Hoàng Anh Gia Lai đặt kế hoạch lãi 1.320 tỷ đồng và xóa lỗ lũy kế

CTCP Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức đặt mục tiêu kinh doanh năm 2024 với 1.320 tỷ đồng lợi nhuận và phấn đấu cuối năm nay sẽ xóa được lỗ lũy kế.

 

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tổ chức vào 10/5/2024 ở TP.HCM.
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tổ chức vào 10/5/2024 ở TP.HCM.

Còn 1.669 tỷ đồng lỗ lũy kế

Năm 2023, Hoàng Anh Gia Lai đạt 6.442 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.664 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ.

Trong đó, doanh thu bán trái cây đạt 2.975 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2022 (YoY), tương ứng tăng 819 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 1.127 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp ở mức 37,9%.

Doanh thu bán heo đạt 1.964 tỷ đồng, tăng 15,7% YoY (+267 tỷ đồng). Lợi nhuận gộp đạt 65 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp ở mức 3,3%. Đáng chú ý là giá heo hơi giảm mạnh so với 2022 nên biên lợi nhuận gộp cũng giảm theo.

Doanh thu bán sản phẩm hàng hóa (chủ yếu là cung cấp vật tư, hàng hóa cho ngành nông nghiệp) đạt 1.102 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 8 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp ở mức 0,7%.

Trong năm vừa qua, Hoàng Anh Gia Lai đã bán Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai và kinh doanh khách sạn để thu về 357 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 97 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp ở mức 27,2%.

Năm 2023, Hoàng Anh Gia Lai không mở rộng diện tích trồng chuối, duy trì chăm sóc và thu hoạch 7.000 ha. Đối với cây sầu riêng, diện tích trồng mới đạt 500 ha, chăm sóc 1.500 ha đã trồng đến cuối năm 2023. Đối với heo ăn chuối, công ty không mở rộng thêm chuồng trại.

Tại thời điểm 31/12/2023, Hoàng Anh Gia Lai có vốn điều lệ 9.275 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 6.677 tỷ đồng, tăng 28,5% so với đầu năm; lỗ lũy kế ở mức 1.669 tỷ đồng.

Năm vừa qua, Hoàng Anh Gia Lai đã ký kết hợp tác toàn diện với Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank). Đây là sự kiện khởi đầu mối quan hệ chiến lược giữa hai bên hướng tới xây dựng, phát triển và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.

Với sự đồng hành của LPBank, Học viện bóng đá và Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai đã đổi tên thành Học viện bóng đá và Câu lạc bộ bóng đá LPBank - HAGL.

Năm 2024, mục tiêu doanh thu cao nhất lịch sử

Năm nay, Hoàng Anh Gia Lai dự kiến trồng thêm 2.000 ha chuối và 500 ha sầu riêng, nâng diện tích lên 9.000 ha chuối và 2.000 ha sầu riêng.

Đồng thời, mục tiêu doanh thu cao nhất lịch sử kể từ khi Hoàng Anh Gia Lai được thành lập đến nay là 7.750 tỷ đồng, tăng 20,3% YoY và lợi nhuận sau thuế 1.320 tỷ đồng, giảm 20,7% YoY. Trong đó, doanh thu cây trái là 5.540 tỷ đồng; heo ăn chuối 1.550 tỷ đồng; sản phẩm, hàng hóa 660 tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty còn đặt tầm nhìn đến 2023, Hoàng Anh Gia Lai sẽ trở thành công ty về nông nghiệp thuộc nhóm dẫn đầu Việt Nam với quy mô 30.000 ha; vươn tầm thành nhà cung ứng sản phẩm nông nghiệp ra nhiều nước khu vực châu Á.

Năm 2024 nói riêng và giai đoạn đến 2023, công ty vận hành theo mô hình “nông nghiệp tuần hoàn”. Hoàng Anh Gia Lai coi trọng việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và các giải pháp công nghệ nhằm tái chế phụ phẩm, chất thải trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi để phục vụ trở lại cho quá trình sản xuất nông nghiệp, hình thành nên chuỗi sản xuất khép kín. Mục tiêu là tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường tiến tới phát triển bền vững.

Trong cuối tháng 4 vừa qua, Hoàng Anh Gia Lai đã hoàn tất việc chào bán riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho 3 nhà đầu tư chiến lược là ông Lê Minh Tâm (mua 28 triệu cổ phiếu HAG, tỷ 2,6%), LPBS (mua 50 triệu cổ phiếu HAG, tỷ lệ 4,73%) và CTCP Tập đoàn Thaigroup (mua 52 triệu cổ phiếu HAG, tỷ lệ 4,92%). Ba cổ đông này đều liên quan đến LPBank.

