Huyện ít dân nhất của tỉnh giàu có nhất Việt Nam sắp có 4 đô thị, nơi Vingroup từng đặt dự án 20.000 tỷ đồng
Nhờ giáp ranh với tỉnh Bình Phước và Đồng Nai, được sông Đồng Nai và sông Bé bao bọc mà địa phương này phát triển cả về nông nghiệp lẫn công nghiệp và dịch vụ.
Huyện Bắc Tân Uyên được thành lập vào ngày 29/12/2013 theo Nghị quyết số 136/NQ-CP của Chính phủ. Đến năm 2020, huyện Bắc Tân Uyên có quy hoạch thêm 2 thị trấn và 8 xã như hiện nay. Theo niên giám thống kê 2022, huyện Bắc Tân Uyên có dân số trung bình là 86.482 người, là đơn vị hành chính cấp huyện có dân số trung bình thấp nhất trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, huyện lại đứng vị trí thứ 3 trong 4 huyện của tỉnh Bình Dương có mật độ dân số cao và dân số vẫn có dấu hiệu tăng mạnh qua từng năm khiến nguồn cầu về nhà ở càng gia tăng.
Vì vậy, theo Quy hoạch của tỉnh Bình Dương, giai đoạn đến năm 2030, trên địa bàn huyện sẽ có 4 đô thị gồm thị trấn Tân Thành đạt tiêu chí đô thị loại IV; thị trấn Tân Bình đô thị loại V; công nhận đô thị Bình Mỹ và đô thị Tân Lập là đô thị loại V; xây dựng các đô thị hiện đại và bền vững, hướng đến đô thị loại IV.
Trong giai đoạn 2030-2050, nâng cao các tiêu chí của đô thị Bắc Tân Uyên đạt đô thị loại IV, thành lập thị xã Bắc Tân Uyên. Dự báo quy mô dân số trên địa bàn huyện đến năm 2030 đạt khoảng 180.000-250.000 người, đến năm 2040 khoảng 300.000 người.
Bắc Tân Uyên có tốc độ đô thị hóa nhanh, hạ tầng giao thông đồng bộ, bám sát vào trục đường huyết mạch Vành đai 4 hướng Đông – Tây của tỉnh Bình Dương và huyện Bắc Tân Uyên.
Trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên có 4 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 73,02km. Trong đó, đường tỉnh ĐT747a được tỉnh Bình Dương đầu tư nâng cấp, mở rộng và đã đưa vào sử dụng với quy mô 4 làn xe. Huyện cũng đang lập hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng đường DT746 đoạn từ Cầu Gõ (Tân Mỹ) đến bến đò Hiếu Liêm và đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa.
Ngoài ra còn có 10 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 59,7km, đã thực hiện nâng cấp, mở rộng với kết cấu bê tông nhựa. Cụ thể, tuyến đường ĐH411 được Bình Dương đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng với chiều dài 12,171km, quy mô 6 làn xe với tổng kinh phí đầu tư 558,193 tỷ đồng; đường ĐH414 có chiều dài 7,74km được huyện Bắc Tân Uyên đầu tư với tổng kinh phí 26,812 tỷ đồng; đường ĐH415 được nâng cấp, mở rộng với tổng kinh phí 29,8 tỷ đồng; đường ĐH429 được đầu tư mới với tổng kinh phí 425 tỷ đồng…
Huyện cũng đang tiếp tục đầu tư nhiều công trình mới như vành đai 4, vành đai trong, tuyến metro thành phố mới Bình Dương – Uyên Hưng – Tân Thành, metro Dĩ An – Tân Uyên… Sắp tới còn có thêm tuyến cao tốc TP.HCM – Lộc Ninh đi qua Bắc Tân Uyên. Đây được coi là động lực chính trong phát triển kinh tế – xã hội của toàn huyện và là điểm tựa cho thị trường BĐS phát triển.
Tình hình bất động sản của Bắc Tân Uyên
Bắc Tân Uyên từng là địa điểm sáng Tập đoàn Vingroup quy hoạch dự án khu đô thị sinh thái 20.000 tỷ đồng. Sau đó, vào năm 2022, tập đoàn đã chủ động xin rút đề xuất quy hoạch dự án này. Được biết, dự án thuộc diện điều chỉnh quy hoạch chung của huyện Bắc Tân Uyên đã được cơ quan tổ chức hoàn thiện và báo cáo hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh, do đó không còn phù hợp với thời điểm hiện nay.
Đến nhiên, hiện nay thị trường bất động sản Bắc Tân Uyên vẫn đang có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển khi đây là một trong 4 huyện của tỉnh có tốc độ kinh tế phát triển hàng đầu cả nước.
Nhờ giáp ranh với tỉnh Bình Phước và Đồng Nai, được sông Đồng Nai và sông Bé bao bọc mà địa phương này phát triển cả về nông nghiệp lẫn công nghiệp. Quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn huyện có diện tích khoảng 26 nghìn ha, chiếm hơn 65% diện tích đất tự nhiên và có thể được chuyển đổi sang đất khu công nghiệp và để hình thành các khu công nghiệp tập trung.
Bên cạnh đó, đường vành đai 4 với chiều dài 197,6km đi qua 5 tỉnh là tuyến đường huyết mạch của Bắc Tân Uyên dự kiến sẽ hoàn thành trước năm 2025 cũng là một động lực phát triển kinh tế xã hội của huyện và của cả tỉnh Bình Dương.
Bắc Tân Uyên hiện đang thu hút 466 doanh nghiệp trong nước với tổng số vốn đầu tư 7.809,5 tỷ đồng. Theo quy hoạch đã duyệt, sau năm 2020, các khu công nghiệp trên địa bàn huyện có tổng diện tích khoảng 2.208 ha với 5 khu công nghiệp và 1 cụm công nghiệp. Trong đó, khu công nghiệp KSIP-KSB có quy mô gần 350 ha, được đầu tư hơn 4.000 tỷ, quy hoạch mở rộng lên 550ha.
Cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai dự án khu công nghiệp VSIP 3 rộng 1.000 ha với tổng mức đầu tư 6.407 tỷ, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển thị trường bất động sản công nghiệp nơi này, khiến giá bất động sản tăng 30-50% so với năm 2017. Nhiều dự án khu đô thị cũng được hình thành như khu thương mại dịch vụ Tân Uyên Business Cente, khu nhà ở Bình Mỹ 2, Tân Lập Garden Bình Dương…
Theo như báo cáo của Tổng cục Thống kê, dựa vào các chỉ số GDP bình quân đầu người năm 2023 thì tỉnh Bình Dương là tỉnh giàu nhất Việt Nam với mức GDP bình quân đầu người đạt 113 triệu đồng/người/năm.