Hơn 95% ĐBQH tán thành việc 'rót' thêm 25.540 tỷ đồng cho 'sợi dây huyết mạch' Bình Phước - Đắk Nông

'Sợi dây huyết mạch' 128km kết nối Bình Phước - Đắk Nông được 95,47% đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành việc 'rót' thêm 25.540 tỷ đồng triển khai xây dựng.

Sáng ngày 28/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Theo đó, với 464/469 đại biểu Quốc hội tán thành (chiếm 95,47%) dự án này đã được thông qua với sơ bộ mức đầu tư là 25.540 tỷ đồng; trong đó số vốn ngân sách của Trung ương hơn 10.500 tỷ đồng, vốn ngân sách tại địa phương là 2.200 tỷ đồng và vốn nhà đầu tư tự thu xếp là 12.770 tỷ đồng.

Toàn cảnh Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Ảnh: Internet
Toàn cảnh Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Ảnh: Internet

Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ dự án được thực hiện từ năm 2024 và sẽ hoàn thành vào năm 2026, đưa vào khai thác và vận hành vào năm 2027.

Việc đầu tư tuyến cao tốc huyết mạch này nhằm mục đích tạo ra liên kết giữa hai vùng kinh tế trọng điểm là Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Phối cảnh một góc dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành trong tương lai. Ảnh: Internet
Phối cảnh một góc dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành trong tương lai. Ảnh: Internet

Tuyến cao tốc cũng được kỳ vọng sẽ kết nối các tỉnh như Bình Phước và Đắk Nông cùng các địa phương lân cận với TP. HCM, nhằm mở ra khoảng không gian mới cũng như động lực phát triển liên vùng.

Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ hỗ trợ phát triển ngành du lịch cũng như các ngành công nghiệp chế biến, khai thác khoáng sản cũng như định hình lại bộ mặt kinh tế của Tây Nguyên.

Phối cảnh một đoạn cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành trong tương lai. Ảnh: Internet
Phối cảnh một đoạn cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành trong tương lai. Ảnh: Internet

Theo quy hoạch, dự án này có tổng chiều dài 128,8km, được chia làm 5 thành phần dự án nhỏ. Phần đầu của dự án được triển khai theo mô hình đối tác công - tư (PPP) với hình thức hợp đồng BOT và có những cơ chế bảo lãnh đầu tư cũng như cơ chế phân chia lợi nhuận theo những quy định hiện hành của Luật Đầu tư.

Dự kiến, dự án được triển khai trên 1.111ha đất, gồm 12ha đất trồng lúa, 1.000ha đất nông nghiệp khác, 12ha đất ở và 46ha đất rừng sản xuất. Việc giải phóng mặt bằng sẽ được tiến hành một lần cho toàn bộ tuyến theo như quy hoạch đã được duyệt.

Tuyến cao tốc cũng được kỳ vọng sẽ kết nối các tỉnh như Bình Phước và Đắk Nông cùng các địa phương lân cận với TP. HCM. Ảnh: Internet
Tuyến cao tốc cũng được kỳ vọng sẽ kết nối các tỉnh như Bình Phước và Đắk Nông cùng các địa phương lân cận với TP. HCM. Ảnh: Internet

Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ được triển khai xây dựng với những công nghệ tiên tiến và hiện đại nhằm đảm bảo an toàn, đồng bộ cũng như hiệu quả, sẽ áp dụng hệ thống thu phí không dừng sau khi hoàn thành.

Quốc hội cũng đã quyết định sẽ áp dụng nhiều chính sách cũng như cơ chế đặc biệt cho dự án, trong đó nổi bật là việc kéo dài giải ngân ngân sách được phân bổ từ nguồn thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho đến hết năm 2026.

Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền sẽ có quyền xem xét và quyết định việc chỉ định thầu cho các gói thầu tư vấn, bồi thường cũng như hỗ trợ và tái định cư trong quá trình triển khai dự án.

Các nhà thầu sẽ không cần thực hiện thủ tục để cấp Giấy phép khai thác khoáng sản thông thường theo quy định Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng cho đến khi hoàn thành dự án. Ngoài ra, Quốc hội cũng quyết định nếu không cần thiết lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì các nhà thầu cũng không nhất thiết phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động của môi trường.

Trước đó tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra vào 17/6, việc đầu tư xây dựng đoạn đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây từ Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) đã được đưa ra thảo luận.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thăng cho biết dự án đường cao tốc này dự kiến sẽ có 6 làn xe, bắt đầu từ việc đầu tư 4 làn xe đạt chuẩn trong giai đoạn đầu và giải phóng mặt bằng sẽ thực hiện một lần cho cả 6 làn xe.

Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ GTVT, dự án này có hiệu quả về tài chính và thời gian thu hồi vốn tương tự như 3 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông mới hoàn thành và sắp được đưa vào triển khai thu phí.​

An Nhiên

Theo Chất lượng và cuộc sống