Hoàng Hà Mobile: Doanh thu lớn nhưng lãi nhỏ, nợ gấp 9 lần vốn chủ sở hữu
Là một trong những “ông lớn” trên thị trường trong mảng bán lẻ thiết bị di động và sản phẩm công nghệ, Hoàng Hà Mobile ghi nhận doanh thu gần 4.860 tỷ đồng trong năm 2023. Tuy vậy, DN này lãi không lớn và đang có nợ phải trả gấp 9 lần vốn chủ sở hữu.
Hé mở về chuỗi bán lẻ thiết bị di động Hoàng Hà Mobile
Theo giới thiệu trên website, Công ty cổ phần Xây dựng và đầu tư thương mại Hoàng Hà (Hoàng Hà Mobile) được thành lập vào năm 1996 tại TP Hà Nội. Năm 2004, Hoàng Hà Mobile chính thức trở thành nhà phân phối điện thoại di động chính hãng hợp tác với nhiều nhãn hàng lớn hàng đầu như: Samsung, OPPO, Nokia, Huawei,..
Khác biệt về chiến lược kinh doanh so với các hệ thống lớn như FPT Shop, Thế Giới Di Động khi chủ yếu bán hàng chính hãng, thì Hoàng Hà Mobile (được xếp vào nhóm các hệ thống di động cỡ trung) chọn cách kinh doanh cả máy chính hãng và xách tay, trong đó sản phẩm xách tay chủ đạo chính là iPhone.
Trong đó, hàng chính hãng được hiểu là các sản phẩm được nhập về, phân phối theo đường chính ngạch, hãng sản xuất (hoặc đơn vị ủy quyền) đứng ra bảo hành. Còn nhóm hàng "xách tay" được nhập theo đường tiểu ngạch, gom từ thị trường nước ngoài, đổ cho các cửa hàng. Ở đây, các cửa hàng kiêm luôn vai trò là nhà bảo hành sản phẩm.
Vào thời điểm năm 2012 - 2014, Nhật Cường Moblie được xem là cái tên đình đám trong làng bán lẻ di động ở Hà Nội, trong khi Hoàng Hà Mobile chưa thực sự nổi bật. Với tiềm lực mạnh, hệ thống của Nhật Cường Mobile nổi tiếng với những cửa hàng nằm ở vị trí đắc địa, bán điện thoại đắt tiền và độ phủ sóng lớn trên mọi phương tiện truyền thông.
Tuy nhiên, từ năm 2019,thị trường đã chứng kiến sự trỗi dậy và lớn mạnh của Hoàng Hà Mobile. Cũng trong năm 2019, Hoàng Hà Mobile chính thức hợp tác với ông lớn ngành viễn thông MobiFone Việt Nam mở chuỗi chi nhánh bán hàng liên kết, nâng tổng số chi nhánh tới hơn 60, đồng thời phủ khắp 30 tỉnh thành trên cả nước. Chỉ một năm sau đó (năm 2020), Hoàng Hà Mobile trở thành nhà bán lẻ ủy quyền chính thức của Apple tại Việt Nam.
Hiện nay, Hoàng Hà Mobile đang sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ với mạng lưới hơn 128 chi nhánh phủ khắp cả nước, trải dài từ Bắc vào Nam. Sau hơn 28 năm hình thành và phát triển, đến nay Hoàng Hà Mobile đã trở thành cái tên không còn xa lạ với người tiêu dùng trong nước.
Doanh thu nghìn tỷ, lãi vài trăm triệu
Theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư thương mại Hoàng Hà (Hoàng Hà Mobile) được thành lập vào cuối năm 2014, ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông.
Cập nhật mới nhất vào tháng 11/2022, vốn điều lệ Hoàng Hà Mobile là 120 tỷ đồng. Ông Hoàng Hữu Huỳnh đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật công ty.
Theo dữ liệu của VietnamFinance, năm 2023 doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Hoàng Hà Mobile đạt hơn 4.861,2 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 6 tỷ đồng so với năm 2022.
Năm 2023, doanh thu hoạt động tài chính của công ty bất ngờ tăng mạnh gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái lên 4,1 tỷ đồng. Trong kỳ, chi phí tài chính tăng cao và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt tương ứng là 57,6% và 42,6%.
Đáng chú ý, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Hoàng Hà Mobile năm 2023 âm 4,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái dương 3,7 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các chi phí, Hoàng Hà Mobile báo lãi sau thuế hơn 445,7 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với con số 4,58 tỷ đồng lãi sau thuế của năm 2022.
Tính trong 2 năm 2022 và 2023, Hoàng Hà Mobile đã thu về gần hơn 9.716,5 tỷ đồng doanh thu, tuy nhiên lợi nhuận ghi nhận trên sổ sách chỉ hơn 5 tỷ đồng.
Theo số liệu tài chính, trong năm 2023 số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp Hoàng Hà Mobile đã nộp hơn 235,4 triệu đồng; năm 2022 là 1,14 tỷ đồng. Một con số quá nhỏ bé khi đặt cạnh doanh thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp.
Hàng tồn kho tăng mạnh, nợ phải trả gấp 9 lần vốn chủ sở hữu
Tính đến thời điểm cuối năm 2023, tổng cộng tài sản của Hoàng Hà Mobile đạt khoảng 1.326 tỷ đồng, tăng thêm hơn 286,1 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Tập trung chủ yếu ở nợ ngắn với hơn 1.315,1 tỷ đồng. Biến động này đến từ việc hàng tồn kho của công ty tiếp tục “phình to” trong năm.
Tại ngày 1/1/2023, hàng tồn kho của Hoàng Hà Mobile ghi nhận hơn 823,6 tỷ đồng. Đến thời điểm cuối năm, danh mục này đã tăng vọt lên hơn 996,6 tỷ đồng, tăng thêm hơn 173 tỷ đồng, tương đương mức tăng 21% sau 12 tháng.
Nợ phải trả của Hoàng Hà Mobile tính đến ngày 31/12/2023 là hơn 1.194,4 tỷ đồng, tăng 31,4% so với hồi đầu năm. Trong đó, phải trả người bán ngắn hạn của công ty là hơn 814 tỷ đồng, tăng 38,6% so với số đầu năm.
Để có dòng tiền kinh doanh, Hoàng Hà Mobile phải tăng vay nợ. Theo đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của công ty ghi nhận hơn 370,12 tỷ đồng, tăng thêm hơn 60,5 tỷ đồng so với đầu năm.
Nợ vay tăng nhanh, nên trong năm 2023, Hoàng Hà Mobile đã phải dành đến hơn 24,1 tỷ đồng để trả chi phí lãi vay. Trong khi đó, năm 2022 số tiền đã chi là hơn 14,4 tỷ đồng và năm 2021 chỉ rơi vào khoảng 7 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Hoàng Hà Mobile là hơn 131,6 tỷ đồng. Như vậy, hiện hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của công ty là gấp hơn 9 lần.
Điều này cho thấy tài sản của Hoàng Hà Mobile được tài trợ chủ yếu bởi các khoản nợ. Trên thực tế, nếu nợ phải trả chiếm quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu có nghĩa là doanh nghiệp đi vay mượn nhiều hơn số vốn hiện có, nên doanh nghiệp có thể gặp rủi ro trong việc trả nợ, đặc biệt là doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn hơn khi lãi suất ngân hàng ngày một tăng cao.
Trên bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2023 của Hoàng Hà Mobile âm 6,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm tới 159,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 19,3 tỷ đồng, cùng kỳ âm 27,9 tỷ đồng.