Kênh 4.300 tỷ sụp gãy: Dùng tay cạy được bê-tông

Kênh Bắc Sông Chu - Nam Sông Mã đầu tư hết 4.300 tỷ đồng vừa sụp gãy có nhiều đoạn dùng tay có thể cạy được bê-tông.

Ngày 4/1/2021, công tác khắc phục sự cố kênh Bắc Sông Chu - Nam Sông Mã (Thanh Hóa) đang tiếp tục diễn ra sau khi xuất hiện đoạn sụp gãy dài gần 50 mét vào cuối năm 2020.

Nguyên nhân sự cố được xác định là do đoạn kênh nằm trên nền địa chất có cấu trúc phức tạp, một bên là núi, một bên là suối, đất đào và đất đắp không đồng nhất; đặc biệt đây là đoạn kênh đắp nổi, chiều cao rất lớn (khoảng 16-18m), nằm trên lớp đá phong hóa và có cung trượt phức tạp.

Kênh 4.300 tỷ sụp gãy: Dùng tay cạy được bê-tông - Ảnh 1
Một đoạn kênh Bắc Sông Chu - Nam Sông Mã bê-tông đứt gãy, có thể dùng tay cạy dễ dàng.

Đầu năm 2021, khi phóng viên trở lại đoạn kênh này khảo sát, phát hiện nhiều đoạn nứt bất thường, xói lở, bê tông vỡ vụn ở bờ kênh, lòng kênh.

Tại khu vực kênh Bắc Sông Chu - Nam Sông Mã nằm trên địa phận xã Nguyệt Ấn và xã Phùng Minh (thuộc huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) có nhiều điểm nứt, xói lở tại bờ kênh và dưới lòng kênh, đáy kênh. Thậm chí, nhiều khu vực có thể dễ dàng dùng tay người cạy là bê-tông đã vỡ vụn.

Nhiều vết nứt còn được trám bên ngoài một lớp xi măng mỏng như để che bớt. Có những điểm nứt thò cả bàn tay vào được bên trong. Còn điểm hư hỏng, xói lở thì rất nhiều.

Liên quan đến sự cố sụp gãy kênh Bắc Sông Chu - Nam Sông Mã, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, đơn vị sẽ chỉ đạo giám định chất lượng công trình để làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan.

"Xác định trách nhiệm thì phải xem lại nguyên nhân dẫn đến sự cố đã. Tôi đã rà soát lại tất cả, kể cả bản vẽ, thiết kế thi công, quá trình thi công thì đúng theo thiết kế.

Vấn đề là, chắc là tiêu chuẩn của đoạn kênh này nó phải cao hơn các đoạn khác. Bởi vì nó đặc biệt, là đoạn tiếp giáp giữa kênh và cầu máng, tiêu chuẩn chắc phải cao hơn" - ông Hiệp nói.

 

Ngọc Mai (Tổng hợp)

Theo Báo Đất Việt