Hết thời tiền rẻ, doanh nghiệp chịu thêm áp lực lãi vay

Trần lãi suất huy động có kỳ hạn vừa chính thức được tăng thêm 1%, theo đó hàng loạt ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động, chắc chắn lãi suất cho vay cũng sẽ bị tác động. Dự báo, lãi suất cho vay kỳ hạn 3 tháng có thể lên tới 9%/năm, 6 tháng lên tới 10%/năm trong thời gian tới.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, NHNN tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông nghiệp nông thôn. Điều này đã được các ngân hàng thực hiện rất tốt trong 2 năm qua với số tiền giảm lãi là 25.000 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, việc NHNN điều chỉnh lãi suất điều hành chậm hơn nhiều so với thế giới là sự cố gắng rất lớn về chính sách tiền tệ sau một thời gian dài chịu sức ép. Mức tăng lãi suất 1% của NHNN thời điểm này được đánh giá là rất cần thiết, không chỉ kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, mà còn giúp cải thiện thanh khoản ngân hàng.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, trong bối cảnh lạm phát, tỷ giá đang chịu áp lực lớn, việc tăng lãi suất để bảo vệ giá trị VND là điều chấp nhận được và khó có thể tránh khỏi. Điều đó có nghĩa, kỳ vọng giảm lãi suất cho vay đã không còn, mà điều mong mỏi của không ít doanh nghiệp hiện nay là lãi suất không tăng trong năm 2022. Bởi vì, đó là giai đoạn các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau một thời gian dài đình trệ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Quả thật, các ngân hàng cho rằng, dư địa giảm lãi suất không còn. Hiện chỉ có hai giải pháp để các ngân hàng có thể giảm thêm lãi suất, đó là tiết giảm chi phí hoạt động và nâng chất lượng danh mục tài sản để giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, chi phí hoạt động của các ngân hàng đã ở mức tối thiểu sau nhiều lần cắt giảm trong hai năm qua, trong khi đang phải đối mặt với rủi ro nợ xấu gia tăng. Dự địa càng hẹp hơn khi lạm phát đang có xu hướng tăng.

Lãi suất tăng, doanh nghiệp lại chồng thêm khó khăn.
Lãi suất tăng, doanh nghiệp lại chồng thêm khó khăn.

Về phía doanh nghiệp, lãnh đạo một công ty tại Hà Nội chia sẻ, khoản vay của công ty này sắp tới kỳ đáo hạn, đầu tuần này, nhân viên ngân hàng thông báo kỳ vay tới sẽ tăng lãi suất thêm 1% so với hiện tại. Lãi suất cho vay tăng sẽ khiến doanh nghiệp thêm gánh nặng chi phí trong bối cảnh nền kinh tế vừa phục hồi, giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao. Chúng tôi đang cơ cấu lại nguồn vốn cũng như sắp xếp lại các dự án, thay vì triển khai cùng lúc nhiều dự án như trước, chúng tôi sẽ tập trung vào một số dự án sắp hoàn thành, rồi mới triển khai tiếp để tiết kiệm vốn.

Đối diện với việc tăng lãi suất, lãnh đạo lo lắng sẽ tác động vào giá thành sản phẩm làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Lãi suất cho vay tăng sẽ cộng vào chi phí sản xuất, khiến đầu ra sản phẩm phải tăng giá. Vừa qua, giá sản phẩm của doanh nghiệp được điều chỉnh tăng, song cũng mang lại rắc rối khi mất một số khách hàng. Hiện, nhu cầu thị trường không cao, nếu tiếp tục tăng giá thì càng khó trong khâu tiêu thụ, dẫn đến hàng tồn kho. Còn không tăng giá bán, doanh nghiệp sẽ thua lỗ, đằng nào cũng mệt cả.

Tại phiên họp ngày 22/9, Thủ tướng đã yêu cầu NHNN cố gắng giữ ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, nên các chuyên gia nhận định các ngân hàng không thể tăng mạnh lãi suất cho vay, nhất là với các lĩnh vực ưu tiên, mà phải tiết giảm chi phí hoạt động. Tuy nhiên, với một số lĩnh vực không phải ưu tiên, lãi suất cho vay có thể tăng trong thời gian tới.

Ổn định lãi suất cho vay là mong muốn của doanh nghiệp, cũng như của Chính phủ. Giữ ổn định lãi suất cho vay trong khi lãi suất huy động tăng là bài toán khó của ngành ngân hàng. Song, mục tiêu này không phải không thực hiện được.

Thứ nhất, gói hỗ trợ lãi suất 2% quy mô 40.000 tỷ đồng mới giải ngân chưa đáng kể và dư địa còn nhiều. Thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ lãi suất sẽ làm trung hòa tác động tiêu cực của việc tăng lãi suất cho vay.

Thứ hai, NHNN vẫn còn nhiều công cụ để khuyến khích ngân hàng thương mại giữ mặt bằng lãi suất cho vay, như công cụ room tín dụng. Tuy vậy, mặt bằng lãi suất cho vay ổn định - nếu giữ được - cũng chỉ áp dụng với các lĩnh vực ưu tiên. Với các lĩnh vực khác, đặc biệt lĩnh vực rủi ro, lãi suất cho vay tăng là khó tránh. Đây là điều doanh nghiệp và cả nền kinh tế phải chấp nhận trong bối cảnh lạm phát và lãi suất toàn cầu tăng chóng mặt.

Trong bối cảnh này, TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính khuyến nghị, doanh nghiệp nên tái cơ cấu hoạt động sản xuất - kinh doanh, sử dụng tiết kiệm vốn cũng như đa dạng hóa nguồn vốn hơn. Nghị định 65/2022/NP-CP của Chính phủ vừa ban hành "dễ thở" hơn so với dự thảo trước đó được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp khởi động lại kênh huy động vốn bằng trái phiếu, giảm áp lực lên hệ thống ngân hàng.

Còn chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, Chính phủ cần nhanh chóng xem xét giảm mạnh một số loại thuế và phí để hỗ trợ doanh nghiệp, giúp giảm chi phí đầu vào. Cùng với đó đẩy nhanh và tính đến việc nới điều kiện cho vay với gói hỗ trợ lãi suất 2%, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn rẻ.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống