếu BSR, thì có một lượng không nhỏ bộ phận các nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục, bán cổ phiếu trên sàn để có tiền tham gia mua cổ phần BSR.
Tương tự là trường hợp CTCP Vinhomes (mã: VHM), thị trường đã trong tình trạng thái “đi xuống” gần 1 tháng, bên cạnh nguyên nhân do những bất ổn chính trị, kinh tế thương mại thế giới hay những tác động từ Mỹ thì một số môi giới tại các CTCK cho rằng, lý do còn đến từ việc nhà đầu tư cơ cấu danh mục, rút tiền chờ mua cổ phiếu VHM.
Theo số liệu ước tính, đợt IPO Vinhomes và Techcombank vào tháng 4, trong số 3,7 tỷ USD của nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào 2 đơn vị này, dòng tiền mới chiếm khoảng 73% (gần 2,7 tỷ USD). Như vậy, một lượng tiền không nhỏ đã được rút ra từ thị trường chứng khoán tập trung để đổ vào các đợt IPO.
Khi các đơn vị này niêm yết, đồng nghĩa dòng tiền này sẽ quay vòng trở lại thị trường chứng khoán tập trung.
Từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục mua ròng trên thị trường chứng khoán tập trung của Việt Nam. Tính đến phiên 17/05, khối ngoại đã mua ròng 9.066 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Tuy nhiên, tính từ đầu tháng 5, khối ngoại đang bán ròng khoảng 2.201 tỷ đồng.
Mặt khác, lượng vốn góp thông qua M&A của NĐTNN trong 4 tháng đầu năm đạt 2,26 tỷ USD, tăng 67%. Dòng vốn này đóng góp cho sự ổn định vĩ mô nhưng ít có tác động đến xu hướng của TTCK.
Theo Lê Hải Nhadautu.vn