Ngày kết thúc đợt phát hành là 19/4/2024, Hoàng Anh Gia Lai thu về 1.299,4 tỷ đồng và công ty đã hoàn tất sử dụng trong tháng 4 vừa qua. Cụ thể, hơn 355 tỷ đồng dùng mua lại trước hạn toàn bộ khoản nợ gốc và lãi trái phiếu do công ty phát hành ngày 18/6/2012, mã trái phiếu là HAG2012.300.

Gần 245 tỷ đồng dùng cơ cấu lại nợ cho công ty con CTCP Gia súc Lơ Păng thông qua hình thức cho vay để thanh toán các khoản nợ vay của CTCP Gia súc Lơ Pang tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).

Nguồn vốn 700 tỷ đồng còn lại, công ty bổ sung nguồn vốn lưu động và cơ cấu lại nợ cho công ty con Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai thông qua hình thức cho vay để hoạt động kinh doanh (bao gồm nhưng không giới hạn hoạt động mua bán vật tư nông nghiệp, trái cây, thức ăn chăn nuôi…) và thanh toán các khoản nợ.

Hoàng Anh Gia Lai đặt kế hoạch lãi 1.320 tỷ đồng và xóa lỗ lũy kế - Ảnh 1
Hoàng Anh Gia Lai đặt kế hoạch lãi 1.320 tỷ đồng và xóa lỗ lũy kế - Ảnh 2

Xóa hết lỗ lũy kế

“Lỗ lũy kế là ám ảnh của tôi và của cổ đông lâu năm của Hoàng Anh Gia Lai. Nên xóa lỗ là quyết tâm của tôi, từ con số mấy ngàn tỷ đồng giảm dần. Nhưng cũng vì lỗ lũy kế mà bị kiểm toán cảnh báo liên tục mấy năm nay. Nhiều quỹ lớn tâm sự với tôi, nếu Hoàng Anh Gia Lai xóa được lỗ lũy kế thì sẽ có nhiều quỹ đầu tư vào Hoàng Anh Gia Lai. Lỗ lũy kế đang là rào cản lớn của Hoàng Anh Gia Lai.

Chúng tôi không dám đưa vào kế hoạch, nhưng chúng tôi phấn đấu cuối năm nay sẽ xóa được lỗ lũy kế bằng nhiều cách, chứ lợi nhuận 1.300 tỷ đồng thì chưa thể xóa được. Hiện, chúng tôi chưa thể chia sẻ làm sao xóa được lỗ lũy kế, nhưng Hoàng Anh Gia Lai sẽ làm mọi cách để xóa được trong năm nay”, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai chia sẻ.

Ngoài việc xóa lỗ lũy kế, Hoàng Anh Gia Lai đang có kế hoạch IPO CTCP Chăn nuôi Gia Lai (vốn điều lệ 2.591 tỷ đồng, với 85% thuộc sở hữu của Hoàng Anh Gia Lai).

Ông Đoàn Nguyên Đức cho rằng, so với các công ty chăn nuôi khác đang niêm trên sàn chứng khoán như Dabaco, BAF thì CTCP Chăn nuôi Gia Lai không hề thua kém về giá trị, tài sản. CTCP Chăn nuôi Gia Lai hiện có quỹ đất 2.000 ha, đang chăn nuôi, có nhà máy thức ăn, có vườn cây…

Năm nay, diễn biến giá heo hơi theo chiều hướng tốt. Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu tăng đàn heo từ tháng 5-6/2024, trong đó có nguồn lực đến từ đối tác mới nên cũng đang làm rất quyết liệt.

Đối với mảng trái cây với sản phẩm chủ lực là sầu riêng và chuối, ông Đoàn Nguyên Đức nhận định: Năm nay, Hoàng Anh Gia Lai sẽ khai thác khoảng 300-400ha sầu riêng (150-200 cây/ha). Sang năm 2025, Hoàng Anh Gia Lai thu hoạch sầu riêng trên diện rộng.

Về sản phẩm chuối, công ty xuất khẩu được 20-25 container/ngày, thị trường Trung Quốc chiếm 55-60%; phần còn lại thuộc về thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản.

Nếu công ty nâng được tỷ trọng của thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc lên 50% thì rất ổn định nhưng rất khó vì yêu cầu của họ cao. Ngày xưa, để xuất được 2 container/tuần vào thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản thì làm không nổi, nhưng đến nay đã cải thiện rất nhiều. Từ 5-7 container/tuần ban đầu, thì hiện nay đã xuất 60-70 container/tuần và đang cố gắng nâng công suất đi hai nước này lên 100 container/tuần.

Nguyễn Như

Theo Chất lượng và cuộc sống