Huyện có đô thị đảo 9 tỷ USD của TP. HCM sắp thành vùng nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái cao cấp
Huyện Cần Giờ - huyện có KĐT du lịch lấn biển tại TP. HCM với mức đầu tư 9 tỷ USD phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành thành phố nghỉ dưỡng và khu du lịch sinh thái chất lượng cao tầm cỡ khu vực.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Bùi Xuân Cường đã ký ban hành quyết định số 2040/QĐ-UBND về kế hoạch thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn TP. HCM.
Theo đó, từ nay đến năm 2030 ưu tiên phát triển du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; phát triển KĐT ven biển; nuôi trồng và khai thác hải sản; khai thác năng lượng từ biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; nâng cao đời sống và sinh kế cộng đồng.
Tính đến năm 2030, huyện Cần Giờ cơ bản sẽ trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có tính cạnh tranh ở tầm khu vực.
Dự kiến đến năm 2050, tài nguyên biển và hải đảo sẽ được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nhằm đưa huyện Cần Giờ trở thành địa phương mạnh về biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển cũng như các hải đảo trong lành, xã hội hài hòa với thiên nhiên.
Trước đó vào tháng 9/2022, Thành ủy TP. HCM đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-TU (ngày 26/9/2022) về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030. Trong đó, xác định đến năm 2030, huyện Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực.
Đến tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 826/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ từ 600ha lên 2.870ha với tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỷ đồng (khoảng 9 tỷ USD).
Sở hữu diện tích 71.300ha với hơn 70.000 dân, huyện Cần Giờ là địa phương duy nhất của TP. HCM giáp biển với chiều dài 23km, có nhiều sông rạch và rừng ngập mặn, thuận lợi phát triển du lịch.
Huyện Cần Giờ được xem là "lá phổi xanh" của TP. HCM nhờ có rừng phòng hộ, hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050, TP. HCM đủ tiềm năng trở thành cực kinh tế biển lớn nhất Việt Nam và là điểm đến quan trọng của quốc tế trong chuỗi đô thị biển Đông Nam Á thông qua phát triển đô thị xanh biển Cần Giờ.