Nhà đầu tư 'bí ẩn' muốn rót 113.000 tỷ đồng làm siêu cảng Cần Giờ
Một nhà đầu tư vừa có đề xuất làm siêu cảng quốc tế ở TP.HCM với tổng vốn đầu tư hơn 113.000 tỷ đồng.
Nhà đầu tư đề xuất làm Cảng Cần Giờ
Thông tin gần đây từ UBND TP.HCM cho biết, một nhà đầu tư đã có hồ sơ đề xuất làm Cảng trung chuyển quốc tế ở Cần Giờ với tên gọi dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn.
Nội dung đề xuất của nhà đầu tư này phù hợp với nội dung Tờ trình về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, vị trí của dự án tiếp giáp luồng Cái Mép Thị Vải, khu đất có diện tích 571 ha thuộc địa phận Cù lao Phú Lợi (thường gọi là gò Con Chó hay cù lao Ông Chó), huyện Cần Giờ, TP.HCM.
Tổng chiều dài mặt sông khoảng 7,2 km, bến chính dài 6,8 km, khả năng tiếp nhận đồng thời 13 tàu mẹ trọng tải đến 250.000 DWT, sức chở 24.000 TEUs và tàu trung chuyển; bến sà lan dài 1,9 km: tiếp nhận tàu tải trọng đến 5.000 tấn, sức chở 250 TEUs (TEUs là đơn vị đo lường tương đương 1 container 20 feet tiêu chuẩn. Khi xác định sức chở của các loại tàu container, năng lực của cảng biển hay phương tiện xếp dỡ, người ta hay sử dụng đơn vị TEU).
Nhà đầu tư cho biết Cảng trung chuyển quốc tế Cửa ngõ Sài Gòn (SIGP) tại Cần Giờ sẽ bao gồm các dịch vụ liên quan đến khai thác cảng container cảng biển; thông quan; vận tải hàng hóa; phân tích, kiểm định kỹ thuật; các dịch vụ khác,...
Cũng theo hồ sơ đề nghị thực hiện dự án do nhà đầu tư lập, tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 113.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện 22 năm, chia làm 7 giai đoạn đầu tư. Tuy nhiên, Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.HCM yêu cầu phía nhà đầu tư có báo cáo rõ về nội dung tổng vốn đầu tư nêu trên.
Hiện danh tính của nhà đầu tư này chưa được Sở Kế hoạch & Đầu tư cũng như UBND TP.HCM công bố.
Cảng Cần Giờ - "mỏ vàng" tương lai của Việt Nam
Trong văn bản "Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" vừa được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm trong nhóm được định hướng ưu tiên đầu tư trong thời gian tới.
Cảng Cần Giờ càng hệ thống Cảng Cái Mép sẽ nâng tầm toàn bộ cụm cảng số 4 thành cảng biển quốc gia, tầm cỡ quốc tế, cạnh tranh với thế giới. Cụm cảng này kết hợp mới có thể phát triển hết tiềm năng vì lợi ích quốc gia. Từ đó, hiện thực hóa khát vọng Việt Nam trở thành "đại bàng" trong vận tải biển thế giới.
Cảng Cần Giờ được đầu tư xây dựng với mục tiêu tạo ra trung tâm trung chuyển quốc tế cho các tàu container cực lớn, từ đó phân phối nguồn hàng đi khắp thế giới. Trong năm đầu tiên sau khi vận hành, cảng dự kiến sẽ xử lý khoảng 2,1 triệu TEU. Theo kế hoạch đầu tư, sau 7 giai đoạn, cảng có thể đạt được công suất tối đa 16,9 triệu TEU vào năm 2047, tương đương một nửa sản lượng cảng Singapore hiện nay.
Cảng Cần Giờ cũng dự kiến sẽ tạo ra từ 6.000 đến 8.000 việc làm trực tiếp tại cảng, cùng hàng chục nghìn việc làm khác trong lĩnh vực dịch vụ hậu cần, logistics, và khu phi thuế quan. Vốn đầu tư của dự án do Tập đoàn MSC, một trong những hãng tàu container hàng đầu thế giới, đề xuất lên đến 129.000 tỷ đồng, tương đương 5,5 tỷ USD.
Khi hoạt động hết công suất, khu cảng đóng góp vào ngân sách từ 34.000 đến 40.000 tỷ đồng mỗi năm, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đối với Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, giới chuyên gia kỳ vọng “mỏ vàng” này sẽ giúp Cảng Sài Gòn tiến ra biển lớn, góp phần giúp TP.HCM - đô thị giàu top đầu Việt Nam tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm logistics của khu vực và châu Á như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore.
Một số vướng mắc cần tháo gỡ cho siêu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã liệt kê ra trước khi trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, gồm:
Đề xuất đầu tư dự án có quy mô sử dụng đất khoảng 576ha, trong đó có khoảng 93,3ha đất rừng phòng hộ và đất lâm nghiệp. TP.HCM cần đánh giá tác động của dự án đối với môi trường và đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Một vướng mắc khác cũng cần được tháo gỡ khi đầu tư Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là vị trí xây cảng chưa có kết nối giao thông đồng bộ, hạ tầng cung cấp điện, nước tại địa điểm thực hiện dự án hiện chưa được đầu tư theo quy mô, nhu cầu của dự án.