Imexpharm: Bán bớt tài sản dồn tiền xây tổ hợp dược phẩm 1.500 tỷ đồng
Imexpharm mới đây đã xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc triển khai dự án Tổ hợp nhà máy dược phẩm Cát Khánh tại Đồng Tháp.
Imexpharm: Thanh lý loạt tài sản
Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP) vừa thông qua việc thanh lý một số cổ phiếu/cổ phần đầu tư và tài sản không còn sử dụng.
Cụ thể, Imexpharm không còn nhu cầu tiếp tục nắm giữ cổ phiếu/cổ phần của 3 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Dược phẩm TW Vidipha (HoSE: VDP), Công ty Cổ phần Dược phẩm TW 25 (UPCoM: UPH) và Công ty Cổ phần Dược phẩm Mephydica. Trong đó, Imexpharm sẽ giao dịch khớp lệnh trực tiếp trên thị trường đối với VDP và UPH, cháo bán cho các cổ đông lớn đối với Mephydica.
Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2024 đến năm 2025.
Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên, tính đến hết tháng 6/2024, Imexpharm nắm giữ 21.600 cổ phiếu VDP với giá gốc 503 triệu đồng, giá trị hợp lý tại thời điểm đó là 799 triệu đồng. Hiện VDP đang giao dịch ở mức giá 33.000 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị hợp lí 712,8 triệu đồng. Điều này đồng nghĩa với việc Imexpharm đang lãi gần 210 triệu đồng nếu bán hết cổ phiếu VDP ở thời điểm hiện tại.
Ngược lại, Imexpharm nắm giữ 1.450 cổ phiếu UPH với giá gốc 114,55 triệu đồng. Tại thời điểm lập báo cáo, giá trị hợp lý của khoản đầu tư này là 13,48 triệu đồng, doanh nghiệp cũng đang trích lập dự phòng giảm giá 101 triệu đồng.
UPH hiện đang giao dịch ở mức 8.400 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị hợp lí ở thời điểm hiện tại là 12,18 triệu đồng. Như vậy UPH có thể phải gia tăng trích lập dự phòng cho khoản đầu tư này.
Với Mephydica (tên gọi khác Công ty Cổ phần Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười), Imexpharm nắm giữ 330.800 cổ phần của công ty này (tính tới giữa năm 2024) với giá gốc là hơn 3,8 tỷ đồng.
Về các tài sản không còn sử dụng, Imexpharm sẽ thanh lý tổng cộng 6 bất động sản là căn hộ B2302 Sora Gardens (Bình Dương), nhà nghỉ chuyên gia C8 khu biệt thự Tuyết Ánh (Củ Chi, TP. HCM), chi nhánh Tây Ninh, chi nhánh Cửu Long 2 (Sa Đéc, Đồng Tháp), chi nhánh Bình Tân (TP. HCM) và quyền sử dụng đất tại Phan Thiết (Bình Thuận).
Doanh nghiệp sẽ chào giá công khai theo giá thị trường, dự kiến từ năm 2024 đến năm 2025.
Dồn lực cho tổ hợp dược phẩm 1.500 tỷ đồng
Theo Imexpharm, việc thanh lý các tài sản nêu trên nhằm thu hồi vốn đầu tư để tập trung cho dự án mới. Mới đây, doanh nghiệp đã thông qua việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để triển khai tổ hợp nhà máy dược phẩm Cát Khánh tại Đồng Tháp.
Được biết, diện tích đất sử dụng của dự án là 97.602,1m2, quy mô dự án dự kiến là 25.000m2, công suất thiết kế 1,4 tỷ đơn vị sản phẩm. Nhà máy dược phẩm sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn EU-GMP tại cụm công nghiệp Quảng Khánh (giai đoạn 1), thuộc xã Mỹ Trà, TP. Cao Lãnh và xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Tổng mức vốn đầu tư của dự án là 1.495 tỷ đồng, bao gồm 20% vốn chủ sở hữu (300 tỷ đồng) và 80% vốn vay (1.195 tỷ đồng).
Về tiến độ, tổ hợp dược phẩm này dự kiến hoàn thành thủ tục pháp lý vào quý I/2025, khởi công xây dựng vào quý III/2025, hoàn thành xây dựng vào cuối năm 2028 và đưa vào vận hành từ tháng 12/2028 – quý I/2030.
Được biết, Imexpharm đã đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 10-15% trên thị trường thuốc không kê đơn, với ít nhất 100 sản phẩm mới và tăng trưởng 20-30% trên thị trường thuốc kê đơn với gấp đôi số lượng khách hàng.
Imexpharm kỳ vọng tối đa công suất của cả 4 nhà máy bằng cách thêm những hợp đồng sản xuất gia công và hợp đồng xuất khẩu. Trong dài hạn, Imexpharm đã công bố sẽ hợp tác với công ty Hàn Quốc SK Plasma và Genuone Sciences để sản xuất những danh mục thuốc mới (ngoài danh mục thuốc kháng sinh) như thuốc tim mạch và tiểu đường. SSI dự đoán những loại thuốc mới này có khả năng sẽ được sản xuất tại nhà máy mà Imexpharm đang lên kế hoạch xây dựng.
Imexpharm hiện đang sở hữu 3 cụm nhà máy EU-GMP và 11 dây chuyền EU-GMP, là công ty dược sở hữu cụm nhà máy EU-GMP lớn nhất Việt Nam. Giới phân tích cho rằng việc đầu tư cho các dây chuyền chuẩn EU-GMP sẽ tạo điều kiện cho Imexpharm đấu thầu vào các bệnh viện.
Theo SSI, với ngành chăm sóc sức khoẻ, các nhà sản xuất trong nước dự kiến gia tăng thị phần từ thuốc nhập khẩu nhờ được hỗ trợ bởi sửa đổi về luật. Tuy nhiên, chi tiêu cho chăm sóc sức khoẻ của người tiêu dùng được dự báo chưa khởi sắc cho đến hết năm 2024 và sẽ bắt đầu phục hồi vào quý I/2025.
Với Imexpharm, SSI kỳ vọng doanh nghiệp sẽ phục hồi nhẹ trong nửa cuối năm 2024, ước tính doanh thu năm 2024 là 2.300 tỷ đồng (tăng 16%) và lợi nhuận sau thuế đạt 309 tỷ đồng (tăng 3%). Trong dài hạn, là một trong những nhà sản xuất trong nước sở hữu nhiều nhà máy đạt chuẩn EU GMP nhất, SSI đánh giá triển vọng của IMP rất tích cực với lợi thế của người tiên phong.