Hoang Phuc International: Doanh thu trăm tỷ, lợi nhuận nhỏ giọt
Hoang Phuc International đang là một trong những nhà bán lẻ hàng hiệu lớn nhất thị trường với gần 50 cửa hàng trên cả nước, đưa lại doanh thu mỗi năm lên cả hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận doanh nghiệp đưa về trên sổ sách chỉ nhỏ giọt, thậm chí thua lỗ trong giai đoạn 2017-2021.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 30/08/2022, Công ty Hoàng Phúc Quốc Tế vừa hoàn tất huy động 11 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu kỳ hạn 24 tháng. Ngày đáo hạn là 3/6/2024. Các thông tin về lãi suất, điều kiện phát hành cũng như bên sắp xếp cho thương vụ này không được công bố. Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp này huy động vốn thông qua trái phiếu.
Lô trái phiếu của Hoang Phuc International là trái phiếu không chuyển đổi, được đảm bảo bằng 6,3 triệu cổ phần Công ty Hoàng Phúc Quốc Tế thuộc sở hữu của ông Bùi Văn Phúc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Doanh nghiệp đứng vai trò đăng ký và lưu ký trái phiếu này là CTCP Chứng khoán APG (APG).
Được biết, CTCP Đầu tư Hoàng Phúc Quốc Tế (Hoàng Phúc Quốc Tế) được ông Bùi Văn Phúc thành lập từ tháng 11/2017 với vốn điều lệ 5 tỷ đồng. Doanh nghiệp đăng ký ngành nghề chính “Bán lẻ hàng may mặc, giày dép, hàng da, và giả da trong các cửa hàng chuyên doanh”. Địa chỉ đăng ký tại 137 Nguyễn Trãi, phường Bến Thành, quận 1, TP. HCM.
Tháng 6/2018, Hoàng Phúc Quốc tế nâng vốn điều lệ lên 20 tỷ đồng, rồi nâng lên đạt 85 tỷ đồng vào tháng 10/2021.
Tính đến cuối năm 2021, ông Phúc đang sở hữu 70% cổ phần tại Hoàng Phúc Quốc Tế, bà Lê Thị Ngọc Linh giữ 29,5%, 0,5% còn lại do ông Bùi Hoàng Việt nắm giữ.
Cập nhật tại ngày 20/05/2021, Hoàng Phúc Quốc tế tiếp tục nâng vốn điều lệ lên mức 90 tỷ đồng. Hiện ông Phúc cũng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Tại thị trường trong nước, Hoang Phuc International đang là một trong những nhà bán lẻ hàng hiệu lớn nhất thị trường với gần 50 cửa hàng trên cả nước. Công ty này chuyên phân phối các sản phẩm của Kappa, Ecko Unltd, Superga, Replay, Staple.
Trước năm 2021, thương hiệu giày Dr. Martens nổi tiếng của Anh cũng được phân phối tại Việt Nam thông qua Hoang Phuc International.
Năm đầu tiên thành lập, Hoàng Phúc Quốc tế chưa ghi nhận doanh thu, năm 2018 chỉ tiêu này đạt khoảng 84 tỷ đồng, tăng lên gần 640 tỷ đồng vào năm 2019, rồi giảm về 346 tỷ đồng năm 2019, 495 tỷ đồng năm 2021.
Tuy doanh thu lên đến hàng trăm tỷ đồng, xong lợi nhuận Hoàng Phúc Quốc tế đưa về nhỏ giọt, thậm chí năm 2020 doanh nghiệp này còn báo lỗ gần 6 tỷ đồng, trước khi lợi nhuận dương trở lại mức 12 tỷ đồng năm 2021. Trước đó, năm 2018 và 2019, Hoàng Phúc Quốc Tế chỉ lãi vỏn vẹn 2 tỷ và 214 triệu đồng.
Ở phía nguồn vốn, nợ phải trả của Hoàng Phúc Quôc tế tăng nhanh trong thời gian qua. Năm đầu tiên thành lập, chỉ số này là 0 đồng, nhảy cóc lên 24 tỷ đồng năm 2018, rồi 141 tỷ đồng năm 2019 và năm 2021, tăng tiếp lên gần 177 tỷ đồng năm 2021.
Trong khi đó, nguồn vốn chủ sở hữu của Hoàng Phúc Quốc tế đạt 32 tỷ đồng vào cuối năm 2021.
Như vậy, hệ số nợ vay/vốn chủ tại doanh nghiệp lên tới 5,5 lần, cho thấy doanh nghiệp đang sở hữu đòn bẩy tài chính khá cao.
Dữ liệu cho thấy, Những năm gần đây, doanh nghiệp này thường xuyên phát sinh các giao dịch bảo đảm để thế chấp tài sản giá trị hàng chục tỷ đồng tại ngân hàng.
Như tháng 6/2020, Hoang Phuc International đã phát sinh một giao dịch bảo đảm với Vietcombank Chi nhánh Bình Tây. Trong đó, công ty dùng toàn bộ hàng hóa luân chuyển trong quá trình kinh doanh (quần áo, giày dép, phụ kiện thời trang và tất cả các loại hàng hóa khác… được định giá 50 tỷ đồng) để thế chấp với ngân hàng.
Đến tháng 8/2020, giá trị tài thế chấp được định giá lên 90 tỷ đồng và đến tháng 10 cùng năm tiếp tục tăng lên 120 tỷ đồng.